Hạn mặn ở Nam Bộ đã đến cấp độ rủi ro rất lớn, thêm 2 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp

VOA Tiếng Việt ngày 18/4 loan tin “Thêm 2 tỉnh ở Việt Nam công bố tình trạng khẩn cấp do hạn mặn”.

Theo đó, hàng chục nghìn người dân Việt Nam đang thiếu nước ngọt “nghiêm trọng” vì hạn hán và nhiễm mặn, khiến chính quyền Long An và Cà Mau phải công bố tình trạng khẩn cấp.
VOA dẫn tin từ báo VnExpress cho hay, trước việc có hơn 20.000 người dân tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt, trong khi nước mặn xâm nhập sâu vào hệ thống sông Vàm Cỏ, chính quyền tỉnh Long An ngày 17/4 công bố “rủi ro thiên tai xâm nhập mặn cấp 4 – độ rủi ro rất lớn”.
Trang này cho biết, nước mặn xâm nhập sâu trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, từ 72 km đến hơn 80 km, và dự báo rằng, độ mặn 4‰ còn vào sâu hai sông này khoảng 90-110 km trong thời gian tới.
BBC cho biết, khô hạn làm các dòng sông trong vùng ngọt tỉnh Cà Mau khô cạn nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau công bố khẩn cấp hạn hán cấp 2, trên địa bàn hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, hôm 15/4.

Trước đó, theo BBC, một tỉnh khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long là Tiền Giang, đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 6/4.
BBC dẫn truyền thông địa phương cho biết, các cơ quan hữu quan đã được yêu cầu “vận chuyển nước ngọt đến các ao, hồ chứa trong các khu vực hạn mặn để duy trì nguồn cung cấp nước ngọt cho người dân”.
Đồng bằng Sông Cửu Long phải đối mặt với hiện tượng xâm nhập mặn hàng năm, nhưng thời tiết nắng nóng gay gắt hơn và mực nước biển dâng cao – cả 2 đều do biến đổi khí hậu – đang làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn.
BBC dẫn một Nghị định của Chính phủ, theo đó, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp tới an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người, và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng.

Nghiên cứu được công bố vào tháng trước cho thấy, Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng chục triệu người, phải đối mặt với thiệt hại mùa màng gần 3 tỷ USD/năm, do bị nước mặn xâm nhập vào đất canh tác ngày càng nhiều.
BBC cũng dẫn một nghiên cứu của Viện Khoa học Tài nguyên Nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay, có khoảng 80.000 hectare trang trại trồng lúa và trái cây có thể bị ảnh hưởng do nhiễm mặn.

Hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước, nhiều diện tích cây trồng khô hạn, truyền thông Việt Nam cho hay hôm 17/4.

Cơ quan khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo, hạn hán còn kéo dài hết tháng 4, đến đầu tháng 5 mới xuất hiện mưa giông chuyển mùa.

BBC cho biết thêm, vào đợt hạn mặn 2020, chính quyền Trung ương hỗ trợ 5 tỉnh có công bố tình trạng khẩn cấp là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau, mỗi tỉnh 800 triệu đồng, thông qua Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, nhằm giải quyết nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực bị hạn bán và nhiễm mặn.

Trên thực tế, năm nay, người dân Tiền Giang thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phước đã lên mạng kêu cứu từ đầu tháng 4 đến nay. Từ thông tin của người dân, hàng loạt các nhà từ thiện đã cho xe chở nước ngọt về cứu trợ cho bà con. Hình ảnh hàng ngàn người trắng đêm xếp hàng chờ xin nước ngọt đã lan toả trên mạng xã hội, đều là những hoạt động tự phát – dân tự cứu dân.

Nhưng ngay khi những xe nước từ thiện nghĩa tình này về với bà con, thì sẽ xuất hiện những thanh niên áo xanh của Đoàn Thanh niên Cộng sản, hoặc cán bộ Mặt trận Tổ quốc tại địa phương, tham gia chia nước để quay phim, chụp hình lên báo chí. Như kiểu, chính họ là đơn vị tổ chức vận chuyển, phân phát những xe nước đó cho bà con.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023