Vì sao lãnh đạo Việt Nam dự các lễ của Phật giáo và của tín ngưỡng truyền thống?

Link Video: https://youtu.be/KpUDfmjIQP0

Đầu Xuân Nhâm Dần có thêm một loạt sự kiện khiến người ta chú ý ở Việt Nam: các lễ truyền thống với sự tham gia của quan chức, lãnh đạo cao cấp.

Các báo VN cho hay hôm 07/02, Bí thư Nguyễn Văn Nên “dự lễ khai ấn và hạ nêu tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt“.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia lễ Tịch điền ở Đọi Sơn, Hà Nam, một truyền thống đã bỏ từ thời vua Khải Định nhưng được phục dựng năm 2009, “theo tích vua Lê Đại Hành cày Tịch điền lần đầu tiên dưới chân núi Đọi vào năm Đinh Hợi 987“.

Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán tháng 2/2019, TBT-Chủ tịch nước (khi đó), GS Nguyễn Phú Trọng đã dâng hương ở chùa Trấn Quốc.

Những nghi lễ tương tự của ông Trọng và các lãnh đạo VN khác được lặp lại với sự có mặt của các vị sư sãi thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở nhiều nơi khác, trong nhiều dịp khác nhau.

Cùng lúc, việc xây các cơ sở thờ tự lớn và một số hoạt động của sư sãi đã gây điều tiếng trong xã hội, tạo ra hình ảnh “sư hư chùa khủng“.

Việt Nam làm gì với sư hư và chùa khủng?

Từ đâu có lễ Tịch điền hay là chuyện vua ‘đi cày’ ở châu Á?

Hồi tháng 10/2021, báo Việt Nam đăng trang trọng trên các trang nhất tin bài “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi vòng hoa kính viếng Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.”

Quan chức VN cũng thường thăm viếng đại diện các đạo giáo khác, như Công giáo, nhưng đài báo nước này thường ưu tin tin bài về hoạt động của lãnh đạo dành cho các sự kiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tín ngưỡng truyền thống,

Ngoài ra, gần đây các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam không chỉ dự lễ, mà còn hành lễ, như “dâng hương, hạ ấn, cày ruộng“, đặt mình vào vị thế của thành viên cộng đồng tín ngưỡng/niềm tin đó.

Có thông điệp chính trị gì không?

Điều này có hệ quả chính trị nhất định, và đã gây ra nhiều bình luận.

Chẳng hạn, một cây bút ở Việt Nam, kiến trúc sư Dương Quốc Chính cho rằng:

Phật giáo ở Việt Nam bây giờ cũng gần như quốc giáo. Đảng tuy không chính thức công nhận điều đó, nhưng nhìn cách ứng xử của lãnh đạo đảng và CP là biết lãnh đạo GH PG Việt Nam rất được trọng vọng. Các vị trưởng lão hòa thượng, lãnh đạo GH, khi viên tịch là có tứ trụ đến viếng, là đủ hiểu.”

Ảnh: ông Nguyễn Phú Trọng cùng Hoàng Trung Hải, Tô Lâm và Nguyễn Đức Chung thắp hương ở chùa Trấn quốc

Viết trên Facebook (05/02/2022), ông Dương Quốc Chính nêu đánh giá riêng:

Đến thời CS 2.0, bên Trung Quốc là từ Đặng Tiểu Bình và Việt Nam là từ Nguyễn Văn Linh đến nay, người ta mới khôi phục lại Tam giáo đồng nguyên và đưa nó lên một tầm cao mới trong việc trị quốc và duy trì chế độ.

Chùa chiền được xây dựng nhiều, to đẹp, hoành tráng, thầy cúng được tự do hành nghề, tư tưởng Nho gia được khuếch trương với đạo quân – thần, đề cao tinh thần trung quân ái quốc.

Kết hợp tam giáo với chủ nghĩa cộng sản sẽ thành Tứ giáo đồng nguyên thì vô địch thiên hạ về việc trị quốc an dân.”

Một số nhà nghiên cứu nước ngoài thì cho rằng, trong quá trình chuyển sang nền kinh tế tư bản, tôn giáo ở VN không mất đi ý nghĩa, mà tiếp tục tồn tại.

Ngay từ năm 2007, Philip Taylor đã nêu ra vai trò gia tăng, lan rộng của việc thờ cúng tổ tiên, và các đạo giáo truyền thống thời Đổi mới ở VN.

Ông nhấn mạnh đến sự thể hiện ra bên ngoài của “hành vi tôn giáo“, trong dân chúng, và nay chúng ta thấy ở cả các lãnh đạo.

Điều này có thể dẫn tới cách hiểu rằng việc quan chức hành lễ, dự lễ mang tính hình thức.

Chưa kể, có ý kiến còn cho rằng việc quan chức thờ cúng là do văn hóa sống “nông cạn“.

