Cơn địa chấn chính trị Việt Nam đã làm giảm hiệu quả của Chính phủ

Ngày 3/5, BBC Tiếng Việt bình luận “Địa chấn chính trị Việt Nam: Dồn dập đến bao giờ?”

Theo đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng rời ghế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp bước. Ủy viên Bộ Chính trị Trần Anh Tuấn mất chức. Hàng loạt quan chức cấp tỉnh, bộ ngành, vướng vòng lao lý. Những tháng đầu năm 2024, chính trường Việt Nam đang rung lắc dữ dội.

BBC nhận xét, công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã càn quét sâu rộng từ Trung ương xuống địa phương, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trước những thay đổi về nhân sự được coi là chưa có tiền lệ, nhiều nhà quan sát mà BBC phỏng vấn, đã chỉ ra những hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng, rằng nó “không hiệu quả”, thậm chí là “thất bại”, khi chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi, cội rễ của tham nhũng nằm ngay trong chính nội tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.

BBC cho biết, tính từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021, số cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương Đảng quản lý bị kỷ luật, đã lên tới khoảng gần 100 người. Con số này được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ hồi tháng 3/2024.

Những cán bộ “thuộc diện Trung ương quản lý”, gồm cán bộ từ cấp chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, thủ trưởng cấp bộ hoặc tương đương, cho đến ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên “Tứ Trụ”.

BBC dẫn Tạp chí Tổ chức Nhà nước của Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn 2012 – 2022, đã có gần 200.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự. Con số này nếu tính tới thời điểm hiện nay (2024), chắc hẳn còn cao hơn nữa.

Hiệu ứng của chiến dịch này là khoảng 60.000 người từ chức, chỉ trong khoảng thời gian 2021 – 2023, trong khi, số cán bộ của khu vực công chỉ có khoảng 2,5 triệu.

BBC dẫn nhận định của Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, Úc, cho rằng, điều đó có nghĩa những người còn lại phải “trong sạch như tuyết”, “không chút tì vết”. Nhưng chưa nói tới việc họ có thực sự liêm chính, các phe phái trong Đảng sẽ luôn tìm ra “tì vết” của nhau, hoặc ít ra cũng tìm ra “tì vết” thuộc cấp của họ.

Nghĩa là, sẽ không có ai có khả năng trở thành một tấm gương sáng mẫu mực trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam.

BBC cũng dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A – một nhà bất đồng chính kiến và đã có hàng chục năm quan sát chính trị Việt Nam, nói rằng, vấn đề là phải “bắt trúng bệnh gốc” chứ không phải “bắt hết ông nọ đến ông kia”.

“Đó không phải là cách làm bài bản, không đánh vào nguyên nhân cốt lõi. Cốt lõi là chính bản chất của hệ thống này.”

Ông A chỉ ra rằng, Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau, và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản.

Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của Đảng và nhà nước. Việt Nam hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên, “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông A nói.

Bên cạnh đó, BBC dẫn một bài viết trên trang Fulcrum của ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam của ISEAS – Viện Yusof Ishak Singapore, cho rằng, công cuộc đốt lò của ông Trọng đã gây ra “một cuộc di cư hàng loạt của công chức” trong “nỗi lo sợ ngày càng tăng của những người còn lại về việc bị bắt”, “dẫn đến tình trạng miễn cưỡng thực hiện trách nhiệm của mình trên diện rộng”.

Hậu quả là, “làm trầm trọng thêm những thách thức mà bộ máy quan liêu vốn đã quá tải phải đối mặt, biểu hiện ở tình trạng quá tải bệnh viện công, thiếu giáo viên và bác sĩ trầm trọng, chậm trễ phê duyệt dự án và xếp hàng dài để đăng ký phương tiện. Quan trọng nhất, nó đã làm giảm hiệu quả hoạt động của Chính phủ vào thời điểm Việt Nam cần nhất”.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023