Vì sao Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ Truman vào năm 1946 bị từ chối?

Trước, trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội, vào trung tuần tháng 9/2023, một sự kiện lịch sử được truyền thông Việt Nam nhắc đi nhắc lại, đó là việc “Hồ Chí Minh tháng 2/1946 đã gửi một bức thư tới Tổng thống Mỹ Harry Truman, mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ”. Sự kiện này được khai thác với mục đích giải thích cho dân chúng lý do vì sao, Việt Nam và Hoa Kỳ từng là kẻ thù trước đây, nay lại trở thành đồng minh chiến lược. Họ cho rằng, đó cũng là thể theo mong muốn của ông Hồ Chí Minh.

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 8/9, trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ để hiện thực hóa mong muốn của ông Hồ Chí Minh, nêu trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman vào tháng 2/1946, với hy vọng Việt nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Mỹ.

Hay mới đây, ngày 19/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm và phát biểu tại Đại học Georgetown. Tại đây, ông Phạm Minh Chính nói, “Điều này cho thấy tinh thần hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi Tổng thống Mỹ Truman ngày 16/2/1946, đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ”.

Một sự kiện lịch sử đã đóng băng trong quá khứ, thậm chí bị Cộng sản che dấu trong nhiều năm, bây giờ lại được giới chức lãnh đạo Hà Nội tích cực lôi ra phủi bụi, đánh bóng, với mục đích trấn an cho giới Cách mạng lão thành và các cựu chiến binh Việt Nam luôn có thái độ không thân thiện với người Mỹ.

Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, song, một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Chuyện ông Hồ Chí Minh viết thư gửi Tổng thống Mỹ Truman nhưng không được người Mỹ hồi đáp, chính là một câu chuyện như vậy.

Sự thực câu chuyện này ra sao?

Căn cứ các dữ liệu lịch sử cho biết:

Mặt trận Việt Minh, là tổ chức do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1941, và Việt Minh từng có sự hợp tác với cơ quan tình báo Mỹ OSS.

Tháng 3/1945, Hồ Chí Minh gặp Tướng Chennault tại Côn Minh, Trung Quốc. Hồ Chí Minh khi đó đã nhận thấy, người Mỹ muốn sử dụng các tổ chức của người Việt để tham gia chống Nhật. Lập tức, Hồ Chí Minh thiết lập mối quan hệ với tình báo Mỹ trong việc giải cứu các phi công Mỹ và cung cấp các tin tức tình báo cho OSS. Đổi lại, OSS cung cấp vũ khí, phương tiện liên lạc, giúp đỡ y tế, cố vấn và huấn luyện quân đội ở mức quy mô nhỏ cho Việt Minh.

Ngày 16/7/1945, nhóm Con Nai thuộc cơ quan tình báo Mỹ OSS đã nhảy dù xuống Tuyên Quang. Tại đây, nhóm Con Nai đã huấn luyện cho lực lượng Việt Minh khoảng 200 người, về cách thức sử dụng những vũ khí Mỹ và chiến thuật đánh du kích. Ngày 2/9/1945, nhóm Con Nai đã cùng Việt Minh về Hà Nội, dự lễ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong giai đoạn 1941 – 1946, Hồ Chí Minh cố gắng thuyết phục để người Mỹ tin rằng, ông không phải là Cộng sản, mà chỉ là một người theo chủ nghĩa quốc gia. Thông qua cơ quan tình báo Mỹ OSS, tháng 2/1946, Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho Tổng thống Mỹ Truman, đề nghị Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Song, lúc đó, người Mỹ vẫn xem Hồ Chí Minh là gián điệp của Quốc tế Cộng sản, là bù nhìn của Moskva, vì Hồ Chí Minh đã từng ở Moskva trong nhiều năm. Tài liệu của CIA lúc đó khẳng định, “Đảng Cộng sản Đông Dương tuy tuyên bố “giải tán” năm 1945, nhưng đến năm 1946 họ vẫn có 50.000 đảng viên, và tới 1950 con số đó lên tới 400.000 đảng viên”.

Đó chính là lý do vì sao, người Mỹ đã không hồi đáp bức thư của Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman. Đến cuối tháng 9/1946, Chính phủ Mỹ quyết định rút tất cả các nhân viên tình báo tại Việt Nam về nước, chấm dứt liên hệ với Chính phủ Việt Nam và ông Hồ Chí Minh.

Với lý do rất rõ ràng: Hồ Chí Minh là Cộng sản.

Đến hôm nay, lãnh đạo Việt Nam đã thấm thía và đã biết rút kinh nghiệm từ bài học thất bại của ông Hồ Chí Minh, khi muốn hợp tác với nước Mỹ.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc giới chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có động thái, lặp lại đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, là một cách mà Cộng sản Việt Nam gián tiếp thừa nhận, họ đã từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản do Hồ Chí Minh du nhập vào Việt Nam, để đi theo Chủ nghĩa Tư bản.

Để dễ hiểu hơn, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, một người đang sống ở Hà Nội, viết trên trang facebook cá nhân rằng, “Bác Nguyễn Tất Thành vô duyên với nước Mỹ không phải từ năm 46 đâu, mà từ 1912. Lúc bác lên tàu làm bồi bàn, thì sang New York đầu tiên, ở bển cả năm, sang cả bang Massachuset. Rồi bác quay về Anh, rồi sang Pháp. Ở đây, bác đọc được luận cương của Lênin, thấy mặt trời chân lý chói qua tim và thành người Cộng sản.

Đó là lý do khiến Tổng thống Mỹ Truman sau này cự tuyệt các bức thư cầu viện của bác, vào năm 46, vì bác là Cộng sản. Hậu quả là loằng ngoằng mất mấy chục năm cho tới hôm qua.

Thế là, đầu tiên bác bỏ thầy Mỹ, rồi bỏ thầy Anh, xong bỏ thầy Pháp, cuối cùng là theo học thầy Liên Xô và thầy Tàu. Hậu quả sao thì không phải nhắc.

Bài học rút ra cho anh em là xác định đi du học thì học đến nơi đến chốn, học dở chừng lại bỏ, đứng núi này trông núi nọ là trả giá rất nặng.”./.

 Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023