Mới học võ, VinFast thách đấu nhà vô địch, khó xơi giờ phải quay xe?

Thị trường Mỹ và châu Âu là hai trong các thị trường khó tính bậc nhất thế giới, thị trường còn lại là thị trường Nhật. Tuy nhiên, thị trường Mỹ và EU được đánh giá là cởi mở hơn thị trường Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản lâu nay được cho là bảo thủ, không phải do chính sách của Chính phủ Nhật Bản, mà do thị hiếu người tiêu dùng. Người Nhật vẫn chuộng hàng Nhật hơn so với hàng hóa của các nước khác.

Trong 3 thị trường khó tính trên, thị trường Mỹ được xem là cởi mở nhất. Các hãng xe Nhật và Hàn có lượng xe bán ra trên thị trường Mỹ rất lớn, lớn hơn so với thị trường châu Âu. Tuy vậy, quy luật đào thải tại thị trường Mỹ cũng rất khắc nghiệt, cuộc chơi trên thị trường này chỉ dành cho những kẻ có năng lực thực sự.

Trước khi ô tô Hàn Quốc có chỗ đứng trên thị trường Mỹ, người Hàn phải tiến hành chiếm lĩnh các thị trường dễ tính, rồi sau đó mới đến thị trường khó tính như Mỹ và EU. Mà một khi đã thành công ở thị trường khó tính, thì đấy là sự phát triển bền vững cho hãng. Nó khẳng định đẳng cấp và thương hiệu.

Hiện nay, ô tô điện Trung Quốc phát triển rất mạnh. Ngay tại thị trường nội địa, họ chiếm thị phần áp đảo so với những hãng xe nước ngoài. Ô tô điện Trung Quốc đang mở rộng thị trường ra bên ngoài lãnh thổ của họ. Tại Thái Lan, ngoài thương hiệu Tesla nổi tiếng, thì thương hiệu xe điện BYD của Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn, bên cạnh hãng MG (một thương hiệu Anh Quốc được người Trung Quốc mua lại) cũng dần trở nên phổ biến.

Mặc dù hãng ô tô điện BYD lớn nhất Trung Quốc đang tăng doanh số, họ đã soán ngôi hãng Tesla về số lượng xe bán ra, gồm loại thuần điện và loại Hybrid.

Nếu xét về loại xe thuần điện, họ đang là hãng thứ nhì thế giới về doanh số. Tuy nhiên, cho đến nay, hãng này vẫn chưa phải là đối thủ của Tesla trên đất Mỹ. Mà đất Mỹ mới là nơi khẳng định đẳng cấp của bất kỳ thương hiệu nào.

Như vậy, dù số lượng bán ra rất lớn, nhưng hãng xe điện số một Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm so với những thương hiệu ô tô lớn trên thế giới. Hãng này còn phải hoàn thiện nhiều hơn nữa, nếu muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu.

Tuy hãng BYD chưa đạt tầm của những hãng ô tô toàn cầu, nhưng những gì họ đã thể hiện cho thấy, họ đang đi đúng hướng. Từng bước, họ lặp lại con đường mà các hãng xe Hàn đã đi qua. Đó là chiếm lĩnh các thị trường dễ tính trước, rồi sau đó mới bước chân lên đất Mỹ, để khẳng định đẳng cấp.

Không một hãng ô tô nào lại không muốn chen chân vào thị trường Mỹ. Chỉ có những hãng không đủ sức để chen chân, chứ không có hãng nào chê thị trường này.

Một võ sĩ muốn thi đấu chuyên nghiệp với các võ sĩ hạng nặng tên tuổi, thì phải thi đấu từ những hạng thấp và từ từ tiến lên. Không ai mới tập võ mà đã đòi thượng đài để thách đấu với nhà vô địch, như thế chỉ thiệt thân mà thôi.

Hãng VinFast của ông Phạm Nhật Vượng có tham vọng lớn, mới bước chân ra thị trường thế giới, đã chọn ngay một trong 3 thị trường khó tính nhất để thử sức. Bằng mọi giá, ông Vượng  phải cho VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, và song song với nó, ông từng bước xây nhà máy, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm tại Mỹ. Ông Vượng đã bỏ qua thị trường dễ tính hơn, ngay trong khu vực Đông Nam Á này.

Cho tới nay, VinFast lên sàn Nasdaq đã 5 tháng, nhưng giá cổ phiếu thì vẫn lẹt đẹt, loanh quanh 6 đến 7 USD/cổ phiếu, khiến việc huy động vốn trên thị trường Mỹ không như mong đợi. Thêm vào đó, doanh số bán cũng rất khiêm tốn.

Như vậy, việc vừa mới ra lò đã nhảy ngay vào thị trường Mỹ, xem ra là quá tầm, quá sức đối với VinFast.

Ông Phạm Nhật Vượng làm CEO thay cho bà Lê Thị Thu Thủy, được xác định là để lái VinFast đầu tư sang thị trường dễ tính như Ấn Độ và Philippines. Tuy nhiên, việc đã ra sức đấu với gã khổng lồ, rồi mới quay lại đấu với võ sĩ hạng nhẹ, thì VinFast cũng đã bị tổn thương nội lực không ít.

Hãy chờ xem, VinFast sẽ làm gì với những thị trường mới này?!

Ý Nhi – Thoibao.de

9.1.2024

Kasse animation 7.8.2023