Bộ Giáo dục duy trì lực lượng “hồng vệ binh” trong các nhà trường với mục đích gì?

Trong những ngày gần đây, mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin về việc, một nữ sinh ở Hà Nội, đã bị đội xung kích của nhà trường cắt quần, với lý do mặc sai quy định về trang phục.

Báo VietNamnet online ngày 21/1, có một bản tin với tựa đề, “Nữ sinh Hà Nội bị cắt quần do không mặc đồng phục, nhà trường nói gì?”.

Cụ thể:

Ngày 21/1/2024, đại diện trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội, đã xác nhận vụ việc một nữ sinh lớp 10 của trường mặc quần jean đi học, sai quy định về đồng phục, vào ngày 18/1, và đã bị “xử lý” bằng biện pháp cắt quần của nữ sinh này.

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, việc học sinh khi đến trường cần tuân thủ đúng quy định nhà trường. Nhưng việc cắt quần nữ sinh của đội xung kích nhà trường, là hành vi xúc phạm nhân phẩm, vi phạm quyền con người, và vi phạm pháp luật.

Công luận và giới quan sát thấy rằng, câu chuyện vừa kể là một vấn đề lớn, thậm chí là nghiêm trọng. Đặc biệt, lại xảy ra trong môi trường giáo dục, là điều rất đáng tiếc, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý kỷ luật, không chỉ các thành viên của “đội xung kích” mà cả giáo viên phụ trách.

Phóng viên của thoibao.de đã tìm hiểu và được biết rằng, hiện nay, trong các trường công lập, ở cả 3 cấp học vẫn đang tồn tại các tổ chức như: đội sao đỏ; đội học sinh tự quản hay đội xung kích v.v…. Nhiệm vụ của những đội vừa kể là kiểm tra mọi hoạt động, nề nếp của học sinh, như đi học đúng giờ, mặc đồng phục… liên quan đến việc thực hiện nội quy của nhà trường.

Tuy nhiên, các chuyên gia về giáo dục cho rằng, các tổ chức của học sinh như vừa kể, mang hơi hướng của lực lượng “hồng vệ binh” như thời Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc. Đây là một điều rất nguy hiểm.

Theo đó, sự tồn tại của các tổ chức này trong trường học, sẽ hủy hoại nhân cách của các em học sinh. Việc để học sinh giám sát, theo dõi và quản lý các học sinh khác, là điều “lợi bất cập hại”.

Vẫn theo các chuyên gia giáo dục cho biết, những học sinh được chọn vào đội sao đỏ, đội tự quản v.v… ban đầu thường là những em học tốt, gương mẫu và chăm ngoan. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhiều em đã có những thái độ, hành vi không chuẩn mực, có biểu hiện thích tỏ vẻ, hung hăng hay côn đồ.

Thậm chí, một số thành viên hung hăng tới mức tự cho mình cái quyền bắt nạt bạn, hay buộc một số bạn phải nộp tiền… để được bỏ qua những lỗi vi phạm.

Báo Tổ Quốc của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, ngày 26/11/2016, đã đưa ra một cảnh báo trong bài viết “Quyền uy của “sao đỏ” có là “mầm mống” của bạo lực học đường?”. Bài báo có đoạn:

“Một học sinh tiểu học trong trường tiết lộ với phóng viên, rất nhiều học sinh lớp 1, 2 gọi “đội sao đỏ” là “đội khủng bố”. Lý do là, mỗi lần “đội sao đỏ” xuất hiện, là mỗi lần học sinh lớp bé hơn “sống trong sợ hãi”; bài chưa thuộc cũng bị sao đỏ lấy thước đánh, tay chưa sạch cũng bị sao đỏ lấy thước vụt…”

Theo giới chuyên gia, các thành viên của các đội xung kích được coi như những “công an viên”, có quyền lực rất lớn trong nội bộ nhà trường. Và trong tương lai, những em học trò đó dễ trở thành “công cụ” cho bộ máy cai trị.

Đó là lý do, một số phụ huynh học sinh không đồng tình với việc duy trì “đội sao đỏ”, và nhận xét rằng, “điều đó sẽ dẫn tới mất nhân cách của trẻ, đồng thời sẽ tạo cho các học sinh một ảo giác về quyền lực từ quá sớm”.

Một nhà giáo đã nghỉ hưu ở Hà Nội, đã nói với phóng viên của thoibao.de, trong điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn, suy nghĩ của ông về vấn đề này:

“Nói về hoạt động Sao đỏ thì nó chỉ có hai tính năng thôi. Đó là soi mói và đấu tố. Điều này còn dẫn đến tình trạng tiêu cực xuất hiện ngay từ cấp tiểu học. Đây là điều nguy hiểm vì nó ảnh hưởng nhân cách của đứa trẻ và là sản phẩm của một cơ chế giáo dục thiếu khoa học. Cần phải loại bỏ ngay.”

Đồng thời, nhà giáo này cho biết thêm, việc quản lý học sinh trong trường là trách nhiệm của giáo viên và người lớn, chứ không phải của những đứa trẻ chưa trưởng thành.

Công luận thấy rằng, chủ trương tạo ra một lực lượng “hồng vệ binh” trong nhà trường, nhằm mục đích, để cho thế hệ trẻ ở độ tuổi học trò ở Việt Nam, được rèn luyện và tập sống trong một môi trường kìm kẹp mang tính chuyên chế. Để đến khi trưởng thành, các em sẽ dễ dàng chấp nhận và hòa nhập nhanh chóng vào một xã hội công an trị, như đang tồn tại ở Việt Nam hiện nay?./.

Trà My – Thoibao.de

30.1.2024

Kasse animation 7.8.2023