Nguyễn Thanh Nghị làm Thứ trưởng – Cú móc “ngược” của Ba X

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=PsyieyvSbgU

Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa được bổ nhiệm quay trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng giữa lúc Bộ Chính trị Việt Nam đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng 13 sắp diễn ra trong vài tháng tới.

Giới quan sát và bình luận đưa ra những ý kiến trái chiều nhau rằng liệu đây là sự thuyên chuyển thăng chức hay cũng có thể là sự giáng chức sau khi ông Nghị bị kỷ luật vì những sai phạm ở Phú quốc, Kiên Giang.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra hôm 6/10, ông Nghị, cũng là Uỷ viên Trung ương Đảng và trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá 14 của tỉnh Kiên Giang, được “điều động, bổ nhiệm” giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, mà truyền thông trong nước gọi là “thuyên chuyển công tác.”

Quyết định được đưa ra hơn 1 tháng sau khi ông Nghị cùng hàng chục cán bộ tỉnh Kiên Giang bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi cuối tháng 8.

Đây là lần thứ hai ông Nghị, 44 tuổi, đảm nhiệm chức thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Ông Nghị, trình độ tiến sỹ khoa học kỹ thuật xây dựng, từng là phó bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015 trước khi trở thành người đứng đầu Tỉnh uỷ Kiên Giang nhiệm kỳ 2015-2020.

Hiện, ông Nguyễn Thanh Nghị là ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Tháng 10/2015, ông Nguyễn Thanh Nghị được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông cũng từng là Bí thư tỉnh ủy trẻ nhất nước tại thời điểm được bầu.

Theo truyền thông trong nước, con trai ông Dũng là bí thư Tỉnh uỷ trẻ nhất của Việt Nam tại thời điểm được bầu. Tại thời điểm trở thành thứ trưởng Bộ Xây dựng lần đầu tiên vào năm 2011, khi bố ông đang làm thủ tướng Việt Nam, ông Nghị mới có 35 tuổi.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bức ảnh tại Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội ngày 26/1/2016, vừa xuất hiện trở lại trên truyền hình trong cuộc phỏng vấn nhân ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương.

Ảnh 1: Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Việc con trai cả ông Dũng được đưa trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, theo dư luận và giới quan sát, là không mấy bất ngờ sau vụ ông Nghị bị kiểm điểm về sai phạm đất đai của tỉnh.

Hôm 25/8, ông Nghị cùng hai cựu chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và 12 người nguyên là phó chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 bị kiểm điểm vì theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, toàn bộ 145 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết do quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chậm được phê duyệt.

Cũng theo kết luận này, tỉnh Kiên Giang còn chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc, dẫn đến Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng phê duyệt.

Việc điều động ông Nghị trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng nằm trong các diễn biến nhân sự cấp cao đang diễn ra trong các tuần vừa qua, với việc nhiều tỉnh thành Việt Nam có bí thư mới được bổ nhiệm. Cùng ngày 6/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra quyết định bổ nhiệm ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên, giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Hôm 5/10, Hội nghị Trung ương 13 (khoá 12) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khai mạc tại Hà Nội, trong đó công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 là một trong những trọng tâm được thảo luận và xem xét.

Ảnh 2: Phú quốc với lợi thế về du lịch và đầu tư cực kỳ lớn từ ngân sách và định hướng phát triển thành đặc khu kinh tế, là mảnh đất cực kỳ béo bở phát sinh lợi nhuận hàng chục lần nên cũng là đối tượng xâu xé của các thế lực lợi ích nhóm. Kiên Giang cũng là quê hương của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên đã có sự dàn xếp cho ông Nguyễn Thanh Nghị nắm vùng đất này

Bố ông Nghị, nguyên Thủ tướng Dũng, gần đây bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền hình khi trả lời phỏng vấn VTV nhân dịp ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương mà ông từng giữ chức trưởng ban, và theo giới quan sát đó có thể là “tín hiệu gì đó về thế cân bằng” quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 sắp được tổ chức trong vài tháng tới.

Chiến dịch chống tham nhũng, được truyền thông trong nước gọi là “đốt lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – người thâu tóm đuợc nhiều quyền lực trong tay hơn khi kiêm nhiệm chức Chủ tịch vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, trong vài năm qua được giới quan sát cho là nhắm vào ông Dũng thông qua một loạt các ‘đại án’ liên quan tới nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo các ngân hàng, và cả ngành công an, dẫn tới việc cựu Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù.

