Tổng Trọng đã sử dụng quân đội để thành công vô hiệu hóa Tô Đại như thế nào?

Dù tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã yên vị trên cương vị mới, nhưng tiến trình giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sắp xếp, bố trí, để Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước, không hề suôn sẻ như những người tiền nhiệm.

Đặc biệt, sự vắng mặt có chủ ý của Tổng Trọng tại Lễ tuyên thệ của ông Tô Lâm, càng khiến công luận băn khoăn về tương lai chính trị của ông – nhân vật chỉ cách đây ít lâu vẫn còn nắm quyền lực vô đối.

Chỉ trong vòng hơn một tuần, với tài quyền biến của Tổng Trọng tại Hội nghị Trung ương 9, từ ngày 16 đến 18/5, Bộ trưởng Công an như đã bị rút hết phép “thông công”, và mọi quyền lực của ông đã bị vô hiệu hóa.

Cần khẳng định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới tình trạng bất ổn tại chính trường Việt Nam, trong một năm trở lại đây, xuất phát từ việc, nhân sự kế cận cho ghế Tổng Bí thư, trong trường hợp ông Trọng rút lui, đã không được công bố rõ ràng, minh bạch.

Hơn nữa, với sự bành trướng quyền lực quá lớn của Bộ Công an và Đại tướng Tô Lâm, khi ông Tô Lâm “muốn gì được nấy”, càng khiến cho lực lượng công an trở thành một thế lực “kiêu binh”. Bộ Công an có quyền tuỳ tiện, muốn bắt ai thì bắt, kể cả các lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, mà không cần xin phép hoặc theo quy trình tố tụng.

Trong khi, theo giới phân tích, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có nhiều đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương. Trong các kỳ Đại hội Đảng gần đây, số lượng uỷ viên Trung ương của Bộ Quốc phòng luôn đứng trên Bộ Công an. Cụ thể, tại Đại hội 13, số lượng uỷ viên Trung ương của Bộ Quốc phòng có tới 23 ủy viên, còn Bộ Công an chỉ có 6 người, bằng 1/4. Điều đó đã cho thấy, quyền lực chính trị của Bộ Quốc phòng vượt trội so với Bộ Công an.

BBC cho biết, theo Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương, nên chức vụ này do ông Trọng nắm giữ. Theo đó:

“Quân ủy quan trọng hơn vì Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy, còn Đảng ủy Công an Trung ương chỉ có Bộ trưởng là Bí thư, nên Đảng ủy Công an Trung ương ít quyền lực hơn so với Quân ủy Trung ương.”

Song, rõ ràng, trong thời gian gần đây, với sự dung túng của Tổng Trọng, đã tạo điều kiện cho Bộ Công an của Tô Lâm ngày càng bành trướng quyền lực? Chính ông Trọng đã phải trả giá bởi sự lộng hành quá mức của Tô Lâm, và tạo ra một tình trạng bất ổn trầm trọng.

Giáo sư Zachary Abuza, từ Mỹ, nhận định rằng:

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao cho ông Tô Lâm quá nhiều quyền lực để chống tham nhũng, và có thời điểm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn có thể kiểm soát quyền lực của Đại tướng Tô Lâm.”

Tuy nhiên, một điều rất may cho ông Trọng và giới lãnh đạo Đảng, với kinh nghiệm chính trị lọc lõi sau gần 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư, ngay trong ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng Trọng đã quyết định phế bỏ bà Trương Thị Mai, để thăng chức Thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường. Điều này đã lập tức thay đổi cán cân quyền lực, và giúp ông Trọng giành lại thế chủ động.

Từ vai trò chủ động trong cuộc chiến quyền lực, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và phe cách đã nhanh chóng bị đẩy vào tình thế bị động. Dẫu rằng, có nhiều biểu hiện cho thấy, ông Tô Lâm và phe cánh vẫn khiến cho Tổng Trọng vất vả, trong nỗ lực “nhốt quyền lực [của Tô Lâm] vào trong lồng”.

Giáo sư Zachary Abuza giải thích, Tổng Trọng đã sử dụng phép dùng quân đội để cân bằng quyền lực, vì “chỉ có quân đội mới là lực lượng làm đối trọng được với Bộ Công an.”

Theo đó, Đại tướng Lương Cường đã được đưa lên ở vị trí Thường trực Ban Bí thư – là một trong 5 chức danh quyền lực nhất trong Đảng, bên cạnh “Tứ trụ”.

Kể từ năm1986 – sau “Đổi mới” tới nay, một thông lệ cho thấy, những ai nắm chức vụ trong “Tứ trụ”, hay từng làm Thường trực Ban Bí thư, có thể là những bước đệm để trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo BBC: “trong lịch sử, chưa từng có Tổng Bí thư nào xuất thân từ công an, nhưng từ quân đội thì có Thượng tướng Lê Khả Phiêu”. Vì thế, khả năng Đại tướng Lương Cường có thể thăng tiến xa hơn, là rất cao!

Để bảo vệ hình ảnh của nình, quân đội Việt Nam tránh xa nhiệm vụ giải quyết các vụ bất ổn trong nước. Trong khi đó, lực lượng công an thường phải mang hình ảnh của “lũ kiêu binh trong mắt công chúng. Đây là điều gây bất lợi cho tương lai chính trị của Chủ tịch nước Tô Lâm./.

 

Trà My – Thoibao.de