Chính trường hỗn loạn hiện nay là phiên bản của “cướp chính quyền” ngày xưa

Ngày 5/4, trên Diễn đàn của VOA Tiếng Việt có bài bình luận “Nguyên nhân chính trường Việt Nam hỗn loạn” của Luật sư Đặng Đình Mạnh.

Tác giả cho hay, lúc này, công chúng choáng váng về hàng loạt tin đồn thật giả đầy hỗn loạn về các đảng viên cao cấp, như việc bạch hóa hồ sơ đảng viên cao cấp trót nhúng chàm vào tham ô, tham nhũng, hoặc tin đồn úp mở về việc hủ hóa, hối mại quyền thế để tư lợi…

Theo tác giả, tính từ sau thời điểm ông Trần Đại Quang từ trần vào tháng 9/2018 cho đến tháng 3/2024, là chưa đầy 6 năm, lần lượt đã có  7 lần thay đổi nhân sự đối với chức vụ Chủ tịch nước.

Tác giả đặt vấn đề: Tại sao và như thế nào lại có sự bất ổn chính trị lớn đến như vậy, đối với một nền chính trị vốn vẫn thường xuyên hãnh diện về sự ổn định của mình?

Tác giả phân tích, những đảng viên kỳ cựu, tiền nhiệm của ông Trọng đã đặt ra sự hạn chế tối đa 2 nhiệm kỳ đối với chức vụ Tổng Bí thư trong Điều lệ Đảng, để tránh sự chuyên quyền độc đoán quyền lực trong Đảng, và sự hạn chế nhiệm kỳ này không đặt ra bất kỳ ngoại lệ nào cả.

Tuy vậy, đến thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, ông đã cho sửa Điều lệ, bỏ sự hạn chế nhiệm kỳ, đặt ra ngoại lệ “Trường hợp đặc biệt” và tiếp tục giữ chức vụ Tổng Bí thư với nhiệm kỳ thứ ba.

Kể từ đó, bên cạnh các khủng hoảng chính trị mang tính truyền thống chưa thể giải quyết, thì ông Trọng đã làm phát sinh thêm sự khủng hoảng chính trị mới. Lần này là tính chính danh và hợp pháp đối với quyền lực của chính ông, khi sự tấn phong chức vụ Tổng Bí thư nhiệm kỳ 3 không đến từ Điều lệ Đảng, mà lại đến từ sự vi phạm Điều lệ.

Tác giả đánh giá, điều này đã gây nên hậu quả rất nghiêm trọng về sự khủng hoảng Điều lệ Đảng, đối với các đảng viên cao cấp đầy tham vọng, trước cơ hội thay đổi nhân sự cho một nhiệm kỳ mới sắp diễn ra.

Noi gương ông Trọng, các ứng viên Tổng Bí thư không ngồi yên chờ đợi một sự phân công, sắp xếp nhân sự theo Điều lệ Đảng nữa, mà họ sớm ra tay triệt hạ các đối thủ tiềm tàng bằng mọi thủ đoạn, trước kỳ Đại hội. Như thế, cuộc bầu cử trong kỳ Đại hội Đảng sắp tới chẳng còn mấy ý nghĩa, có chăng, chỉ nhằm mục đích hợp thực hóa kết quả cho kẻ thắng trong cuộc tranh giành đó.

Tác giả bình luận, ông Võ Văn Thưởng là nạn nhân mở màn cho cuộc tranh giành quyền lực đó. Các nạn nhân kế tiếp gồm những người có khả năng tranh chấp chiếc ghế Tổng Bí thư đầy quyền lực, như ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Minh Chính, bà Trương Thị Mai. Lần lượt từng người một đều bị tung tin đồn bê bối các loại, hoặc là hủ hóa với phụ nữ, hoặc là mua quan bán chức.

Tác giả nhận định, với ông Tô Lâm, đối thủ chính trị của ông ấy không cần đến tin đồn, hoặc tìm tòi đâu xa xôi. Vì hàng loạt sai phạm, vi phạm pháp luật tày đình của ông đã lồ lộ ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, như: Tổ chức bắt cóc người từ Đức, từ Thái Lan, bất chấp luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia sở tại và chính luật pháp Việt Nam; Liên tục thay đổi mẫu chứng minh nhân dân/căn cước, mẫu hộ chiếu, gây phiền hà cho nhân dân, gây lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 năm 2021, gây hao tổn ngân sách nhà nước; Có lối sống xa hoa, ăn bò dát vàng gây hình ảnh xấu trong nhân dân…

Tác giả nhận xét, thế nhưng, chưa một ai dám lên tiếng hoặc lưu hành tin đồn về ông Tô Lâm. Điều này cho thấy vị thế thượng phong của ông ấy trước các đối thủ chính trị.

Tất cả đều vẽ nên bức tranh toàn cảnh, như câu chuyện “Lục súc tranh công”, nhưng ở phiên bản tệ hơn là tranh chức vị.

Tác giả cho rằng, chính trường hỗn loạn, sự thoán đạt quyền lực bằng thủ đoạn hiện nay, nhìn rộng ra, chỉ đang lập lại phiên bản thoán đạt quyền lực quốc gia từng có vào năm 1945, dưới danh nghĩa “Cướp chính quyền”, thời điểm đánh dấu sự chuyển giao quyền lực quốc gia theo cách đầy “hoang dã”, trong một thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ về phía văn minh – phía mà bầu cử tự do mới là cách để nắm giữ quyền lực quốc gia một cách chính danh.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023