Vì sao Việt Nam phải đề nghị Hoa Kỳ xem xét để công nhận quy chế kinh tế thị trường?

Khái niệm kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay, chính thức xuất hiện kể từ năm 1986, sau cái gọi là công cuộc “Đổi mới kinh tế” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại thời điểm đó, khi nguy cơ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Việt Nam, theo mô hình Xô Viết – mô hình kinh tế của Chủ nghĩa Cộng sản, hay còn gọi là nền kinh tế quan liêu bao cấp – đã khiến cho số đông người Việt Nam đói ăn, thậm chí phải ăn “bo bo”, một loại thức ăn của lừa, ngựa để tồn tại.

Trong khi khái niệm kinh tế thị trường là đặc trưng của nền kinh tế của Chủ nghĩa Tư bản, điều trái ngược hoàn toàn so với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Chủ nghĩa Cộng sản. Sự khác biệt căn bản là quan niệm bóc lột và sở hữu tư liệu sản xuất.

Do Việt Nam tiến hành đổi mới kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường, đồng nghĩa với việc, Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận chế độ người bóc lột người, và sở hữu tư liệu sản xuất đa thành phần, so với một thành phần duy nhất của Chủ nghĩa Cộng sản là sở hữu nhà nước. Đó là lý do các đảng viên lãnh đạo cấp cao trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó, từng phản đối nền kinh tế thị trường Tư bản Chủ nghĩa. Họ khẳng định rằng, người Cộng sản không chấp nhận bóc lột. Nếu tồn tại chế độ người bóc lột người ở Việt Nam, thì Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là tổ chức chính trị đi theo Chủ nghĩa Cộng sản.

Dông dài một chút để thấy, sự ra đời của cái đuôi “định hướng Xã hội Chủ nghĩa” của nền kinh tế Việt Nam từ 1986 cho tới nay, thực chất là thủ thuật đánh lừa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do họ sợ dân chúng biết sự thật là, họ đã không còn là Đảng Cộng sản đúng nghĩa nữa, và khái niệm Xã hội Chủ nghĩa mà họ luôn rao giảng cũng chỉ là sự lừa bịp. Mà Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là một đảng chính trị độc tài của giai cấp bóc lột mới, của một xã hội tư bản hoang dã như đầu thế kỷ 19 ở châu Âu.

Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm mức đối tác chiến lược toàn diện, được lãnh đạo hai nước long trọng công bố ở Hà Nội hôm 10/9, trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden, trong phần nội dung về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, có đoạn nêu rõ:

“Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ.

Ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam, đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.”

Nghĩa là, Mỹ sẽ xem xét yêu cầu của Việt Nam, công nhận Việt Nam có một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Bởi lý do, sau khi nền kinh tế Việt Nam được công nhận là một nền kinh tế thị trường, thì Việt Nam mới được hưởng đầy đủ những ưu đãi về thương mại, đầu tư theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ngược lại, nếu Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, thì Việt Nam không thể được hưởng những ưu đãi theo quy định của WTO.

Do đó, việc Hoa Kỳ công nhận cho Việt Nam là một bước mở đường để quan hệ thương mại Việt – Mỹ có thể phát triển lên một tầm cao mới. Nếu Mỹ chưa công nhận, thì hai nước chưa thể ký một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ở tầm mức phát triển cao hơn.

Do vậy, nếu Việt Nam muốn đồng hành, muốn dựa vào thị trường, nguồn vốn và công nghệ từ Hoa Kỳ, để phát triển nền kinh tế trên nền tảng công nghệ cao, thì bắt buộc, Việt Nam phải thể chế hóa nền kinh tế để trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh theo đúng các tiêu chí của WTO.

Xin nhắc lại, 3 trụ cột của một quốc gia dân chủ phát triển trên thế giới hiện nay là: một nhà nước pháp quyền; một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và một hệ thống các tổ chức xã hội dân sự rộng khắp, để giám sát nhà nước và doanh nghiệp.

Với thể chế kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi định hướng Xã hội Chủ nghĩa như ở Việt Nam hiện nay, trong khi chính sách luật pháp lại tùy tiện, thì sẽ đi mãi chưa thể tới đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023