Nhà văn Đoàn Bảo Châu hồi 2019 có bài viết mà BBC đăng lại, nêu quan điểm như sau:

Người cộng sản thời kì đầu đả phá tôn giáo, phá bỏ chùa chiền, thờ ông bà còn bị quy chụp là mê tín dị đoan.

Giờ thì lại mê tín quá mức, quan chức xì xụp vái lậy, xoắn xuýt thầy bà.

Đấy là do văn hoá sống nông cạn, không tin vào con người nên lúc thế này, lúc thế khác.

Cả đời chỉ coi quyền lực, vị trí là quan trọng, bao thời gian chỉ lo đấu đá, lúc nào đọc sách, lúc nào suy ngẫm và thiền định đâu để hiểu sâu sắc những điều ấy.

Họ thực ra là những con người yếu kém về văn hoá, yếu đuối về tâm hồn, chính vì vậy mà họ hay sai lạc. Sai lạc nên không nhất quán, hay thay đổi, gió chiều nào che chiều nấy.”

Định nghĩa lại ranh giới ‘tâm linh’ cho Đảng Cộng sản?

Hôm 10/02/2022, trang Quân đội Nhân dân ở VN có đề cập đến hiện tượng thờ cúng trong quan chức và thừa nhận:

Một trong những trăn trở của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay là tham gia đời sống tâm linh như thế nào cho phù hợp, để không vi phạm Điều 19 của Quy định số 37-QĐ/TW ‘về những điều đảng viên không được làm’: ‘Mê tín, hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi’“.

Nêu ra vấn đề như vậy, bài báo giải thích: “Ranh giới giữa hoạt động tâm linh với hoạt động mê tín, dị đoan thường rất mỏng manh. Định hình được ranh giới ấy, cán bộ, đảng viên sẽ thấy thoải mái, tự tin hơn trong tham gia các hoạt động tâm linh…”

Kiến trúc sư Dương Quốc Chính thì mô tả việc này như sau:

Ngày tết là ngày mà Tứ giáo được thể hiện rõ nét nhất, từ việc thờ cúng tổ tiên, đạo Mẫu, đi chùa, đền, lễ cầu an, cầu tài lộc, cầu duyên, cầu tự và…kỷ niệm thành lập đảng!”

Còn trang Quân đội Nhân dân tin rằng nay là lúc cần kết hợp niềm tin truyền thống vào niềm tin ý thức hệ cộng sản:

Niềm tin vào sự tích “con Rồng, cháu Tiên”, niềm tin vào hồn thiêng sông núi, niềm tin vào linh khí tổ tiên… khi hòa quyện vào niềm tin cộng sản sẽ tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn trong mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng.”

Ở góc độ này, một số động tác làm lễ của lãnh đạo VN đôi khi còn mang ý nghĩa tích cực, để sửa sai lịch sử, theo các ý kiến từ TP HCM nói với BBC sau lễ ở Lăng Ông.

Sau 1975 ở miền Nam, thái độ ban đầu của chính quyền là phủ nhận gần như toàn bộ triều Nguyễn, và các đại công thần của vua Gia Long mà Tả quân Lê Văn Duyệt là một nhân vật tiêu biểu.

Nhưng ngày hôm nay, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại Lê Văn Duyệt để ghi công “bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh xương máu, công sức dựng xây, bảo vệ để cho chúng ta có được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ“.

Ảnh: Bí thư Nguyễn Văn Nên thắp hương tại “lễ khai ấn và hạ nêu tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt” hôm 7-2-2022

Hiện chưa rõ bước tiếp theo có phải là Nhà nước phục hồi đúng vị trí lịch sử của các vua nhà Nguyễn hay là không?

Về trào lưu đầu tư xây chùa kinh doanh tâm linh ở Việt nam, kiến trúc sư Dương Quốc Chính bình luận:

Đầu tư xây chùa giờ dễ ợt. Toàn thấy anh em sư tự tìm vốn xây chùa rồi xin được làm trụ trì, đại khái cũng như “start up” (khởi nghiệp) vậy. Phải làm thế vì các chùa có sẵn thì kín chỗ rồi, phấn đấu lên trụ trì là hơi bị khó, vì tuổi hưu của sư lại quá cao, chờ đến khi sư huynh nghỉ hưu để mình lên chức thì ốm.

Hơn nữa, cạnh tranh bây giờ quá khốc liệt, vì còn phải đấu với anh em sư định hướng XHCN, có bảo kê, quan hệ. Không biết trong ngành có phải chạy chức không? E là có.

Chính thế nên giờ chùa mới mọc ra như nấm, giống mở công ty thôi. Vốn ít thì mở chùa mới, nhỏ, chỗ khỉ ho cò gáy, rồi thu tiền lẻ từ bần nông. Vốn dày thì mở chùa to luôn, thường là nâng cấp từ 1 chùa cũ, cổ, bé bằng lỗ mũi.

Kiểu đó cơ bản cũng như anh em đầu tư bỏ vốn vào mấy công ty nhỏ, có tiềm năng, rồi PR, làm thương hiệu, rồi thu tiền.

