Kinh tế suy thoái, thất nghiệp tràn lan, bức tranh tương lai ảm đạm cho người Việt

Link Video: https://youtu.be/w-t98aGI1gc

Nền kinh tế Việt Nam đang vô cùng ảm đạm vào tháng cuối cùng của năm 2022, khi mà có đến 1.235 doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn, 472.000 công nhân bị cắt giảm giờ làm và 41.500 người bị mất việc, thị trường tiền tệ thì tuột dốc…

Tình hình hiện tại cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có thể còn tiếp tục suy thoái sâu trong năm 2023. Chưa có những tín hiệu khả quan cho sự phục hồi mà chỉ thấy những dấu hiệu bất ổn lâu dài như: Nguy cơ thiếu xăng, thiếu than, thiếu điện trong dài hạn; nguy cơ vỡ hệ thống ngân hàng; nhà đầu tư khắp nơi bị mất tiền khi góp vốn vào các doanh nghiệp… Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dự báo tình hình sẽ còn kéo dài, sẽ còn có thêm nhiều người lao động mất việc làm và không loại trừ khả năng doanh nghiệp bỏ trốn, không trả lương cho người lao động.

Người lao động Việt Nam có thể phải đối mặt với một giai đoạn đen tối, bế tắc, khi mà họ không tìm được việc làm trong các khu công nghiệp, trở về quê thì đã không còn đất nông nghiệp để sản xuất. Đây là hậu quả của giấc mơ “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá” của những vị lãnh đạo Đảng qua nhiều thế hệ. Khi mà định hướng phát triển kinh tế không dựa vào những nghiên cứu thực tế, không gắn liền với thực tiễn, mà chỉ dựa vào mơ ước, vào tưởng tượng của nhóm người nắm quyền sinh sát.

Hình: Người lao động thất nghiệp đến tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ Giới thiệu việc làm

Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng. Thay vì đầu tư vào nông nghiệp, phát triển những sản phẩm đặc thù phù hợp với thổ nhưỡng Việt Nam và nhu cầu của các nước tiên tiến, thì mấy thập kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo Việt Nam chỉ chăm chăm vào phát triển công nghiệp và bất động sản. Còn người dân thì bị cuốn theo những cơn sốt đất ảo. Bao nhiêu bờ xôi ruộng mật bị lấp bằng, bao nhiêu ngọn núi bị cạo trọc, san phẳng để lấy đất đổ xuống những ruộng đồng. Những mảnh ruộng xưa xanh tốt, nay trở thành những khu công nghiệp gây ô nhiễm, những khu dân cư cao cấp hoặc những đô thị ma… Rồi ô nhiễm từ các khu công nghiệp này lại tiếp tục huỷ hoại vùng đất nông nghiệp xung quanh. Những khu đất nông nghiệp bị ô nhiễm lại trở nên hoang hoá, hoặc lại biến thành những khu đô thị được xây dựng hoành tráng nhưng lèo tèo cư dân… Vòng xoáy cứ lặp lại và cuối cùng nó huỷ hoại toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam.

Người nông dân mất đất, một phần do bị quy hoạch cướp đi mảnh ruộng vườn tổ tiên để lại, phần khác thì do làm nông quá vất vả lại luôn thua lỗ, thu nhập rẻ bèo, mà đất thì liên tục sốt. Chỉ cần bán đi mảnh vườn, khu ruộng thì người nông dân nghèo khó bỗng chốc có tiền tỷ trong tay. Nhưng khổ nỗi người nông dân vốn không quen tính toán kinh doanh, tiền bán đất đem đầu tư làm ăn một thời gian thì hết vốn, họ lại quay lại cuộc đời làm thuê. Nếu bỏ tiền đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu thì cũng bị lừa cho mất trắng. Người nông dân từ bỏ ruộng vườn, lam lũ kéo nhau vào làm công trong các khu công nghiệp. Kết quả, khi nền kinh tế suy thoái, họ hoàn toàn trắng tay. Sự trắng tay ở đây không chỉ là mất công ăn việc làm mà còn là mất đi tất cả sinh kế, họ không còn chỗ nào để dựa, không còn đường để lui…

Ngày 29/11, một bài báo được đăng trên trang VOA tiếng Việt, với tiêu đề “Xuất khẩu điện thoại thông minh từ Việt Nam sụt giảm trước dịp Giáng sinh” nói về tình trạng cắt giảm sản xuất của Samsung tại Việt Nam trong tháng 11 này. Một nguồn tin từ Chính phủ Việt Nam cũng xác nhận, Samsung đã cắt giảm sản lượng 2 lần trong năm nay.

Hình: Một khu công nghiệp bỏ hoang

Samsung hiện có 8 nhà máy ở Việt Nam, tập trung ở các địa phương: Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP. HCM. 60% sản lượng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam, chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hầu hết điện thoại thông minh của Samsung sản xuất tại Việt Nam đều được xuất sang thị trường phương Tây. Nói như vậy để thấy, việc sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Samsung có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng không chỉ Samsung, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng này chủ yếu thuộc các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, gia công linh kiện điện tử, thuỷ sản và cơ khí. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp này bị mất đơn hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản; do nguồn cung nguyên vật liệu gặp khó khăn, chi phí vận chuyển tăng cao và những biến động từ tình hình thế giới. Tổng sản lượng xuất khẩu trong 11 tháng giảm 8,4%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, con số 472.000 người bị cắt giảm giờ làm, 41.500 người bị mất việc chỉ là con số thống kê trên 44 tỉnh thành và chỉ với những người có hợp đồng. Như vậy, nếu tính cả những lao động thời vụ, lao động bán thời gian… và tính trên cả 63 tỉnh thành thì con số còn cao hơn nhiều nữa. Ước tính, có đến 88% lao động bị ảnh hưởng ở khu vực phía Nam. Tình trạng lao động mất việc đang có xu hướng lan rộng, không chỉ ở TP. HCM mà còn nhiều tỉnh thành khác. Bế tắc, bị bần cùng hoá là những viễn cảnh gần của người lao động.

Liệu Đảng Cộng sản có thể giải quyết được bài toán khó này và giải quyết tận gốc rễ vấn đề hay không? Nếu chỉ giải quyết những nguyên nhân bề nổi thì có thể cứu vãn được một thời gian, rồi những ung nhọt đến thời kỳ sẽ lại bùng phát. Còn nếu không thể giải quyết, thì hậu quả khó lường. Khi người dân bị đẩy vào chân tường, tất sẽ “tức nước vỡ bờ”.

Hình: Công nhân trong nhà máy Samsung

Nguyễn Trí – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Khởi tố thêm 2 bị can liên quan vụ nữ sinh ở Ninh Thuận bị Thiếu tá quân đội đụng xe – áp lực của dư luận giúp phơi bày sự thật

>>> Hú hồn! 20 doanh nghiệp dính đến Vạn Thịnh Phát được “tháo cùm”.

>>> Lửa Việt Á cháy đến cửa nhà Vũ Đức Đam, trợ lý ông Đam bị bắt.

Triển vọng nào cho ngành ngân hàng trong năm 2023?


Kasse animation 7.8.2023