Vì sao dựng tượng Lê Nin, phe Nghệ An gây chia rẽ trong Đảng và dân chúng?

Chuyện Nghệ An chuẩn bị khánh thành công trình tượng Lenin tại trung tâm thành phố Vinh, vào giữa tháng 4/2024, đã khiến dư luận người Việt trong và ngoài nước nổi sóng.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến phản ứng gay gắt khi cho rằng, trên thế giới và ngay tại Nga – quê hương của Lê nin, cũng như nhiều nước Cộng sản Đông Âu cũ, từ lâu đã đập phá, dỡ bỏ tượng Lê Nin. Vậy, tại sao tỉnh Nghệ An lại dựng tượng Lenin để làm gì?

Trong lúc, Nghệ An hàng năm vẫn phải xin Trung ương gạo cứu đói cho dân, vậy tại sao lại đưa ra chủ trương vô bổ, tốn kém, khiến dư luận bất bình?

Điều đó có liên quan gì đến bản tin của đài Tiếng Nói Hoa kỳ (VOA) ngày 6/4, với tiêu đề, “Hà Nội phạt một cựu quân nhân 5 năm tù vì làm nổ tượng Lenin”?

Bản tin cho biết, ngày 3/4, Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử, và tuyên phạt mức án 5 năm tù đối với ông Nguyễn Chí Dũng, 57 tuổi, người đã chế tạo vật liệu nổ làm hư hỏng tượng đài Lenin, với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.

Theo đó, ông Dũng từng là một cựu quân nhân trong Quân đội Việt Nam, trước đây từng công tác trong lĩnh vực rà phá bom mìn. VietnamNet online tường thuật, vào tháng 6/2023, do có kiến thức về chế tạo thiết bị nổ, ông Dũng nảy sinh ý định tạo thiết bị và cho phát nổ tại khu vực tượng đài Lenin, trên vườn hoa Chi Lăng, thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, “với mục đích gây sự chú ý của dư luận”.

Theo đó, vào sáng sớm ngày 9/8/2023, thiết bị do ông Dũng chế tạo và cài đặt, đã phát nổ và “tạo thành tiếng động lớn, làm hư hỏng, rách phần chân, đế của tượng đài Lenin”. Đến ngày hôm sau 10/8, ông Dũng đã bị lực lượng an ninh bắt giữ.

Theo báo Hà Nội Mới, tượng Lenin tại Vườn hoa Lenin bị đặt bom vừa kể, làm bằng đồng, cao 5,2m, được khánh thành vào năm 1985,  do Chính phủ Liên Xô tặng chính quyền Việt Nam, “để ghi nhớ học thuyết của Lenin đã mở ra con đường cho Cách mạng Việt Nam”.

Đài Tiếng Nói Hoa kỳ nhận xét, “từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam không dung thứ đối với các hành động phỉ báng lãnh tụ Cộng sản, hay xúc phạm, hủy hoại các tượng đài của các lãnh tụ của chế độ”.

Nhưng bản án 5 năm tù đối với cựu quân nhân Nguyễn Chí Dũng, trong việc sử dụng chất nổ – một hành vi mang tính bạo lực, nhằm phá hủy tượng đài Lenin là điều khá bất thường, nếu không nói là một mức án quá nhẹ.

Đáng chú ý, việc xét xử vụ án làm nổ tượng Lenin vào đúng thời điểm công luận ở Việt Nam đang phản ứng gay gắt, trước việc tỉnh Nghệ An sắp khánh thành tượng đài Lenin. Theo giới phân tích, đây có thể là một sự sắp xếp có chủ ý, nhằm kích thích sự phản ứng của công luận về việc làm không giống ai của Ban lãnh đạo tỉnh Nghệ An – một thế lực chính trị lớn trong nội bộ Đảng.

Bình luận về tượng Lenin sắp khánh thành ở Vinh, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trong status “Những con số biết nói về tượng đài Lê Nin tại Hà nội”, đã liệt kê: Tổng thống Nga Putin đến thăm Việt Nam 4 lần, và ông Medvedev đến thăm 5 lần, nhưng chưa một lần họ đến thăm tượng đài Lenin ở vườn hoa Chi Lăng, Hà Nội. Và từ năm 1992 đến nay, đã có hàng trăm đoàn đại biểu từ Liên bang Nga sang thăm Việt Nam, nhưng cũng không một đoàn nào đến thăm tượng đài Lenin. Tương tự, chưa một lần Đại sứ Nga và Đại sứ quán Nga ở Hà Nội, đến thăm tượng đài này

Nhà báo Phạm Lưu Vũ đã vạch trần việc tỉnh ủy Nghệ An dựng bức tượng Lenin, trong bài viết với tiêu đề, “Chủ nghĩa cơ hội chính trị”, khi cho rằng:

“Sau khi Lê Nin chết 100 năm, khi mà 2/3 nhân loại đã xếp ông, và Stalin… vào hạng đại đồ tể. Khắp nơi trên thế giới, người ta đang giật đổ tượng ông, thì ông cũng không thể ngờ rằng, chủ nghĩa cơ hội chính trị bẩn thỉu vẫn còn rơi rớt. Ở một nơi tận xứ Nghệ xa xôi, người ta vẫn dựng tượng ông, nặng tới 4 tấn rưỡi.”

Nhà báo Nguyễn Thông viết trên trang Facebook cá nhân trong status “Tượng đồng ngơ ngáo”, đã chua xót phỉ nhổ, “Đám lãnh đạo Nghệ đã quên câu “hơn tượng đồng phơi những lối mòn”, nên mới đổ đốn như vậy. Dựng 100 tượng cũng được, nhưng cấm lấy tiền thuế của dân chi vào, có khi, Lê Nin ăn một, thì đứa dựng ăn mười.”

Xin nhắc lại, tính chất “Cộng sản” của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn vẻn vẹn trong cái tên gọi. Cựu Thủ tướng Anh Quốc Winston Churchill từng khẳng định, “Tư bản Chủ nghĩa có thể không chia đều sự giàu có, nhưng Xã hội Chủ nghĩa thì chia rất đều sự nghèo khổ” – là điều mà công luận khẳng định, các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hôm nay, đã và đang hiểu rất rõ./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023