“CÔNG AN NHÂN DÂN” NHƯNG KHÔNG BẢO VỆ DÂN MÀ CÓ SỨ MỆNH BẢO VỆ ĐẢNG.

Ngày 3 tháng 7 năm 2025, phát biểu của Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, khẳng định sứ mệnh của “lực lượng công an có sứ mệnh bảo vệ Đảng, Nhà nước…” đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sâu rộng trong xã hội về khái niệm “an ninh quốc gia” và đối tượng cần được bảo vệ trong một quốc gia hiện đại.

Trong các nền dân chủ, “an ninh quốc gia” được hiểu là bảo vệ sự an toàn, quyền tự do và phẩm giá của người dân. Đó là sự bảo vệ khỏi các mối đe dọa bên ngoài, bảo đảm pháp quyền và sự minh bạch trong vận hành nhà nước. Ngược lại, tại các quốc gia theo mô hình độc tài toàn trị, khái niệm này thường được định nghĩa chỉ để phục vụ cho sự ổn định và duy trì quyền lực tuyệt đối của thể chế độc đảng. Lực lượng an ninh không còn là hàng rào bảo vệ người dân, mà trở thành công cụ kiểm soát và duy trì trật tự chính trị.

Phát biểu của Lương Tam Quang có thể được xem như một sự khẳng định rõ nét về hệ tư tưởng này. Việc đặt đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa lên trên xã hội dân sự cho thấy, lực lượng công an không bị ràng buộc bởi yêu cầu bảo vệ quyền lợi của người dân. Các hành vi phản biện, chỉ trích hay yêu cầu minh bạch có thể bị “truy chụp” là mối đe dọa đối với “an ninh quốc gia”. Khái niệm “bảo vệ” bị giới hạn trong khuôn khổ bảo vệ quyền lực chính trị, thay vì bảo vệ sự sống, tự do và danh dự của công dân. 

Hệ quả là mất lòng dân và suy yếu nội lực quốc gia Trong bất kỳ xã hội nào, khi lực lượng công quyền không còn được xem là người bảo vệ, mà trở thành người giám sát, thì hậu quả là niềm tin công chúng bị bào mòn một cách nghiêm trọng. Xã hội sống trong sự lo ngại, không dám bày tỏ suy nghĩ hay sáng kiến cải tiến. Giá trị cốt lõi của một quốc gia sẽ không phát triển, lòng tin vào pháp quyền và nhân quyền dần dần sẽ bị thay thế bằng sự phục tùng.

Nếu Việt Nam muốn vươn mình trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, thì cách tiếp cận với “an ninh quốc gia” cần được tái định hình. Đó là sự chuyển đổi cần thiết. Phải từ “bảo vệ chế độ” sang “bảo vệ người dân”. Từ “kiểm soát chính trị” sang “tôn trọng pháp quyền”. Từ “đàn áp phản kháng” sang “khuyến khích tham gia xây dựng xã hội”. Khi người dân cảm thấy bị giám sát thay vì được bảo vệ, hậu quả là sự hoài nghi và sợ hãi lan rộng trong xã hội. Tinh thần yêu nước bị thay thế bằng sự phục tùng cưỡng ép. Các giá trị dân chủ, pháp quyền và nhân quyền bị xói mòn. Trong dài hạn, một quốc gia không thể vững mạnh nếu an ninh được định nghĩa bằng sự kiểm soát thay vì sự bảo vệ.

Chỉ khi nào “công an nhân dân” trở thành lực lượng phục vụ người dân và không còn là công cụ chính trị của chế độ, thì “an ninh quốc gia” mới thực sự là nền tảng vững chắc cho phát triển đất nước một cách bền vững và nhân văn. Đó chính là hướng đi cho tương lai Việt Nam Tự Do và Dân Chủ.

Thanh Nam