Bộ trưởng Công an sử dụng “con bài” Nhàn AIC để mặc cả với Tổng Bí thư Trọng điều gì?

Chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) – bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – đang bỏ trốn, lại được Bộ Công an kêu gọi ra đầu thú thêm một lần nữa.

Truyền thông nhà nước ngày 10/10 đưa tin, thông báo của Bộ Công an Việt Nam nêu rõ, vào ngày 23/10, Tòa án tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh ra xét xử. Vụ án này xảy ra khi đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (nhiệm kỳ 2011 – 2015).

Giới thạo tin đánh giá, Bộ Công an của ông Tô Lâm lặp đi lặp lại các thông báo, yêu cầu, kêu gọi đầu thú đối với bà Nhàn, là một chủ ý có tính toán, chứ không đơn thuần là biện pháp nghiệp vụ của ngành công an.

Lý do:

Thứ nhất, Tô Lâm và phe cánh đã có những bằng chứng cho thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tìm cách đẩy Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an, để đưa đàn em thân tín của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, là Phan Đình Trạc, lên ngồi thay.

Theo tính toán của Tổng Bí thư, khi ông Trọng không thể ngồi tiếp ghế Tổng Bí thư lần thứ tư liên tiếp (theo tham vọng), vào nhiệm kỳ Đại hội 14, thì người kế nhiệm chức Tổng Bí thư sẽ là Vương Đình Huệ, và chiếc ghế “siêu quyền lực” Bộ trưởng Công an, sẽ do Phan Đình Trạc ngồi.

Thứ 2, Tô Lâm muốn nhắc lại với ông Trọng “ân huệ” mà đặc vụ của Bộ Công an, vào năm 2017, đã liều mình bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại trung tâm thủ đô Berlin, rồi đưa về Hà Nội. Nhờ đó đã tạo ra tiền đề cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi động công cuộc “đốt lò”, để triệt hạ đàn em của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau chiến thắng của ông Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.

Thông điệp Tô Lâm gửi tới ông Trọng là, nỡ lòng nào mà Tổng Trọng lại lật kèo và đối xử với Bộ trưởng Công an Tô Lâm như vậy?

Đó cũng là lý do, vì sao, khi ông Nguyễn Xuân Phúc rời chức Chủ tịch nước, nhiều ý kiến đề nghị ông Tô Lâm đảm trách chức vụ này, nhưng Bộ trưởng Công an Tô Lâm dứt khoát từ chối. Ông Tô Lâm không muốn để Phan Đình Trạc hưởng lợi.

Truyền thông của Đức vào tháng 8/2023 đã công khai loan tin, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ẩn náu ở Đức, sau một thời gian lẩn trốn ở Anh Quốc. Thông tin còn cho biết, phía Hà Nội có yêu cầu Berlin phối hợp dẫn độ bà Nhàn về Việt Nam, tuy vậy, yêu cầu này đã bị từ chối. Đồng thời, Chính phủ Đức cảnh báo Hà Nội không được bắt cóc bà Nhàn trên lãnh thổ Đức.

Vậy mà, cho đến nay, Bộ Công an của ông Tô Lâm cũng chỉ úp mở về chuyện họ chưa bắt (hay khó có thể bắt) được bà Nhàn, đồng thời cũng không công bố hiện bà Nhà đang trốn ở đâu?

Giới thạo tin tiết lộ, quan hệ giữa Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc từ lâu vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Ông Phan Đình Trạc là Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương, và là một người thân cận của Tổng Bí thư Trọng. Ông Trạc thường có biểu hiện tham vọng muốn ngồi lên chiếc ghế Bộ trưởng Công an của Tô Lâm.

Phải chăng, đó là lý do, báo Thanh Niên ngày 24/3/2022 cho biết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định: Bộ Công an luôn quán triệt điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý nhiều lần, không “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Sau đó, vẫn theo báo Thanh Niên, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ngày 27/2/2023, Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc đã đề nghị các cơ quan nội chính, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về cơ chế phối hợp, tránh “cua cậy càng, cá cậy vây”, “quyền anh, quyền tôi”. Theo giới quan sát, đó như một phát biểu đáp trả Tô Lâm của Phan Đình Trạc.

Điều đó liên quan gì tới thất bại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, cộng với mối quan hệ của ông Trọng với Trung Quốc đang rất xấu?

Xin nhắc lại, Trung Quốc lâu nay là thế lực chính trị hậu thuẫn và tạo nên quyền lực cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong việc đánh bại cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12. Kể từ đó, ông Trọng đã thâu tóm trọn và có quyền lực tuyệt đối trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù trước đó, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 11 năm 2012, Tổng Trọng đã phải bật khóc bởi bất lực, vì không kỷ luật được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Hẹn quý vị trong bài sau sẽ rõ./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023