Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ đi đến đâu?

https://youtu.be/9Uknt71nBZ4
Link Video: https://youtu.be/9Uknt71nBZ4

Quan hệ Mỹ – Trung càng lúc càng rơi xuống vực thẳm sau đòn « ăn miếng trả miếng » đóng cửa lãnh sự quán của nhau. Hình ảnh nhân viên ngoại giao Trung Quốc phi tang tài liệu trước khi rời khỏi tòa lãnh sự tại Houston, Texas, hồi cuối tuần trước, hay cảnh nhân viên Mỹ hạ quốc kỳ vào sáng sớm ngày 27/7 trước khi Trung Quốc tiếp quản văn phòng đại diện ngoại giao ở Thành Đô, cho thấy mối bang giao giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Không phải tình cờ mà lãnh sự quán của hai nước tại Houston hay Thành Đô là những mục tiêu bị nhắm tới.

Phóng viên Barbara Plett Usher của BBC nhận định: Hoa Kỳ không phải là chưa từng đóng cửa một tòa lãnh sự nước ngoài, nhưng đó là một bước đi hiếm hoi và đầy kịch tính, một tình huống căng thẳng khó giãn ra. Cơ quan đại diện ngoại giao bị đóng cửa lần này là một lãnh sự quán, chứ không phải là một đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao lớn nhất của một quốc gia tại một quốc gia khác. Nhưng tòa lãnh sự đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho thương mại và tiếp cận.

Houston là địa điểm đầu tiên được chọn làm văn phòng lãnh sự của Trung Quốc tại Mỹ, được khánh thành năm 1979 là một biểu tượng mạnh mẽ cho việc bình thường hóa quan hệ Mỹ -Trung. Nhưng chính quyền Trump đã quả quyết đây là « ổ gián điệp của Trung Quốc trên lãnh thổ Hoa Kỳ ».

Ít nhiều thì các hoạt động gián điệp nhất định được cho là xảy ra tại mọi lãnh sự nước ngoài, nhưng các quan chức Hoa Kỳ cho biết hoạt động ở Texas đã vượt qua mức có thể chấp nhận được và họ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng điều này sẽ không được dung thứ.

Việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một hành động thực sự quyết liệt để đối phó với mối đe dọa mang tên Trung Quốc mà giới chức Mỹ đã đề cập với tần suất dày đặc từ nhiều tháng qua đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc đã làm đảo lộn toàn thế giới. Bước đi này của chính quyền Tổng thống Donald Trump được coi là một nỗ lực quan trọng làm gián đoạn hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Ảnh chụp màn hình nhân viên Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đốt tài liệu trong khuôn viên tòa lãnh sự

Về phía Bắc Kinh, Trung Quốc cũng có nhiều lý do để chọn khai tử văn phòng ngoại giao của Mỹ ở Thành Đô.

Lãnh sự quán Thành Đô – được thành lập năm 1985 – đại diện cho Hoa Kỳ trên một khu vực rộng lớn phía tây nam Trung Quốc và phần lớn trong số hơn 200 nhân viên của cơ quan ngoại giao này là người được thuê tại địa phương.

Theo tiết lộ cửa cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong những địa điểm hoạt động của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ CIA, với lợi thế là « gần với Tân Cương và Tây Tạng » hai điểm nhạy cảm trong chính sách an ninh nội bộ của Trung Quốc.

Đây cũng là nơi mà một trong những quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc từng ẩn náu trong đợt thanh trừng nhắm vào cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, một trong những đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình.

Việc đóng cửa lãnh sự quán của Hoa Kỳ ở Thành Đô phía tây Trung Quốc, giáng một đòn mạnh vào cơ sở hạ tầng ngoại giao, kênh liên lạc giữa hai nước.

Hơn thế nữa, với ngành công nghiệp và nhiều dịch vụ đang phát triển trong thời gian gần đây, Thành Đô được Mỹ coi là cơ hội cho xuất khẩu nông sản, ô tô và máy móc.

Ảnh: Cờ Mỹ tại Tổng lãnh sự quán ở Thành Đô, Trung Quốc được hạ xuống

Trong gần nửa thế kỷ từ ngày chính thức thiết lập bang giao, đây không phải là lần đầu tiên văn phòng ngoại giao của đôi bên hứng chịu sóng gió.

