“Lò ông Trọng” tiếp tục nóng với vụ bắt giữ ông Mai Tiến Dũng

Ngày 4/5, BBC Tiếng Việt có bài “Bắt ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ”.

Theo đó, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/5, Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, vào ngày 30/4.

BBC nhận xét, vụ bắt giữ ông Mai Tiến Dũng cho thấy, chiến dịch “đốt lò” tiếp tục nóng lên.

Việc khởi tố, bắt giữ cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng là diễn biến mới nhất của vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương, liên quan Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, của đại gia Nguyễn Cao Trí, BBC cho biết.

Vụ án này đã đưa một loạt quan chức, cán bộ tỉnh Lâm Đồng vào vòng lao lý, trong đó có ông Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, với tội danh “Nhận hối lộ”; và ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

BBC đánh giá, đây được coi là một vụ án chấn động trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Trọng.

Dự án Đại Ninh có tổng vốn đầu tư là 25.243 tỉ đồng, diện tích đất sử dụng gần 3.600 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan của huyện Đức Trọng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để mất trên 368 ha, trong đó bị phá mất 257 ha, và người dân lấn chiếm 111 ha.

BBC nhắc lại, ngày 15/1/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Cao Trí, chủ đầu tư dự án Đại Ninh, do đã chiếm đoạt của bà Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

Giờ đây, đến lượt ông Mai Tiến Dũng bị bắt.

Theo BBC, ông Mai Tiến Dũng sinh năm 1959, quê quán tại xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, có học vị tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật, trình độ cao cấp lý luận chính trị, bằng C tiếng Anh. Ông là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nghỉ hưu đầu năm 2021.

BBC cho biết, ông Mai Tiến Dũng từng 2 lần bị kỷ luật. Tháng 1/2023, ông bị Ban Bí thư Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, do vi phạm liên quan “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch Covid-19. Tháng 3/2023, ông tiếp tục bị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo.

BBC nhắc lại phát ngôn “nổi tiếng” của ông Mai Tiến Dũng, rằng: “Nếu chính quyền sai thì nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, khi nói về vụ tranh chấp đất đai tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, vào năm 2017.

BBC đặt vấn đề: “Đốt lò” đến bao giờ? Sau khi chiến dịch này đã khiến 5 nhân vật thuộc Bộ Chính trị ngã ngựa, và hàng trăm ngàn cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, nhiều người bị xử lý hình sự.

Hiệu ứng của chiến dịch này dẫn đến khoảng 60.000 công viên chức từ chức trong giai đoạn 2021 – 2023.

Tuy nhiên, vẫn theo BBC, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, cách chống tham nhũng này không giải quyết được căn cơ vấn đề mang tính đặc thù của thể chế.

BBC dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam, chỉ ra rằng, Việt Nam cần phải trở thành một nhà nước pháp quyền, nơi điều tra, công tố và tòa án hoạt động động lập với nhau và theo luật, chứ không theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần các cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước.

Việt Nam hiện hiện không có yếu tố nào trong số những yếu tố kể trên “thì làm sao chống được tham nhũng”, ông Nguyễn Quang A nói.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023