Thủng mốc 4 USD, “vua đổ đèo” VinFast với “mục tiêu” thủng đáy 3 USD?

Tại giờ đóng cửa ngày 12/4, giá cổ phiếu VFS của VinFast là 3,6 USD. Trước đó, ngày 10/4, có thời điểm, cổ phiếu này đã thủng mốc 4 USD rồi sau đó bật lên lại trên giá trị này. Đây là tín hiệu cho thấy, cổ phiếu này sẽ ở dưới 4 USD một cách “bền vững”. Và sắp tới, cổ phiếu này có thể lập kỷ luật buồn là thủng mốc 3 USD.

Cổ phiếu VFS lao dốc từ tháng 10 năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng đã tìm mọi cách để vực dậy. Ngày 20/10/2023 – VinFast công bố ký kết thỏa thuận với quỹ YA II PN (Yorkville), về việc mua cổ phiếu VFS. Theo đó, VinFast có quyền phát hành lên tới 1 tỷ USD cổ phiếu phổ thông VFS cho Yorkville, vào bất kỳ thời điểm nào theo các điều kiện và điều khoản của thỏa thuận. Đây là chiêu kích cầu cho VFS.

Thế nhưng, đã 6 tháng trôi qua mà giá của cổ phiếu VFS vẫn cứ “đổ đèo”, không hề có dấu hiệu quay đầu. Không biết, quỹ YA II PN có còn muốn đổ ra một tỷ đô la để hốt cổ phiếu đang biến thành “rác” hay không?

VinFast đã lên một kế hoạch hoàn hảo: Lập công ty đại chúng, lên sàn Nasdaq với mục đích quảng bá VinFast “miễn phí” ra thế giới, đồng thời huy động vốn tại thị trường vốn lớn nhất thế giới, để xây nhà máy, để vận hành hệ thống phân phối.

Trong “chiến lược như mơ” này, ông Vượng muốn lấy vốn huy động tại Mỹ để nuôi bộ máy của Công ty tại Mỹ, rồi từ đó phát triển cả thương hiệu lẫn quy mô doanh nghiệp. Kế hoạch này bám hoàn toàn vào người Mỹ, nếu người Mỹ từ chối thương hiệu VinFast, thì tất cả đều chỉ là ảo tưởng.

Muốn huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ, thì ít nhất, doanh nghiệp phải cho nhà đầu tư thấy được triển vọng phát triển của doanh nghiệp. Có thể hôm nay doanh nghiệp chưa có lãi, nhưng với một chiến lược nghiêm túc, sản phẩm tốt được thị trường chào đón, thì nhà đầu tư mới chịu xuống tiền.

Tuy nhiên, điều bất lợi cho VinFast là tất cả các kênh review xe đã chê xe VinFast thậm tệ. Đây là đòn đánh chí tử vào thương hiệu VinFast của ông Phạm Nhật Vượng, và đến nay, VinFast mới ngấm đòn.

Tại Việt Nam, mọi lỗi của VinFast đều được “vá” bằng Công an và Tuyên giáo. Nhưng xe VinFast không thể tốt hơn lên với cách “vá” như thế. Khi nhập khẩu vào Mỹ, thì những công cụ “vá lỗi” đấy không còn nữa, lúc đó, xe VinFast bộc lộ hết những khiếm khuyết, trong khi đó, giá bán lại rất cao, ở mức tương đương với chiếc Tesla cùng phân khúc.

Lẽ ra, ông Vượng nên tiếp thu ý kiến khách hàng ở Việt Nam, và từ đó đầu tư để khắc phục lỗi, hoàn thiện sản phẩm. Khi khách hàng ở Việt Nam chấp nhận được sản phẩm, thì lúc đó mới tính đến chuyện đưa sản phẩm ra nước ngoài. Bởi hầu hết các thị trường nước ngoài đều khó tính hơn thị trường Việt Nam. Thế nhưng, ông Vượng lại xem những lời góp ý ấy là “nói xấu” VinFast, và xua công an vào cuộc.

Kết quả là, ông Vượng đã thắng khách hàng của mình trên quê hương, để rồi đại bại ở thị trường quốc tế.

Không biết tình hình bi đát của VinFast tại Mỹ có vang sang Thái Lan hay không, mà tại cuộc triển lãm Motor Show Bangkok vừa qua, có tới hơn 53.000 ô tô được chốt đơn, nhưng không có đơn hàng nào cho VinFast. Đây là bước đầu mà VinFast đặt chân lên đất Thái, nhưng đã gặp ngay cản lực không nhỏ. Xem ra, tại thị trường Đông Nam Á, VinFast cũng không dễ phát triển.

Muốn tốt lên thì mọi sai lầm đều cần phải sửa từ gốc, chứ không thể che đậy kiểu Cộng sản. Ông Vượng đã dùng quyền lực của mình để “sửa lỗi” xe, theo cách mà Cộng sản đã dùng, thì chắc chắn, VinFast sẽ bị tẩy chay ở mọi thị trường khác, chứ không riêng gì Việt Nam.

Tại Việt Nam vẫn luôn có một lượng người nhận thức sai lầm về thứ “lòng yêu nước” được tuyên truyền, rồi mua xe của VinFast. Còn ở nước ngoài, thì chẳng còn “lòng yêu nước” nào để làm động lưc mà mua VinFast nữa. Và đây cũng là điềm báo cho thất bại nhãn tiền ở thị trường Ấn Độ, nếu ông Vượng không sửa từ gốc.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023