Có phải Việt Nam đã cho phép tưởng niệm Gạc Ma?

Link Video: https://youtu.be/BKUthjvZaFs

Một sự kiện đáng ngạc nhiên vừa diễn ra tại Việt Nam, đó là việc Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã tổ chức Lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ Gạc Ma tại Đình làng Nại Nam, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (Đà Nẵng), vào ngày 12/3. Sự kiện này diễn ra nhân kỷ niệm 35 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam tại đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam hy sinh để bảo vệ Tổ quốc (14/3/1988 – 14/3/2023).

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin và trang tin của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng dành trang chính để viết về lễ tưởng niệm này. Nhiều trang báo quốc doanh khác cũng đồng thời đưa tin.

Bình luận về sự kiện này, RFA Tiếng Việt ngày 13/3 nhận xét, đây là sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận trong nước đối với sự kiện lịch sử này.

Những năm trước đây, những sự kiện tưởng niệm như Gạc Ma, Hoàng Sa và Chiến tranh Biên giới luôn bị chính quyền coi là “nhạy cảm” và cấm đoán. Nhà cầm quyền Hà Nội lo sợ sẽ làm khuấy động tâm lý chống Trung Quốc trong dân chúng và gây mất lòng nước láng giềng lớn mà họ coi là người anh em cùng ý thức hệ.

Hình: Bài trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người dân từ Bắc vào Nam thường tự tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm những ngày này, nhưng thường xuyên bị chính quyền ngăn chặn, quấy phá, thậm chí là câu lưu, đánh đập những người tham gia tưởng niệm.

Ngày 14/3/2015, rất nhiều dư luận viên mặc áo và cầm cờ đỏ đến phá lễ tưởng niệm của người dân tại chân Tượng đài Lý Thái Tổ Hà Nội. Những năm khác, những lễ tưởng niệm khác, an ninh và chính quyền cũng thường xuyên nghĩ ra nhiều “quái chiêu” để phá đám.

Ví dụ như họ sẽ có những nhóm trung niên ra khu vực lễ tưởng niệm và khiêu vũ; hoặc an ninh giả làm thợ xây dựng, chạy máy cắt đá ầm ầm lên; hoặc cho xe bus đến “hốt” toàn bộ người tham gia tưởng niệm về đồn; hoặc chặn những “đối tượng” thường tham gia tưởng niệm tại nhà bằng cách cho dân phòng, công an tới canh cửa, không cho ra khỏi nhà, hoặc kỳ khôi hơn là đổ keo vào ổ khóa nhà của họ… Quả thực là họ cực kỳ “sáng tạo” khi nghĩa ra đủ các loại chiêu trò như vậy, thế giới chắc cũng phải “thán phục” sát đất.

Trận Hải chiến Gạc Ma, hay có thể gọi chính xác hơn là Thảm sát Gạc Ma, xảy ra vào ngày 14/3/1988, khi Hải quân Trung Quốc cho ba tàu chiến mở một cuộc tấn công vào thực thể đá do Việt Nam kiểm soát. Họ tàn nhẫn xả súng thẳng vào những người lính công binh chỉ có cuốc xẻng trong tay, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam tử trận, hai tàu vận tải của Việt Nam bị đánh chìm, chín người lính khác bị bắt giữ.

Hình: Bài trên BBC về vụ phá rối lễ tưởng niệm Gạc Ma ở Hà Nội năm 2015

Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã bưng bít sự kiện này trong suốt nhiều năm, cho đến tận khi, nhờ có internet mà chính quyền không thể bưng bít được nữa. Khi ngày càng nhiều người dân biết đến sự kiện Gạc Ma thì chính quyền quay sang cấm đoán, không cho viết, không cho tưởng niệm sự kiện này.

Tuy nhiên, có vẻ đã có những thay đổi trong thời gian gần đây. Báo chí nhà nước đã được cho phép nhắc đến những sự kiện liên quan đến Trung Quốc và ngôn ngữ sử dụng trong các bài viết này cũng thoải mái hơn.

Ngày 12/3, báo VietnamNet trong một bài xã luận đã viết “Trung Quốc đã có nhiều hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa”; hoặc báo trang tin của Đoàn Thanh niên Cộng sản viết “Sự kiện Gạc Ma: Không ai bị lãng quên”…

Tuy chính quyền đã có vẻ thay đổi cách tiếp cận với các sự kiện lịch sử này, nhưng có lẽ họ cũng chỉ dừng lại ở mức chấp nhận những lễ tưởng niệm do chính quyền tổ chức, còn với dân, họ vẫn rất e dè. Cô giáo Trần Thị Thảo ngày 14/3 đã đăng một status kèm video tự quay tố cáo công an ngăn cản không cho bà ra khỏi nhà. Bà Thảo là một biểu tình viên tích cực ở Hà Nội, bà thường xuyên có mặt trong các lễ tưởng niệm Hoàng Sa, Gạc Ma và biểu tình chống Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông.

Hình: Status của cô giáo Trần Thị Thảo

Chúc Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Phan Văn Mãi đầu hàng, Phạm Minh Chính xua hùng binh chiến. Hậu chiến sẽ ra sao?

>>> Cho dựng “song sắt”, Nguyễn Hòa Bình muốn tự bảo vệ hay tự bít đường thoát?

>>> “Thánh vụt gậy” Nguyễn Viết Dũng bị cho lên thớt, khối kẻ ẩn danh xanh mặt

Ban Tuyên giáo thích nắn gân và dạy đời bị lố gây phản ứng


Kasse animation 7.8.2023