Tập Cận Bình thanh trừng các tướng lãnh

Ngày 2/2, blog Ngô Nhân Dụng trên VOA có bài bình luận “Tập Cận Bình thanh trừng các tướng lãnh”.

Theo đó, các đài truyền hình Trung Quốc đã chiếu một loạt 4 bài về chiến dịch chống tham nhũng. Họ đưa ra các dữ liệu chính thức của Ủy ban Thanh tra, cho biết, trong năm 2023 đã có 610,000 cán bộ bị trừng phạt, khiển trách.

Sau khi 2 bộ trưởng – Tần Cương, Ngoại giao, và Lý Thượng Phúc, Quốc phòng, biến mất rồi bị kết tội và cách chức, 32 cuộc điều tra cán bộ cao cấp khiến 45 người bị kỷ luật, 27 người trong số này đã nghỉ hưu trước khi bị điều tra. Ủy ban Thanh tra đã ghi thêm các “tội mới”, như đọc “sách xấu,” ma túy, và tình dục.

Tác giả dẫn Hoa Nam Tảo Báo cho biết, trong 11 năm, kể từ khi Tập Cận Bình phát động chiến dịch thanh trừng, đã có 294 cán bộ cấp cao bị cách chức.

Tuy nhiên, tờ báo ở Hồng Kông này chỉ đếm các vụ thanh trừng dân sự, chưa kể tới các tướng, tá bị điều tra. Quân đội Trung Quốc có Ủy ban Thanh tra Kỷ luật riêng. Sau khi Tập Cận Bình tấn công nạn tham nhũng, 2 vị tướng cao nhất đã bị thanh trừng là Từ Tài Hậu vào năm 2014; và Quách Bá Hùng 2 năm sau. Cả hai đều là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương trước khi bị bắt.

Tác giả tiếp tục dẫn thông tin từ Trung Quốc cho hay, tuần trước, Quốc hội Trung Cộng công bố quyết định cách chức 9 đại biểu gốc quân đội, nhưng không giải thích lý do tại sao.

Ngoài ra, một cựu tư lệnh “Hỏa Tiễn Quân,” tướng Ngụy Phong Hòa, có thời làm Bộ trưởng Quốc phòng, không làm Đại biểu Quốc hội, cũng biến mất mà không ai biết lý do.

Đa số những người bị bãi nhiệm này đều phụ trách việc “tiếp liệu” thuộc lực lượng hoả tiễn – phụ trách các kho vũ khí nguyên tử.

Tác giả cho biết, những người chỉ huy “Hỏa Tiễn Quân” thường bị điều tra rất kỹ trước khi được bổ nhiệm. Sau đó, người ta có thể tin tưởng vào tinh thần phục vụ, “lập trường” và lòng trung thành với lãnh tu Tập Cận Bình của họ. Việc theo dõi, kiểm tra chắc không đặt nặng và không diễn ra thường xuyên.

Những người tới kiểm tra có thể cũng biết các hành vi tham nhũng; nhưng đó là một hiện tượng bình thường trong quân đội Cộng sản, tướng tá nào nắm quyền hành đều tìm cách kiếm chác. Chính những người đi kiểm soát, thanh tra, cũng nhân dịp vòi tiền hối lộ.

Tác giả cho biết thêm, Tập Cận Bình đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa Hỏa Tiễn Quân, với ba kho chứa hỏa tiễn trong các vùng sa mạc thuộc các tỉnh Tân Cương, Cam Túc và Nội Mông Cổ.

Tác giả dẫn một tờ báo quốc tế, từng loan một tin “động trời” do Tình báo Mỹ tiết lộ, là trong quân đội Trung Cộng, có lúc họ không đổ xăng mà “đổ nước” vào hỏa tiễn! Ngoài ra, nhiều mái đậy trên các hầm chứa hỏa tiễn hư mà không được sửa, không điều khiển được.

Tác giả cho rằng, cuộc thanh trừng các tướng lãnh chỉ huy Hỏa Tiễn Quân là một việc phải làm, vì Tập Cận Bình đang cố xây dựng một quân đội tân tiến, hy vọng sẽ đứng “hàng đầu thế giới” vào năm 2050, ngang sức hoặc vượt qua quân đội Mỹ. Hỏa Tiễn Quân thu nhận các nhà khoa học và kỹ thuật giỏi nhất để hướng về tương lai, không ngờ cũng là nơi tham nhũng nặng nề như các ngành khác.

Tác giả dẫn bài nói chuyện của Tập Cận Bình, với các cán bộ lãnh đạo trong Ủy ban Thanh tra ngày 8/1, ông Tập nhấn mạnh, chống tham nhũng là một “vấn đề chiến lược” của Cộng sản Trung Quốc.

Tác giả nhận xét, Tập Cận Bình không nhìn thấy “quyết tâm bảo vệ bản chất độc tài” của Đảng, hoàn toàn mâu thuẫn với ý muốn bài trừ tham nhũng! Ông không thấy một bài học, là: Chính chế độ độc quyền, độc đảng đã đẻ ra nạn tham nhũng và dựa trên tham nhũng để tồn tại.

Tác giả đặt ra hai câu hỏi: (1) Một quân đội với ung nhọt tham nhũng như vậy, có sẵn sàng để đánh Đài Loan hay không? (2) Đến bao giờ thì quân đội Trung Cộng có thể đọ sức ngang với quân đội Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ?

 

Hoàng Anh – thoibao.de

5.2.2024

Kasse animation 7.8.2023