Tương lai của giới lãnh đạo Việt Nam

Link Video: https://youtu.be/GtzvyNo1G1M

Truyền thông và các nhà bình luận quốc tế vẫn tiếp tục có những bài bình luận về các sự kiện và tình hình chính trị Việt Nam hiện nay. Ngày 13/3, Đài Á châu Tự Do (RFA) Tiếng Việt đăng tải bài bình luận của Giáo sư Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Bài viết có tựa đề “Điều gì sẽ đến sau những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng”.

Theo bài báo, mọi việc dường như đã trở lại bình thường sau những xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, với việc Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng được bầu làm Chủ tịch nước.

Giáo sư Abuza đánh giá, đối với một chính quyền thích khoe mình là ít chuyên chế nhưng lại ổn định về chính trị giống Trung Quốc, những xáo trộn vừa qua là một biến động lớn. Dù vai trò Chủ tịch nước chỉ mang tính hình thức, nhưng ông Thưởng không có kinh nghiệm về đối ngoại và là một gương mặt mới đối với cộng đồng kinh doanh quốc tế. Mặc dù ông Phúc có ít quyền lực hơn khi ở vị trí Chủ tịch nước so với thời ông làm Thủ tướng, ông vẫn là một gương mặt đảm bảo đối với giới đầu tư và lãnh đạo nước ngoài.

Giáo sư Abuza tiếp tục đề cập đến trường hợp Thủ tướng Phạm Minh Chính và khả năng ông Chính có thể bị đẩy ra khỏi bộ máy chính quyền. Bởi các cáo buộc tham nhũng vây quanh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gia tăng trong thời gian qua. Những lời đồn kết nối ông với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn – một chủ doanh nghiệp đang bỏ trốn (người đứng đầu Công ty Cổ phần Quốc tế Tiến bộ – AIC). Bà này bị tòa tuyên có tội trong vụ án gian lận lên đến 6,3 triệu đô la.

Tuy nhiên, tác giả cũng cho rằng, trong môi trường truyền thông bị che phủ của Việt Nam, lời đồn này đơn giản cũng có thể là do những đối thủ của ông Chính tung ra, nghĩa là, vẫn có khả năng nó không phải là sự thật.

Hình: Bài trên RFA

Ông Chính vẫn có thể sẽ ở lại đến hết nhiệm kỳ, theo Giáo sư Abuza, vì ba lý do:

  • Thứ nhất, thị trường sẽ bị rối loạn nếu có thêm bất cứ biến động nào nữa. Đã có những bực bội thực sự khi việc đưa ra quyết định tại các ngành chủ chốt như y tế, bất động sản, ngân hàng, và năng lượng đang bị chững lại. Một thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo sẽ đẩy lùi mọi thứ lại.
  • Thứ hai, người có khả năng thay thế ở vị trí Thủ tướng là Phó Thủ tướng Thường trực mới được bổ nhiệm Trần Lưu Quang. Nhưng cho dù là một ngôi sao đang lên, ông Quang vẫn không có nhiều kinh nghiệm ở tầm quốc gia và vị trí cao nhất mà ông từng đảm nhận là Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ông có thể được đề bạt tại Đại hội 14 sắp tới.
  • Thứ ba là ông Trọng phải quan ngại về một tác động ngược. Tại Đại hội 13 năm 2021, ông đã không thể đưa được người mình chọn là Trần Quốc Vượng – người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng – lên. Và đó là lý do ông Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ ba.

Giáo sư Abuza cho biết, có những dấu hiệu cho thấy, đã có những phản ứng lại đối với ông Trọng, người đã thâu tóm một quyền lực chưa từng có và khiến những đối thủ của mình như ông nguyễn Xuân Phúc phải ra đi, rồi đưa những người thân cận của mình vào các vị trí quyền lực.

Giáo sư Abuza phân tích về hai người có khả năng kế thừa ông Trọng trong nhiệm kỳ tới. Ông Huệ năm nay đã 65, ông sẽ cần miễn trừ tuổi tác để được trở thành Tổng Bí thư vào năm 2026. Ông Thưởng thì dù sinh ra ở vùng đồng bằng Sông Hồng, nhưng hầu như toàn bộ sự nghiệp của ông là ở phía Nam và ông tự nhận là người miền Nam. Trong khi đó, vị trí Tổng Bí thư thường là người Bắc. Trở ngại thứ hai của ông Thưởng là vị trí Chủ tịch nước chỉ là công việc chờ “hưu”, thay vì là một bước đệm để tiến lên Tổng Bí thư.

Hơn nữa, theo tác giả, nếu trong trường hợp ông Trọng phải nghỉ giữa chừng vì sức khỏe kém, với những người như ông Thưởng và ông Huệ ở vị trí sẵn sàng, ông Trọng đang lặng lẽ bảo vệ những di sản của mình và đảm bảo là sẽ không có sự lặp lại như trường hợp người được ông chọn trong Đại hội 13 lại không được bầu.

Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Phan Văn Mãi đầu hàng, Phạm Minh Chính xua hùng binh chiến. Hậu chiến sẽ ra sao?

>>> Cho dựng “song sắt”, Nguyễn Hòa Bình muốn tự bảo vệ hay tự bít đường thoát?

>>> “Thánh vụt gậy” Nguyễn Viết Dũng bị cho lên thớt, khối kẻ ẩn danh xanh mặt

Có phải Việt Nam đã cho phép tưởng niệm Gạc Ma?


Kasse animation 7.8.2023