Có điều như hãng tin Mỹ AP ghi nhận, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tinh thân dân tộc chủ nghĩa của cả đôi bên cùng đang dâng cao. Viễn cảnh hàn gắn lại càng thêm đen tối.

Bế tắc trong quan hệ Mỹ – Trung còn nằm ở một loạt vấn đề tồn tại trước đó.

Nổi bật là việc hai bên đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và lật đổ nhiều thành quả kinh tế mà đôi bên đã nỗ lực gây dựng. Các quan chức Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lan rộng toàn cầu của COVID-19. Tổng thống Trump đã cáo buộc là virus này có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán. Còn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố vào tháng Ba rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus đến Vũ Hán.

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc cũng đã đối đầu trong cuộc chiến thương mại kể từ năm 2018. Ông Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc giao dịch không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ, nhưng tại Bắc Kinh có quan niệm cho rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự trỗi dậy của mình như một cường quốc kinh tế toàn cầu.

Nhân quyền cũng là một chủ đề gây bất đồng giữa hai bên. Trong khi, Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng loạt, đàn áp tôn giáo, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ và những người khác thì Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc và nói Washington “can thiệp thô bạo” vào các vấn đề đối nội của nước họ. Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các chính trị gia Trung Quốc, những người được coi là chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền đối với người thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.

Giới quan sát nhận định chính Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump đã chủ yếu thúc đẩy chu kỳ đối đầu mới nhất này với Trung Quốc.

Chỉ trong vòng có vài tuần, Bắc Kinh liên tiếp hứng đòn của Mỹ. Từ chiến dịch chống tập đoàn viễn thông khổng lồ Hoa Lục Huawei trong hồ sơ mạng 5G hay các biện pháp trừng phạt nhắm vào những quan chức Hồng Kông cũng như là vùng tự trị Tân Cương, cho đến thay đổi lập trường 180° về những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông… và giờ là cáo buộc Bắc Kinh gửi nhân viên tình báo quân đội đến do thám đánh cắp các dữ liệu về thương mại, quân sự, thậm chí cả y học.

Phóng viên Barbara Plett Usher của BBC nhận định ông Trump chỉ gần đây mới hoàn toàn chấp nhận chiến dịch chống Trung Quốc mà các chiến lược gia của ông cảm thấy sẽ gây được tiếng vang với cử tri. Nó dựa trên quan điểm dân tộc chủ nghĩa năm 2016 của ông về việc trở nên cứng rắn với một Trung Quốc đã “xé toạc Hoa Kỳ“. Nhưng nó cũng là cách để đẩy hết trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc làm lây lan dịch bệnh ra toàn cầu trong bối cảnh đương kim tổng thống Mỹ đã và đang nhận nhiều chỉ trích trong việc quản lý đại dịch virus corona ở Mỹ. Thông điệp mà chính quyền Trump muốn gửi đến công chúng Mỹ là: đối tượng chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà COVID-19 gây ra ở Mỹ là Trung Quốc chứ không phải là Tổng thống Trump.

Việc đóng cửa lãnh sự quán cho thấy rằng những quan chức có khuynh hướng chống Trung Quốc quyết liệt đã chiếm thế thượng phong trên chính trường Mỹ, được hỗ trợ bởi sự tức giận thực sự ở Washington trước sự thiếu minh bạch của Chính phủ Trung Quốc về một loại virus đã gây ra thảm họa toàn cầu.

Còn Trung Quốc thì đang lúng túng tìm cách giải bài toán trong cuộc đọ sức với Mỹ. Làm thế nào đáp trả mà không mà không đoạn tuyệt hoàn toàn với Hoa Kỳ?

Ở bên ngoài, trên các mạng truyền thông, Bắc Kinh để cho phe chủ nghĩa dân tộc bày tỏ thái độ phẫn nộ, bài Mỹ, đòi phải có những biện pháp cứng rắn hơn với Washington. Nhưng trong hậu trường, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng không mong muốn làm trầm trọng thêm những căng thẳng, sợ rằng Trung Quốc có thể bị biến thành « một lá bài tranh cử » của Donal Trump, dù rằng có vẻ như trong thâm tâm họ rất muốn vị tỷ phú này tái đắc cử. Nhưng cùng lúc, giới lãnh đạo Trung Quốc lại không thể tỏ ra « nhu nhược » trước các cuộc tấn công của Hoa Kỳ.

