Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã chốt danh sách 18 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó Nguyễn Văn Nên sẽ rời và Nguyễn Thanh Nghị là 1 trong 6 nhân vật thêm vào. Con đường cho Nguyễn Thanh Nghị rõ ràng hơn bao giờ hết, thay thế một Nguyễn Văn Nên sắp rời ghế. Tuy nhiên, nếu đúng quy định thì phải đợi 8 tháng sau Nguyễn Thanh Nghị mới có thể ngồi vào vị trí mới. 8 tháng là thời gian không lâu, tuy nhiên, với tình hình tranh giành ngày một khốc liệt thì chưa chắc bản thỏa thuận ở Hội nghị Trung ương vừa qua đã là kết quả cuối cùng. Trong 8 tháng này, hứa hẹn sẽ có bất ngờ xảy ra.
Nếu không có cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng và nếu không có cuộc lật đổ ngoạn mục của Tô Lâm vào thời khắc thuận lợi thì có lẽ tương lai của Nguyễn Thanh Nghị đã không sáng như hiện nay. Những gì mà ông Nguyễn Thanh Nghị có được hôm nay là kết quả của sự may mắn và nỗ lực của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nỗ lực của Nguyễn Thanh Nghị chưa đủ làm nên số phận cho chính ông. Cho tới thời điểm này, ông Nghị vẫn đang cậy vào “tía”.
Ông Nguyễn Văn Nên là nhân sự được Nguyễn Phú Trọng nuôi nấng và nâng đỡ. Tuy ông Nên rất khôn khéo trong quan hệ với các thế lực, đặc biệt là không đối đầu với thế lực Hưng Yên và nhà Ba Dũng, tuy nhiên, vì không thuộc hệ sinh thái quyền lực nên việc Tô Lâm để ông Nên tự do phát triển cũng là mối nguy tiềm ẩn.
Ông Nguyễn Văn Nên xem như đã bị đưa ra khỏi Bộ Chính Trị, tuy nhiên, đó chỉ là quyết định trên giấy. Trên lý thuyết, ông Nên vẫn phải ngồi ghế Bí thư Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh đến đầu năm 2026.
Chính sách “khắc nhập” của Tô Lâm đang bị “ép tiến độ”. Dự kiến là đầu Tháng 7, các đơn vị hành chính mới sẽ hình thành và danh sách lãnh đạo chủ chốt của 34 tỉnh thành đang chuẩn bị. Sau khi sáp nhập, Sài Gòn sẽ nuốt Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là đơn vị hành chính có quy mô kinh tế lớn nhất trong 34 đơn vị hành chính mới trên cả nước. Nguồn tin nội bộ cho biết, Ba Dũng đang rất nóng lòng muốn Nguyễn Thanh Nghị sẽ là người đầu tiên đứng đầu Thành phố Hồ Chí Minh mới chứ không phải Nguyễn Văn Nên. Như vậy thì điều đó có nghĩa, ông Tô Lâm phải làm cách nào đó cho ông Nguyễn Văn Nên về hưu sớm hơn dự kiến. Để tìm ra lý do thực hiện điều này không phải dễ dàng gì, bởi muốn đẩy một nhân vật có quyền lực như Nguyễn Văn Nên rời khỏi ghế trước thời hạn, cần có lý do chính đáng, bởi Trung ương đâu chỉ có một mình phe Hưng Yên mà còn có rất nhiều người khác trong Trung ương Đảng và trong Bộ Chính trị.
Bứng Nguyễn Văn Nên quả là bài toán đau đầu. Tuy nhiên, các bên có thể thương lượng. Ông Nguyễn Văn Nên nếu chịu rút đi sớm có thể đổi lấy quyền lợi kinh tế nào đấy. Việc ngã giá nhau hậu trường với một người lão luyện trên chính trường như Ba Dũng và Tô Lâm ắt không phải là bất khả thi.
Ngày 17/10/2020, khi đó ông Nguyễn Văn Nên khi đó chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng-Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Nguyễn Phú Trọng muốn Nguyễn Văn Nên vào Bộ Chính trị nên đã đưa ông Nên vào thế ông Nguyễn Thiện Nhân-Ủy viên Bộ Chính trị. Mục đích của ông Trọng là để ông Nên chắc suất vào Bộ Chính trị sau đó. Còn vì sao ông Trọng bứng được Nguyễn Thiện Nhân thì có lẽ chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Ắt phải có giá đền bù thỏa đáng, bởi Nguyễn Thiện Nhân khi đó chưa hết nhiệm kỳ.
Rất có thể bài toán đưa Nguyễn Thanh Nghị-Ủy viên Trung ương Đảng lên thay Nguyễn Văn Nên trước nhiệm kỳ cũng là một kịch bản tương tự ông Nguyễn Văn Nên cách đây 5 năm. Một Ủy viên Trung ương Đảng đá văng Ủy Viên Bộ Chính trị trong lúc chưa hết nhiệm kỳ, ắt hẳn giá “đền bù hợp đồng” không hề rẻ.
Có lẽ nên hiểu trường hợp Nguyễn Văn Nên như trường hợp huấn luyện viên bóng đá, muốn đẩy huấn luyện viên đi trước thời hạn phải đền bù hợp đồng. Có điều, trong chính trị họ đền bù bằng thỏa thuận sau hậu trường.
Thái Hà-Thoibao.de