Câu hỏi mà dư luận đặt ra là liệu ông Nguyễn Thanh Nghị được ‘điều chuyển’ hay bị ‘kỷ luật giáng chức’?

Các nguồn tin từ Hà Nội cho BBC biết việc điều động ông ra Bộ Xây dựng là chỉ dấu cho thấy ông Nghị có thể sẽ là Bộ trưởng Xây dựng trong tương lai gần.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, một số nhà quan sát trong giới bất đồng chính kiến cho rằng ông Nghị có thể bị kế “điệu hổ lý sơn” cho tiện việc điều tra xử lý những sai phạm ở Phú quốc Kiên giang.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 10 năm 2020 từ Hà Nội, liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nhận định:

Tôi nghĩ là như vậy, vì ông Nghị từ thời bố ông làm Thủ tướng thì ông được đẩy lên rất nhanh, và từng làm Thứ trưởng của Bộ Xây dựng. Rồi từ đó mới chuyển về quên nhà để đi theo con đường của đảng, đầu tiên là Chủ tịch tỉnh, sau đó là Bí thư. Thường Bí thư của một tỉnh, thì chắc chắn sẽ là trung ương ủy viên của khóa tới, bây giờ đùng một cái điều về làm Thứ trưởng thì sẽ phải có một người khác về làm Bí thư. Và như thế, khả năng ông Nghị còn ở trong trung ương đảng có thể là không có nữa.

Ảnh 3: thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng người được gọi là đồng chí X đã bị miễn nhiệm vì những sai phạm đem lại hậu quả khổng lồ cho nền kinh tế Việt nam với vụ án Vinashin và nhiều thua lỗ ở những tập đoàn kinh tế gọi là quả đấm thép của kinh tế nhà nước

Như vậy đó là một sự ‘giáng chức’ và là một cái biểu hiện mà bất kể ai biết về tình hình chính trị Việt Nam sẽ thấy đó là một biểu hiện của một sự đấu đá trong nội bộ.”

Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Trước đây ông từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng từ năm 2011 đến 2014. Sau đó ông được đưa về quê nhà và kinh qua các chức vụ như Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh… Và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang từ tháng 10 năm 2015 đến nay. Ông là con trai cả của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và là một trong ba Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất nước ở thời điểm đó.

Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6 tháng 10 năm 2020 về trường hợp của ông Nguyễn Thanh Nghị, đưa ra phân tích:

Vào tháng 8 năm 2020 có một kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của tỉnh Kiên Giang, nhưng trong kết luận đó không có phần quan trọng nhất là chuyển hổ sơ sang cơ quan điều tra xem xét xử lý theo pháp luật. Thì tôi nghĩ rằng, lúc đó ông Nghị an toàn. Thứ hai, tin ông Nghị được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ xây dựng, thú thật tôi cũng bất ngờ. Tôi đánh giá đây là bước đi xuống nguy hiểm cho ông Nghị cũng như liên đới cha ông là ông Nguyễn Tấn Dũng. Đồng thời hôm nay tôi có thấy báo Tuổi trẻ phỏng vấn ông Phạm Công Khâm, là Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Kiên Giang về việc luân chuyển ông Nghị thì ông Khâm cho biết tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về việc này. Đó là một điều rất kỳ lạ, trong khi báo chí thì đã phổ biến rất rộng rãi mà tỉnh Kiên Giang không biết gì cả mà chỉ biết qua báo chí. Đó là điểm lạ thứ nhất.”

Điểm lạ thứ hai theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, là nội dung làm việc của Bộ Chính trị để chuẩn bị cho Đại hội đảng sắp tới. Trong đó, nhóm 3 do ông Trần Quốc Vượng được phân công làm việc với tỉnh Đắc Nông, Kiên Giang.

Nhưng theo quan sát của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, ông Trần Quốc Vượng chỉ đến làm việc với tỉnh Đắc Nông, mà không hề đến Kiên Giang làm việc. Ông nói tiếp:

Việc ông Vượng không làm việc với tỉnh Kiên Giang kết hợp với trả lời của ông Phạm Công Khâm, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Kiên Giang, thì nó bật ra được một vấn đề về việc luân chuyển ông Nguyễn Thanh Nghị… đó là đặt ông Nghị vào chuyện đã rồi. Vì báo Tuổi Trẻ cho biết ông Nghị vẫn điều hành kỳ Đại hội sắp tới ở Kiên Giang vào ngày 17/10.”

Ảnh 4: Nhiệm kỳ Đại hội 12 chứng kiến mô hình “tam trụ” từ công thức “tứ trụ” sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời.