Câu hỏi đang gây chia rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc là: Đáp trả những đòn đánh của Washington bằng cách nào? Phe an ninh tình báo và quân đội phản đối mạnh mẽ mọi ý định hòa giải, có thể bị Hoa Kỳ diễn giải cho đấy là một sự nhu nhược. Ngược lại, nhiều lãnh đạo Trung Quốc, chủ trương cứu vãn nền kinh tế, muốn đáp trả có chừng mực hơn đồng thời vẫn giữ cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không bị « sứt mẻ ».

Vậy tình hình rồi sẽ ra sao?

Về phía Trung Quốc, dường như nước này sẽ không tìm cách leo thang sự căng thẳng.

Còn về phía Mỹ, trong thời gian ngắn hạn, chúng ta có thể dự kiến một trạng thái căng thẳng bấp bênh cho đến cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ. Tình hình lâu dài phụ thuộc vào người đắc cử trong tháng 11. Nhưng ngay cả khi ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ có xu hướng hồi sinh các con đường hợp tác, ông cũng đang vận động tranh cử theo thông điệp cứng rắn với Trung Quốc. Đây là một chủ đề phản ánh sự đồng thuận cực kỳ hiếm hoi của hai đảng chính trị Hoa Kỳ vượt xa quyền hạn của người chiếm giữ Nhà Trắng.

Một số nhà quan sát cho rằng việc đóng cửa tòa lãnh sự của nhau lần này, trên thực tế, chỉ là bước kế tiếp trong số những hiềm khích giữa hai siêu cường của thế giới này.

Những nghi kỵ chồng chất xuất phát từ sự cạnh tranh cả về quân sự, đến ngoại giao và kinh tế, thương mại, công nghệ. Mỹ và Trung Quốc đã lao vào một cuộc đọ sức trên hầu hết các hồ sơ từ Biển Đông cho đến luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Bắc Kinh áp đặt, từ tham vọng thôn tính Đài Loan đến chính sách của Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương …

Tình hình đã đột ngột xấu đi thêm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và Tổng thống Trump cho tận ngày hôm nay vẫn dứt khoát gọi virus corona chủng mới là « siêu vi Trung Quốc », để nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bắc Kinh đối với cộng đồng quốc tế trong tai họa y tế lần này.

Vậy đâu là những mặt trận sắp tới trong cuộc đấu tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh ? Báo Pháp Le Monde (Lơ Mông-đơ) trong số ra ngày 23/7 nhắc lại trong chính quyền Mỹ hiện tại « phe diều hâu chủ trương cứng rắn với Trung Quốc đang thắng thế ». Phó tổng thống Mike Pence ngay từ tháng 10/2018 trong một bài diễn văn đã mạnh mẽ lên án « làn sóng đàn áp nhắm vào những người Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo Trung Quốc ». Phải chăng tôn giáo sẽ là một sân chơi mới trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung?

Con theo quan điểm của một số chính khách và giới bảo vệ môi trường, sông Mekong có thể là « một mặt trận » trong cuộc tranh hùng. Hãng tin Anh Reuters trích dẫn một Đại sứ Hoa Kỳ trong khu vực vào tháng 4/2020 tố cáo đích danh Trung Quốc « kiểm soát » nguồn nước của con sông dài 4.350 cây số này và đe dọa trực tiếp đến đời sống của « hàng chục triệu người ở hạ nguồn ». 

Tổ chức bảo vệ môi trường Mekong Energy and Ecology Network, trụ sở tại Thái Lan, cũng lên tiếng báo động về việc Trung Quốc đang kiểm soát nguồn nước của con sông này, « xua tan những nỗ lực của Mỹ từ hàng chục năm qua thúc đẩy các dự án sông Mekong ».

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Cuộc chiến“ Mỹ – Trung tới hồi khốc liệt

>>> Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích chủ tịch Trung Quốc thất hứa về Biển Đông

>>> Bắt gián điệp TQ – Mỹ đã rời Thành Đô

https://www.youtube.com/watch?v=S1F_w8BNufs
Nhân loại đã bước vào “trận chiến” loại bỏ CN Cộng sản

 

Kasse animation 7.8.2023