Vì sao Bắc kinh sớm bộc lộ Kế hoạch ủng hộ Tô đại thay Tổng Trọng?

Cho tới thời điểm hiện nay, chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vấn đề về sức khỏe, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Hà Nội, nhưng không phải “trọng bệnh”, là vấn đề đã khá rõ ràng.

Trên mạng xã hội có hai xu hướng khác nhau, thậm chí là đối nghịch. Xu hướng thứ nhất cho rằng, Tổng Trọng bị tái phát căn bệnh đột quỵ hồi năm 2019, tới mức ở tình trạng “mê mê, tỉnh tỉnh”, thậm chí ở thể trạng nguy kịch. Xu hướng thứ 2 cho biết, ông Trọng ở mức “Chưa phải đến mức hôn mê, mà chỉ ở mức cấp cứu tích cực.

Mới nhất, trang Facebook Hậu Cung đình tiết lộ:

“Mình có ông chú ở quê, năm nay 80 tuổi. Bị hen suyễn nhiều năm. Vừa rồi trời lạnh, chú mình dậy sớm bị nhiễm lạnh, nên khó thở.

Gia đình đưa chú vào viện, lại phát hiện có khối u nhỏ trong phổi. Các bác sĩ nói cần xạ trị với loại thuốc mới.

Chú vẫn nói và nghe, nhưng cách ly do sợ nhiễm trùng không khí. Ai thăm chú hôm nay có thể nhìn qua kính.

Chuyện này tình cờ trùng, không liên quan gì đến Tổng Bí thư đương nhiệm nhé.”

Thông tin vừa kể, cơ bản giống như các thông tin đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội trong những ngày này. Tuy nhiên, giả thuyết Tổng Trọng “giả chết bắt quạ” để thử lòng đàn em, được giới trí thức “phản biện trung thành” thường xuyên nhắc tới, với mục đích nhắc nhở những người không muốn mất “7,5 củ” tiền phạt, hay dính tội danh theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Câu chuyện “lộng giả thành chân” vẫn là một giả thuyết đối nghịch với kịch bản giả bệnh – giả chết bắt quạ. Gần như chắc chắn, ông Trọng đã bệnh thật, chứ không phải đóng kịch, điều đó đã được các hãng tin uy tín của phương Tây xác nhận.

Theo giới quan sát, nếu “ông Trọng bệnh thật” là đúng, thì giả thuyết cho rằng, đằng sau việc ông ngã bệnh có bàn tay của Bắc Kinh, cũng khó có thể loại bỏ. Trong quá khứ cách đây không lâu, có không ít lãnh đạo Việt Nam từng phấn khích quá đà trong quan hệ với Hoa Kỳ, đều bị “thân bại danh liệt”.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 12 – ông Đinh Thế Huynh – là một bài học tày liếp. Cho nên, lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú  Trọng cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Nhất là trong thời gian gần đây, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đang xấu đi rõ rệt.

Giới thạo tin cho biết, dàn lãnh đạo để thế chân Tổng Trọng, từ lâu đã được Bắc Kinh chuẩn bị chu đáo theo một kế hoạch đơn tuyến và bí mật tuyệt đối. Điều đó hoàn toàn phù hợp với đánh giá của giới thạo tin, khẳng định, “Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm đang dựa vào Trung Quốc để nắm quyền lực cao nhất trong Đảng?”

Ngày 10/1, Đài Á Châu Tự Do RFA đưa tin, “Bộ trưởng Tô Lâm muốn Trung Quốc giúp đỡ duy trì vị trí cầm quyền tuyệt đối của Đảng Cộng sản, chế độ Xã hội Chủ nghĩa”.

Đài Á Châu Tự Do đã dẫn bản tin từ báo Công An Nhân Dân của Bộ Công an Việt Nam, cho biết:

“Ngày 10/1/2024, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã tiếp kiến Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên. Ông Trần Tư Nguyên sang Việt Nam lần này, nhân Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất, giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc.”

Theo đó, trong cuộc gặp, Bộ trưởng Tô Lâm đã đề nghị với lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc, “giúp đỡ về lý luận và thực tiễn trong việc duy trì vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Cũng như các cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, chống tham nhũng, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng Cộng sản và chế độ Xã hội Chủ nghĩa.”

Điều vừa kể chỉ là một trong muôn vàn các bằng chứng, để chứng minh rằng, từ lâu, Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bằng một nhân vật thân Trung Quốc. Thậm chí, có thể là nhân vật sắt máu hơn trong việc duy trì chế độ toàn trị, độc đoán, của nhà nước Cộng sản Việt Nam, vốn dĩ được đánh giá là một bản sao của Trung Quốc.

Một câu hỏi đặt ra, đó là, tại sao Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo Trung Nam Hải lại vội vã “bộc lộ” kế hoạch đưa Bộ trưởng Công an Tô Lâm kế nhiệm ghế Tổng Bí thư của ông Trọng?

Theo giới phân tích, ngoài lý do Tổng Trọng đã bước sang tuổi 80, tuổi cao, sức yếu, đã hết giá trị sử dụng. Việc công khai ủng hộ Tô Lâm là một thông điệp, chuyển tới các cá nhân trong danh sách tham gia cuộc đua giành ghế, cũng như các phe nhóm chính trị trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, rằng, hãy coi chừng, chớ trái lệnh thiên triều.

Xin nhắc lại, đầu năm 2023, có tin cho biết, ở thời điểm đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm từng từ chối chiếc ghế Chủ tịch nước do ông Nguyễn Xuân Phúc để lại. Lý do thực sự là ông Tô Lâm muốn chờ thời, để thay thế cương vị Tổng Bí thư của ông Trọng, chứ không muốn giữ chức Chủ tịch nước được cho là “hữu danh vô thực”, nặng phần nghi lễ mà không có quyền hành.

Điều đó có nằm trong kế hoạch của Ban lãnh đạo Bắc Kinh hay không, thoibao.de sẽ gửi tới quý vị câu trả lời trong chương trình sau./.

Trà My – Thoibao.de

14.1.2024