Tại buổi họp giao ban báo hôm 6/10, để cung cấp thông tin về việc chuẩn bị Đại hội Đảng tỉnh Kiên Giang. Trưởng ban tuyên giáo Kiên Giang Phạm Công Khâm cho biết, ông Nguyễn Thanh Nghị – Bí thư tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ X, vẫn điều hành Đại hội từ ngày 15 đến 17/10.

Ông Khâm cũng cho biết đến thời điểm này, Tỉnh ủy Kiên Giang chưa nhận được văn bản chính thức về việc Thủ tướng Chính phủ điều động ông Nguyễn Thanh Nghị, về giữ chức thứ trưởng Bộ Xây dựng, mà chỉ biết qua báo chí đăng tải. (!?)

Liệu sai phạm của ‘đồng chí X’ có bị đụng đến?

Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước đặt câu hỏi, với việc điều chuyển ông ông Nguyễn Thanh Nghị về lại chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng như kỷ luật kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị, liệu có khả năng chính phủ Hà Nội sẽ đụng đến sai phạm của ‘đồng chí X’ (tức nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) lúc còn đương nhiệm?

Qua những chuyện này, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nó cho thấy có sự rạn nứt rõ ràng giữa nội bộ đảng cao cấp giữa họ với nhau, cũng như là giữa phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng với các đồng chí của ông ta trong kỳ đại hội này. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng đây là việc nguy hiểm đối với cá nhân ông Nguyễn Thanh Nghị cũng như dòng tộc của ông Nguyễn Tấn Dũng, nếu ông Nghị ra Hà Nội nhậm chức. Ông nói tiếp:

Điều này cũng đặt ông Nguyễn Thanh Nghị vào một thế khó. Bởi vì theo khoản 4 điều 9 của điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, tức là thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục vụ tổ chức… Tuy nhiên cách làm việc của người cộng sản, thì cấp càng cao thì bao giờ họ cũng làm việc với nhau trước, để thuyết phục trong vấn đề điều chuyển bổ nhiệm.

Ảnh 5: ông Nguyễn Thanh Nghị và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Kiên Giang hôm 29/07/2019

Nhưng lần này rõ ràng, họ đã đặt ông Nguyễn Thanh Nghị và cả gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng một cái thế gọi là chuyện đã rồi, tức là họ sử dụng công cụ báo chí để chuyển thông điệp tới gia đình ông Dũng. Tôi cho rằng, theo cái cách đó, có thể gọi là một kế của Tôn Tử là ‘điệu hổ ly sơn’… Đó là một điều rất nguy hiểm.”

Không chỉ ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Kiên Giang bị điều về làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Trong 2 tháng qua, nhiều bí thư tỉnh ủy được điều động, bổ nhiệm làm thứ trưởng các bộ hay một số chức vụ khác. Đơn cử như ông Trần Văn Sơn, Bí thư Điện Biên vể làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bà Phạm Thị Thanh Trà, Nguyên Bí thư Yên Bái làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bí thư Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dưới góc nhìn cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định về việc này:

Tôi nghĩ đó chắc chắn không phải là bình thường, người ta điều động về làm Thứ trưởng, rồi về làm Phó ban Kinh tế Trung ương… hay là Phó ban gì đấy… Tất cả các ông như từ ông Thăng trở đi chẳng hạn, thì mình cũng thấy kiểu đấy là giáng chức, và có thể dẫn đến kỷ luật gì đó.”

Nhiều cán bộ quan chức cấp cao bị điều chuyển, sau đó kỷ luật hoặc có thể bị truy tố, với lý do chống tham nhũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường nói… Nhà báo Lê Trung Khoa khi trả lời RFA trước đây cho rằng, đấy không phải chỉ là dấu hiệu chống tham nhũng, mà là sự đấu đá phe phái rất dữ dội trong Đảng Cộng sản Việt Nam để giành quyền lợi. Con của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ là một trong những mắc xích, mà một số nhóm khác, muốn loại bỏ để tránh việc ông Nguyễn Thanh Nghị có thể đi tiếp được vào Trung ương ủy viên khóa tới, thậm chí lên Ủy viên Bộ Chính trị nếu thuận lợi.

Ảnh 6: các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 13

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nữ dân biểu Quốc hội Liên bang Đức nhận bảo trợ cho TS Phạm Chí Dũng

>>> Thông cáo chung của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền về vụ bắt giữ nhà hoạt động Phạm Đoan Trang

>>> Mặc dân đói – Đảng vung tiền tỷ mua quà cho đại biểu

Hội nghị Trung ương 13: Đảng chỉ lo nhân sự – dân muốn bỏ độc tài

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023