” Tổng Bạc” dọn sạch nhà trước Tết

Ngày 12/2, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của Giáo sư Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ – ông Zachary Abuza. Bài viết với tựa đề “Đảng Cộng sản cũng “dọn nhà” trước Tết”.

Theo tác giả, một truyền thống lâu đời tại Việt Nam là dọn dẹp nhà cửa kỹ lưỡng trước khi Tết đến, để tránh quét mất may mắn trong năm mới.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tin vào truyền thống này, khi vừa phế chức một Uỷ viên Bộ Chính trị, người thứ 3 trong vòng 13 tháng. Đây là một phần của chiến dịch chống tham nhũng “đốt lò” đang diễn ra.

Tác giả nhắc lại việc các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đều bị buộc từ chức trước Tết 2023.

Tác giả bình luận, những cuộc thanh trừng cấp cao này đã làm rung chuyển thị trường tài chính, và dấy lên lo ngại về bất ổn chính trị, cũng như làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi 3 người này được coi là những nhà quản lý và đàm thoại với cộng đồng doanh nghiệp có năng lực nhất.

Tác giả cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự tin rằng, tham nhũng trong Đảng là mối đe dọa hiện hữu. Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, hơn 60.000 đảng viên đã bị kỷ luật; 80 người trong số họ là cán bộ cấp Trung ương; 10% trong số 180 ủy viên Trung ương Đảng đã mất việc; 3 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị cũng vậy.

Tác giả nhận xét, năng lượng được coi là một trong những điểm yếu về kinh tế của Chính phủ, và là điều thực sự gây khó chịu cho các nhà đầu tư.

Không ngạc nhiên khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung đánh vào ngành này. Tại kỳ họp của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lần thứ 25 vào tháng 1/2024, bao gồm 15 cá nhân và 9 cấp ủy, đều liên quan đến lĩnh vực năng lượng.

Tác giả đề cập đến việc 4 đảng viên cấp cao bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định về số phận của họ. Trong đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã phải từ chức. Dường như, ông Anh được cho một lối thoát để giữ thể diện, vì cha ông, Trần Đức Lương, từng giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam từ năm 1997 – 2006.

Tác giả cho biết, ông Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Chính phủ (cơ quan phối hợp liên bộ), và Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, người phụ trách ngành năng lượng, đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khiển trách.

Tác giả cũng cho biết, 2 quan chức cấp thứ trưởng bị bắt cũng liên quan đến năng lượng. Đó là ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, và Hoàng Quốc Vượng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ông Hải bị bắt ngày 21/12/2023 vì nhận hối lộ của Công ty Xuyên Việt Oil. Công ty này là 1 trong 40 công ty có giấy phép nhập khẩu dầu, đồng thời là 1 trong 2 công ty thống trị nhập khẩu ở miền Nam, kiểm soát khoảng 40% thị trường phía Nam.

Sự quản lý yếu kém của công ty này góp phần lớn vào tình trạng khan hiếm xăng dầu xảy ra tại miền Nam trong quý 3/2022. Công ty đã vỡ nợ 62 triệu USD tiền thuế, và nợ ngân hàng khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng (225 triệu USD).

Tác giả cũng liệt kê các vụ thanh trừng ở cấp tỉnh, như ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh…

Tác giả nhận định, trước Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1/2026, chúng ta sẽ thấy nhiều nỗ lực chống tham nhũng tập trung vào lãnh đạo cấp tỉnh.

Nhưng việc ông Trần Tuấn Anh là người thứ 3 bị buộc phải từ chức trong vòng 13 tháng, cũng đặt ra những câu hỏi về nền chính trị cấp Trung ương và các ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội thứ 14.

Tác giả kết luận, trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể cố gắng tận hưởng không khí Tết, do cuộc “dọn nhà” càn quét của ông Trọng, không ai có thể quá thoải mái. Một số người đã thấy vận may – và những nguồn lợi bất chính của mình – bị quét đi.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

12.2.2024

Kasse animation 7.8.2023