Tô “thịt” Huệ, Chính ngồi yên, Phan V Giang đợi thời cơ?

Cuộc chiến giữa phe Hưng Yên do Tô Lâm đứng đầu và phe Nghệ An do Vương Đình Huệ đứng đầu, lợi thế đang tạm nghiêng về phe Hưng Yên.

Nếu so sánh về tương quan lực lượng, 2 phe này khá chênh lệch. Phe Nghệ An có 3 uỷ viên Bộ Chính trị, 10 uỷ viên Trung ương, và 1 Ủy viên Trung ương dự khuyết. Trong khi đó, phe Hưng Yên chỉ có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 uỷ viên Trung ương Đảng. Tuy nhiên, phe ít lại áp đảo được phe nhiều, do Tô Lâm đang có binh quyền trong tay, có thể đánh úp ngay lập tức, mà không cần phải chờ lâu như Vương Đình Huệ đi cầu viện Bắc triều.

Ông Huệ đang bị Tô Lâm dồn ép vào đường cùng, điều này cho thấy sức mạnh đáng nể của Tô Lâm. Triều đình có 4 trụ tối cao, thì xem như, 2 trụ đã gãy và một trụ bị liệt, chỉ còn lại Thủ tướng là vẫn hoạt động bình thường.

Sau khi loại Võ Văn Thưởng, Tô Lâm tiếp tục đánh úp Vương Đình Huệ quá nhanh. Nếu có bất kỳ ai còn dám lăm le chức Tổng Bí thư, thì không loại trừ khả năng Tô Lâm tiếp tục cho đánh úp người đó. Mặc dù Phạm Minh Chính là chân trụ có quyền lực thứ nhì, chỉ sau Tổng Bí thư, nhưng ông Chính đang dính đầy vết, trong đó có những vết liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – Chủ tịch Tập đoàn AIC.

Tuy bà Nhàn đang ở ngoài vòng kiểm soát của Tô Lâm, nhưng điều đó không có nghĩa là Tô Lâm bó tay. Hiện nay, không một quan chức nào không dính phốt, mà nhiều phốt nữa là khác. Ngoài bà Nhàn, khó nói Phạm Minh Chính không có các sân sau, như Phúc sơn với Võ Văn Thưởng, hay Thuận An với Vương Đình Huệ.

Có thông tin cho biết, Phạm Minh Chính đang thỏa hiệp với Tô Lâm để loại Huệ. Tuy nhiên, đấy chỉ là sự thể hiện bên ngoài, còn thực chất, Phạm Minh Chính thỏa hiệp với Tô Lâm để bản thân được an toàn mới là mục đích chính.

Đấu đá cung đình trước giờ vẫn xảy ra, nhưng chỉ là những màn kịch chiến ở Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Giới chóp bu Cộng sản thường dùng Đảng luật để tố nhau. Tới thời ông Nguyễn Phú Trọng thì dùng đến cả công an để loại “đồng chí”, nhưng công cụ công an chỉ sử dụng sau cùng, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phân loại hình thức kỷ luật. Chỉ những người bị quyết định cách chức và khai trừ khỏi Đảng, thì mới đến lượt Tô Lâm ra tay. Cho nên, việc đánh gục các “đồng chí” trong Đảng do ông Trọng điều khiển cần có thời gian, chứ không thể “đánh nhanh thắng nhanh” như Tô Lâm.

Tô Lâm dám thực hiện chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” khiến cho đối thủ không kịp trở tay, cũng bởi Tô Lâm không coi quy trình của ông Tổng ra gì. Với kiểu đánh úp như thế này, nếu Phạm Minh Chính không thỏa hiệp với Tô Lâm, thì không biết, họa sẽ ập đến bất cứ lúc nào.

Cung đình đang náo loạn, 4 trụ nay chỉ còn 1 trụ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, có một nhân vật quyền lực không kém Tô Lâm, nhưng vẫn đang án binh bất động, đó chính là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang.

Nếu nói, Bộ Công an có Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03, thì Bộ Quốc phòng cũng có Tổng cục Tình báo Quân đội (tức Tổng cục 2). Cục này có nghiệp vụ không thua gì các cơ quan điều tra của Bộ Công an, thậm chí, có khi còn tốt hơn.

Tô Lâm đang dùng lực lượng công an điều tra trong tay, để điều tra đối thủ và đánh gục họ. Tô Lâm cũng dính phốt rõ ràng, nhưng Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ lại không làm gì được, bởi ông Huệ và ông Thưởng không có trong tay lực lượng điều tra. Đó cũng là lý do những người này bất lực trước đường đánh của Tô Lâm.

Phan Văn Giang – người đứng đầu Bộ Quốc phòng, có trong tay Tổng Cục 2. Hiện nay, chỉ có ông Giang là người có thể cho điều tra những phốt đen của Tô Lâm. Tuy nhiên, ông vẫn đang quan sát, chưa thể hiện động tĩnh gì. Có thể, Phan Văn Giang sẽ là nhân tố bất ngờ.

Hãy đợi xem?

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023