Kiểu này thường chỉ hiệu quả khi đầu tư vào mấy chùa nhỏ, chưa có thương hiệu, như chùa Bái Đính. Ngày xưa đếch ai biết chùa ấy ở đâu, thực tế bây giờ cái chùa cũ cũng chỉ bằng lỗ mũi, mình đi Bái Đính mấy lần còn chưa vào đó, chỉ vào cái “Show room” mới thôi.

Các chùa cổ, to, có tiếng từ xưa thì anh em đại gia lao vào dây máu ăn phần hơi khó.

Như vụ Xuân Trường định đầu tư vào chùa Hương không ăn thua. Vì chùa ấy tiền vào như nước sẵn, ngu gì chia bánh cho thằng khác.

Thế mà chùa Yên Tử vẫn có đại gia vào được mới tài, nhưng chắc tỷ lệ ăn chia giọt dầu không được mấy, chỉ là ăn theo ở những hạng mục mới thôi.

Kiểu ấy chắc giống liên doanh, chứ không như Bái Đính.

PR, làm thương hiệu cho chùa, thì có nhiều bài. Như đi rước xá lợi Phật rình ràng từ Ấn Độ, Nepal gì đó về đặt, rồi xây tượng Phật to nhất ĐNA… hay mời sư nổi tiếng, có danh phận trong Giáo hội Phật giáo về làm trụ trì.

Cũng như các công ty mời CEO có tiếng về làm thôi. Nếu xây được chùa to, quan hệ ngon, thì đứng ra tổ chức mấy cái hội nghị Phật giáo quốc tế, cũng như mấy khu du lịch đứng ra đăng cai thi hoa hậu thôi.

Chung quy cũng là bơm thổi, để câu view khách thập phương. Khách đến nhiều thì sẽ hốt được nhiều tiền.

Các công ty bình thường thì phải minh bạch tiền thu chi, rồi tính toán lợi nhuận, để đóng thuế. Còn đầu tư vào chùa thì chỉ có Phật mới kiểm toán nổi. Ai mà biết được tiền cúng dường thật là bao nhiêu? Mà chùa thì tất nhiên không phải đóng thuế.

Chùa thì có rất nhiều khoản thu. Dễ thấy nhất là tiền cúng dường, rồi đến tiền cúng giải hạn. Ngoài ra các sư cũng chạy show, đánh quả lẻ, như xem phong thủy, làm lễ cúng đám ma, động thổ, cất nóc, cúng bái các loại cho người dân. Anh em sư sãi giờ tài lắm, rành tất cả kỳ môn độn giáp, phong thủy, cúng bái, tử vi, kinh dịch đến cho/bán chữ.

Chùa còn có cửa kiếm nữa, là vì dân làm ăn VN ai mà chả là tù nhân dự khuyết, quan lại thì càng thế. Nên thành phần có tâm bất an càng ngày càng đông nên họ có nhu cầu cúng dường để an tâm. Anh em làm càng nhiều điều thất đức thì càng cúng dường nhiều.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)


Triệu lời CẢM ƠN!

Hàng triệu người đã xem tin tức và các chương trình của chúng tôi. Ngày càng có nhiều người lựa chọn ủng hộ chúng tôi. Bởi vì cần có một tiếng nói độc lập, phản biện trên các phương tiện truyền thông cho Việt Nam.

Với sự ủng hộ của các bạn, sẽ giúp cho mọi người truy cập thoibao.de miễn phí. Bởi vì chúng tôi xem báo chí không chỉ là sản phẩm truyền thông, mà còn là hoạt động có ích cho cộng đồng.

Đã có hàng chục triệu lượt người mỗi tháng không phải trả bất kỳ khoản nào để xem tin tức trên thoibao.de, nhưng các bạn cũng biết, để có báo chí chất lượng thì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần sự hỗ trợ từ các bạn và người những ủng hộ.

1/ Qua Paypal, Visa, Mastercard, America Experess, Sepa Lastschrift: 

QR Code tài trợ:

2/ Qua chuyển khoản ngân hàng:

Tên tài khoản: Thoibao.de

IBAN: DE36 1005 0000 0190 636319

SWIFT: BELADEBE

Địa chỉ: Berliner Sparkasse, Ostseestr. 109, 10409 Berlin, Germany

Khi tài trợ hay chuyển khoản, các bạn ghi dòng chữ: Ủng hộ thoibao.de

Trân trọng cám ơn

Lê Trung Khoa – TBT Thoibao.de. E-Mail: [email protected]  Viber / WhatsApp / Telegram / Signal : +49 170 2363084


>>> Chuyên gia: Chiến tranh Nga-Ukraine có thể khiến Việt Nam nhượng bộ Trung Quốc ở Biển Đông

>>> Vì sao quan chức thời nay không dám “đột phá”?

>>> Quan hệ Nga-Trung: Bề ngoài hữu nghị, bên trong nghi kỵ

‘Canh và chặn’: cách Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023