Một quy định cho thấy, Chính và Tổng đang muốn đóng cửa chiến nhau đến xanh cỏ?

Ngày 15/11/2018, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Trong đó, sức khỏe lãnh đạo được liệt vào loại này.

Đáng lẽ, sức khỏe của lãnh đạo phải được công khai, bởi người dân cần được biết, người có trách nhiệm gánh vác việc “quốc gia đại sự” có đủ sức khỏe, đảm bảo cho công việc hay không. Bởi những quyết định của họ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, và ảnh hưởng đến quyền lợi đất nước.

Đảng vẫn hô hào rằng, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân”, thì chẳng lẽ, nhân dân lại không được quyền biết về tình trạng sức khoẻ của “đầy tớ” hay sao? Tại sao Đảng lại muốn giấu giếm?

Thật ra, từ trước đến nay, Đảng vẫn luôn che dấu tình trạng sức khỏe của lãnh đạo, cho đến khi không thể dấu được nữa. Ví dụ như trường hợp các ông Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang.

Tuy nhiên, bức vách vẫn luôn lọt gió. Không phải dân có tài phép gì, mà vấn đề sức khoẻ của lãnh đạo Đảng, cũng như nhiều vấn đề khác, thường được chính những “đồng chí” trong Đảng tung ra, nhằm mục đích nào đó của họ. Có thể họ muốn tung cú bồi hạ gục đối thủ; cũng có thể họ muốn tố cáo kẻ đã ra tay hạ độc thủ “đồng chí” mình; cũng có thể chỉ vì vấn đề tâm lý, muốn chia sẻ bí mật.

Năm 2022, khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vắng mặt để đi trị bệnh, thì tin tức cũng lọt ra, và người dân cũng biết. Theo tin rò rỉ hiện nay, Tổng Bí thư thường xuyên nằm tại Bệnh viện Quân y 108, để được các bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Những thông tin như thế này, nếu không phải do người trong cuộc nói ra, thì ai có thể biết?

Ngày 22/5 vừa qua, ông Trần Hồng Hà – Phó Thủ tướng Chính phủ, đã ký Quyết định số 440/QĐ-TTg, ban hành Danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực y tế. Theo đó, danh mục bí mật nhà nước độ tối mật gồm: Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại liệt thông tin sức khỏe của lãnh đạo vào diện tối mật? Phải chăng, Đảng đang chuẩn bị cho điều gì?

Kẻ tham nhũng thì rất sợ minh bạch. Càng thiếu minh bạch, quan chức càng mạnh tay đòi tiền hối lộ. Đó điều tất yếu. Tương tự như vậy, khi nhân dân biết về sức khỏe của lãnh đạo, thì các đồng chí ngại ra tay với nhau. Cho nên, khi thông tin về tình hình sức khỏe lãnh đạo càng bí mật, thì các đồng chí mới càng dễ dàng ra tay triệt hạ lẫn nhau. Bởi lúc đó, tội ác được che giấu kỹ hơn. Vậy phải chăng, bằng Quyết định số 440/QĐ-TTg, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Phạm Minh Chính muốn đóng cửa Bộ Chính trị, để các “đồng chí” tuỳ ý thuốc nhau, mà không sợ dân biết?

Chính trường hiện nay đang hỗn loạn, vì các phe phái triệt hạ nhau để tranh giành quyền lực. Dùng hồ sơ đen hạ đối thủ như Tô Lâm đã làm với Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ, không phải ai cũng có thể dùng được. Phải nắm trong tay bộ máy điều tra khổng lồ, mới thực hiện được theo cách này. Nếu không nắm cơ quan điều tra, thì chỉ còn một cách khác để hạ đối thủ – đó là thuốc nhau. Mà khi đưa thông tin về sức khỏe của các uỷ viên Bộ Chính trị vào diện tối mật, thì lại càng mạnh tay giăng bẫy đối thủ mà không lo bị vạch trần.

Cuộc chiến quyền lực vẫn chưa ngã ngũ, bởi vẫn chưa công bố người kế nhiệm Tổng Bí thư. Nguyễn Phú Trọng đang muốn bám ghế sang nhiệm kỳ thứ 4; Phạm Minh Chính chưa thỏa mãn với chức Thủ tướng; còn Tô Lâm thì vẫn chưa mất hết hoàn toàn ảnh hưởng ở Bộ Công an…

Tô Lâm dù bị tước binh quyền, nhưng không thể xem ông là kẻ vô hại. Con hổ dù bị nhổ nanh thì vẫn là hổ, tương tự như Trần Đại Quang trước đây.

Biết đâu, Quyết định số 440/QĐ-TTg là bước chuẩn bị về mặt pháp lý, cho những kẻ đang thắng thế xử lý Tô Lâm thì sao?

Ở đất nước này, mỗi quy định mới thường xuất phát từ một toan tính nào đó, có thể là âm mưu chính trị, hoặc có thể là lợi ích nhóm. Như Quyết định số 440/QĐ-TTg, liệt thông tin sức khoẻ lãnh đạo vào diện tối mật, hoàn toàn không phải vì lợi ích của người dân, mà chỉ vì lợi ích của nhóm chính trị nào đấy ở Trung ương.

 

Trần Chương – Thoibao.de