Cầu Tập không được, cầu Tổng không xong, số phận Huệ tắt theo đom đóm!

Vương Đình Huệ biết mình thua Tô Lâm từ khi sân sau chưa bị đánh. Đấy có thể là lý do khiến ông Huệ vội vàng thực hiện chuyến đi dài ngày sang Bắc Kinh, gặp trực tiếp Tập Cận Bình. Điều đáng nói là, Vương Đình Huệ càng vùng vẫy, Tô Lâm càng cho thít sợi dây thòng lọng chặt thêm.

Đầu tiên, khi ông Huệ gặp ông Tập, thì Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, bị bắt. Khi ông Huệ kết thúc chuyến đi, thì Phạm Thái Hà bị câu lưu.

Tiếp theo, bà Hạ Vinh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, và về nước, thì Tô Lâm cho công bố thông tin bắt Phạm Thái Hà với báo chí. Vương Đình Huệ nhích tới một bước, thì Tô Lâm sẽ phang một gậy. Cứ thế, thòng lọng thít chặt vào Vương Đình Huệ, cho đến thời điểm này, gần như không còn lối thoát nào cho ông Chủ tịch Quốc hội.

Việc Tô Lâm cho công khai thông tin bắt Phạm Thái Hà sau khi bà Hạ về nước, cho thấy, chuyến đi cầu viện của Vương Đình Huệ đã thất bại. Bởi “thiên triều” cũng sẽ nghiêng về phía mạnh hơn. Vì sử dụng kẻ mạnh sẽ hiệu quả hơn sử dụng kẻ phải cầu cứu người khác giúp đỡ như Vương Đình Huệ.

Có vẻ như, ông Tô Lâm đã tính trước khả năng ông Vương Đình Huệ tiếp tục cầu cứu ông Tổng Bí thư, nên khi Tô Lâm cho đánh Vương Đình Huệ, không sử dụng bất kỳ vũ khí nào khác, ngoài vũ khí mà ông Tổng đã ban ra. Và “trách nhiệm người đứng đầu” quả là vũ khí lợi hại, mà một tướng võ luôn muốn thể hiện uy lực của mình như Tô Lâm, đã không bỏ lỡ cơ hội chớp lấy thứ vũ khí này, để mưu cầu giấc mộng quyền lực cho bản thân mình.

Vào đường cùng, Vương Đình Huệ phải cầu cứu ông Tổng Bí thư là điều khó tránh khỏi. Nhưng làm sao ông Tổng Bí thư có thể can thiệp trong trường hợp này, khi mà những quy định là do chính ông ban ra. Ông Tổng thường rao giảng đạo lý trước toàn Đảng Cộng sản, mà giờ đây, ông lại lấy tư cách cá nhân để can thiệp cho đệ tử ruột của mình thoát tội, thì khác nào, ông đã dẫm lên những giáo lý của chính mình?

Cầu “thiên triều” không có tín hiệu tích cực, cầu Tổng Bí thư thì Tổng bí thư im lặng, vì “há miệng mắc quai”, vậy nên, số phận sự nghiệp chính trị ông Vương Đình Huệ đã trở nên lập lòe, và sắp tắt theo tàn đom đóm, trong một tương lai không xa. Với tình hình hiện nay, xem như, sự nghiệp chính trị của ông Huệ đã hết khả năng có thể cứu được.

Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, một khi đã leo lên đến Ủy viên Bộ Chính trị, thì không ai không nuôi một vài, thậm chí là rất nhiều sân sau, để trục lợi các dự án công, nhằm làm giàu bất chính. Nếu bị đánh bằng chiêu bài bắt sân sau, bắt người thân cận, như trợ lý hay thư ký, thì thế nào cũng lần ra được sự liên quan với người đứng đầu. Dùng chiêu này chắc chắn thành công. Kể cả, nếu có ai đó dùng chiêu này với Tô Lâm, thì Tô Lâm cũng khó thoát. Bởi chẳng ai trong sạch khi có thể trèo cao trong thể chế này.

Vương Đình Huệ thua Tô Lâm, không phải vì ông Huệ dở hơn, mà bởi ông Huệ không có được binh quyền như Tô Lâm. Khi không có bộ máy điều tra, thì làm sao có đủ “đồ chơi” mà quật đối thủ?

Có thể nói, dù Võ Văn Thưởng, hay Vương Đình Huệ, hay cả Phạm Minh Chính, thì cũng khó mà thoát khỏi đòn hiểm của Tô Lâm, một khi ông ra tay.

Từ việc Tô Lâm sử dụng bộ máy Công an quá lợi hại, mà giờ đây, vị trí Bộ trưởng Bộ Công an đã trở thành một vị trí quan trọng mà các thế lực đều nhòm ngó. Phan Đình Trạc có tham vọng muốn nắm ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Với thành công như Tô Lâm hiện nay, ghế Bộ trưởng Bộ Công an là ghế quyền lực lớn, có khả năng gây sóng gió trên chính trường, sau ghế Tổng Bí thư.

Trước mắt, võ đài tranh ghế Tổng Bí thư đang khốc liệt. Tuy nhiên, võ đài tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an cũng không kém. Còn chỉ chừng 1 năm rưỡi nữa, 2 võ đài này hứa hẹn sẽ rất náo nhiệt.

Hãy đợi mà xem!

Hoàng Anh – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023