Vì sao Thái Lan phát không cho dân 270 USD, bao giờ người Việt mới có?

Trong một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, khi có sự cạnh tranh chính trị giữa các đảng phái, và cử tri có quyền chọn lựa đại biểu cho mình tham gia vào nghị trường, thì dân biểu sẽ nỗ lực làm những điều tốt đẹp nhất cho cử tri.

Chính trị Thái Lan là một ví dụ, tuy Thái Lan chưa phải là một quốc gia dân chủ hoàn thiện, nhưng các đảng chính trị ở xứ Chùa Vàng vẫn luôn nỗ lực đưa ra các chính sách mang lại quyền lợi nhiều nhất cho dân, để lôi kéo sự ủng hộ của họ.

Báo Tuổi Trẻ ngày 10/4 đưa tin, “Thái Lan phát 14 tỉ USD cho người dân để kích thích phát triển kinh tế”. Bản tin cho biết, hãng tin Bloomberg đưa tin, Hội đồng đặc biệt phụ trách chương trình ví tiền điện tử của Thái Lan, đã thông qua phương án cấp vốn này.

Theo đó, 50 triệu công dân Thái Lan trưởng thành, từ 16 tuổi trở lên, sẽ được phát 10.000 baht, tương đương khoảng 275 USD, để chi tiêu cho một số lĩnh vực nhất định, từ quý 4/2024, với mục đích kích thích nền kinh tế.

Kế hoạch trao tiền cho người dân, theo Bloomberg, là một trong những chương trình mũi nhọn trong cương lĩnh tranh cử của đảng Pheu Thai (Vì Nước Thái) – đảng chính trị lớn nhất trong liên minh cầm quyền ở Thái Lan hiện nay. Kỳ bầu cử này diễn ra vào tháng 5/2023.

Pheu Thai là đảng chính trị của cựu Thủ tướng Thakshin Shinawatra, mà con gái của ông Thakshin – bà Paethongtarn Shinawatra, đang là đương kim Chủ tịch của đảng này.

Trong quá trình vận động tranh cử, đảng Pheu Thai đã hứa hẹn sẽ cho vay tiền trong chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã bị các đảng phái đối lập và một số chuyên gia kinh tế, cũng như Ngân hàng Trung ương Thái Lan phản đối kịch liệt, với lý do, chính sách này có thể thổi bùng lạm phát và làm leo thang nợ công. Bên cạnh đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan cảnh báo, chính sách này có thể vi phạm việc “dùng tiền để mua chuộc cử tri” trong Luật Bầu cử Thái Lan.

Nhưng, đảng Phue Thai khẳng định, đây không phải là chương trình hỗ trợ tiền cho người dân nghèo, như cáo buộc. Mà chương trình này nhằm bơm tiền vào nền kinh tế, để kích thích sự phát triển của đất nước.

Bộ Tài chính Thái Lan đánh giá, kế hoạch này sẽ làm tăng GDP lên từ 1,2% đến 1,8%. Đồng thời, nó cũng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2025, tăng lên mức gần 5%. Thủ tướng Thái Lan Thavisin Srettha cũng khẳng định, việc bơm tiền là “cực kỳ cần thiết”, để đưa nền kinh tế Thái Lan thoát khỏi một thập kỷ có tốc độ phát triển kinh tế dưới 2%.

Cách đây hơn 20 năm, năm 2000, đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) của cựu Thủ tướng Thakshin Shinawatra đã hơn 2 lần giành được chiến thắng tuyệt đối trong các cuộc bầu cử ở Thái Lan, nhờ các chính sách dân túy tương tự. Đặc biệt, chính sách giáo dục miễn phí 100% trong 15 năm, và chữa bệnh không mất tiền cho mọi công dân, kể cả các bệnh hiểm nghèo nhất, đem lại lợi ích cho cử tri và được đa số dân chúng ủng hộ.

Ngoài ra, trong các cuộc bầu cử, chính sách vận động tranh cử thường xuyên đưa ra hàng loạt vấn đề trợ cấp xã hội hàng tháng cho các hộ gia đình, cá nhân người nghèo và người cao tuổi.

Trẻ em Thái Lan từ 3 tuổi trở lên, khi đến trường công, được miễn phí toàn bộ trong 15 năm. Gồm 3 năm mẫu giáo và 12 năm phổ thông, kể cả học sinh chuyển sang học ở các trường nghề. Nhà nước chi trả tiền cho tất cả các chi phí, còn phụ huynh học sinh không phải trả bất kỳ chi phí gì.

Tương tự, về y tế, mọi công dân Thái Lan đều được chữa bệnh miễn phí 100%, theo yêu cầu. Khi công dân Thái đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, chỉ cần mang theo Căn cước (ID), thì không phải trả tiền. Thuốc men do bác sĩ chỉ định cũng được cung cấp miễn phí.

Với các chính sách này, đảng của cựu Thủ tướng Thakshin đã thuyết phục không chỉ dân nghèo, mà cả tầng lớp trung lưu Thái Lan. Trong vòng chưa đầy 5 năm, đảng này đã trở thành một trong 2 đảng lớn nhất trong chính trường Thái Lan.

Kể từ đó đến nay, tất cả các chính phủ Thái, kể cả chính quyền quân nhân, sau các cuộc đảo chính cũng không dám bãi bỏ 2 chính sách về giáo dục và y tế kể trên.

Chuyện “an sinh xã hội” ở Việt Nam hiện nay, nếu so sánh với Thái Lan, thì vẫn là câu chuyện đáng thất vọng. Hai vấn đề lớn nhất là giáo dục và y tế vẫn là gánh nặng với người dân, chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của các bậc phụ huynh học sinh. Dẫu rằng, Việt Nam vẫn nhân danh nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, nhưng họ không duy trì miễn phí giáo dục và y tế như Cuba hay Bắc Hàn.

Giữa Việt Nam và Thái Lan khác nhau về thể chế chính trị. Ban lãnh đạo Đảng chỉ lo đấu đá, tranh giành quyền lực, không quan tâm đến những đòi hỏi chính đáng của dân chúng. Do đó, “giấc mơ” cho quyền lợi của nhân dân chỉ là mộng tưởng./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023