Để chui đầu vào cái Lờ khổng lồ phải chi bao nhiêu tiền?

Nhà hát là một công trình lập ra để phục vụ cho rất ít người có nhu cầu. Loại hình nhạc bác học không phải là thứ nhạc đại chúng, dù cho đó là ở thời kỳ phong kiến Âu châu đi nữa. Nhà hát là loại hình nghệ thuật dành cho giới quý tộc, mà giới này cũng chiếm tỷ lệ rất ít chứ không phải nhiều. Hầu hết nhà hát ở các nước châu Âu đều là công trình cổ. Chỉ có những công trình nào bị phá hủy bởi chiến tranh mà không thể phục chế thì mới xây mới. Còn xây mới cho loại hình công trình này không nhiều.

Nhà hát Đó, công trình trị giá 400 tỷ

Ở Việt Nam, có 2 thành phố có nhà hát, đó là Hà Nội và TP. HCM. Hà Nội có Nhà hát Lớn do Pháp xây, TP. HCM có Nhà hát Thành phố, công trình này cũng do Pháp xây dựng, nhằm phục vụ cho số ít tầng lớp cai trị của chính quyền Thuộc địa Pháp. Hai thành phố lớn nhất nước có 2 nhà hát nổi tiếng, còn lại những thành phố khác không có, chứng tỏ nó không “đẳng cấp” bằng 2 thành phố lớn này.

Những ngày gần đây, thành phố Nha Trang có ý định xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương giống như TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Và chính quyền thành phố Nha Trang đã bỏ ra 400 tỷ để xây nhà hát Đó chủ yếu là tạo hình ảnh đẳng cấp như thành phố lớn, hơn là tạo ra vì nhu cầu văn hóa của người dân Việt Nam đòi hỏi. Cái đó có nghĩa là cái lờ đơm cá trong dân gian.

Theo thông tin chính thức được công khai trên website chính thức của Nhà hát Đó, hiện nhà hát mới công diễn một chương trình nghệ thuật cách tân di sản rối nước, cùng các loại hình rối mới, Rối Mơ – Life Puppets. Theo quảng bá, chương trình này được giới thiệu sẽ mang tới cho khán giả một sân khấu đa ngôn ngữ, phi không gian, phi thời gian và những câu chuyện rất đời, thông qua hình tượng 12 con giáp. Ngay trước ngày mở cửa nhà hát, tổ chức kỷ lục Việt Nam cũng công nhận đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự kết hợp của đa loại hình nghệ thuật rối, đa không gian trình diễn, cùng dàn khí nhạc các dân tộc bản địa Đông Nam Á đầu tiên tại Việt Nam. Giá vé được giới thiệu là từ 800 ngàn đồng tới 1,1 triệu đồng cho một buổi biểu diễn khoảng 45 phút.

Phải tốn tiền triệu mới chui vào được cái Lờ khổng lồ

Theo thông tin chúng tôi điều tra thì đa phần người dân cho là quá cao, vượt qua khỏi tầm với của giới trung lưu. Đất nước Việt Nam đang ở tầm “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, thì người dân khó mà bỏ ra khoản tiền như thế để mua vé xem những vở rối nước. Rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian Việt Nam, gắn liền với nền văn minh lúa nước và mang tính dân dã, không phù hợp trong khung cảnh nhà hát theo phong cách phương Tây. Đồng thời, với đời sống hiện đại đa dạng và phong phú, thì nghệ thuật rối nước đã không còn sức hấp dẫn nữa.

Nhà hát con sò Sydney cũng là công trình kiến trúc hiện đại, tuy nhiên, nhu cầu trình diễn nhạc bác học phục vụ dân của nhà hát này là đáng kể. Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân còn nghe nhạc Bolero, nhạc Đỏ kém chất lượng, thì làm sao họ có thể nghiên cứu để mà nghe lọt tai “nhạc bác học”. Cho nên, có thể nói, chạy đua xây nhà hát tại Việt Nam là cách làm của anh trọc phú, cố xây cho được nhà hát để bằng chị bằng em, hơn là nơi tạo ra món ăn tinh thần chất lượng cao cho người dân. Theo một ý kiến đánh giá cho Thoibao.de biết, những người xem chương trình của Nhà hát thường là muốn cho có “đẳng cấp”, chứ ít ai là khao khát thực sự.

Ở Việt Nam, rất nhiều công trình văn hóa do đua đòi xây lên rồi bỏ hoang, có nơi dùng để cho thuê tổ chức tiệc cưới, cố thu hồi được đồng nào hay đồng đó. Việc phát triển đất nước, phát triển thành phố mà dựa vào bề ngoài để chạy đua cho bằng chị bằng anh, thì chắc chắn không bao giờ bằng. Bởi những cái đầu quản lý vĩ mô không đủ tầm.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://cafef.vn/bo-ra-400-ty-dong-xay-nha-hat-hinh-chiec-do-kdi-holdings-dang-thu-ve-nhung-dong-von-dau-tien-gia-ve-khong-phai-dang-vua-nhung-ngay-ngay-dau-da-kin-cho-188230416144126305.chn

 

 

Kasse animation 7.8.2023