Vì sao Tô Đại có tham vọng “Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước” theo mô hình của họ Tập?

 

Đúng như các đồn đoán trước đây, ông Võ Văn Thưởng đã bị buộc phải từ chức Chủ tịch nước, chỉ sau hơn 13 tháng nắm quyền – một điều hết sức bất thường.

Báo Dân Trí ngày 20/3 đưa tin, “Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước”. Bản tin cho biết, Ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp về việc cho thôi giữ các chức vụ và nghỉ công tác, đối với ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch nước.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Thưởng đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, và phải chịu trách nhiệm người đứng đầu, theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xét nguyện vọng cá nhân và những vi phạm của ông Thưởng, Trung ương đồng ý để ông thôi giữ tất cả các chức vụ.

Theo giới phân tích, có đến 2 Chủ tịch nước bị phế truất trong hơn một năm, đồng thời tổn thất đến 4/18 uỷ viên Bộ Chính trị, 20/200 uỷ viên Trung ương Đảng, khi nhiệm kỳ khoá 13 của Đảng mới đi được 3/5 thời gian. Điều đó cho thấy, chất lượng công tác cán bộ của người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng, rất có vấn đề.

Những lý do khiến ông Võ Văn Thưởng bị cho thôi chức, lần đầu tiên được xác nhận một cách chính thức. Trong bài phân tích của tác giả Lê Hồng Hiệp, đăng trên trang Fulcrum, với tiêu đề, “Hai Chủ tịch nước bị phế truất trong một năm: Triển vọng chính trị nào cho Việt Nam?”. Theo đó:

“Ông Thưởng được cho là có dính líu đến vụ bê bối hối lộ, liên quan đến nhà phát triển bất động sản địa phương Phúc Sơn, hiện đang bị truy tố về các tội tham nhũng khác nhau. Các nguồn tin không chính thức nhưng đáng tin cậy cho biết, trong thời gian ông còn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011 – 2014), một người thân của ông Thưởng đã nhận 60 tỷ đồng (2,4 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) từ Phúc Sơn, được cho là [đã hối lộ] cho Thưởng để xây dựng nhà thờ tổ của mình”. Điều này hoàn toàn phù hợp với những đồn đoán trước đó.

Vẫn theo ông Lê Hồng Hiệp, sự ra đi của ông Thưởng sẽ gây ra mối lo ngại cho các nhà đầu tư. Và, vấn đề sức khoẻ của Tổng Trọng cùng với nhân sự kế nhiệm chưa được lựa chọn, “có thể sẽ làm gia tăng đấu đá chính trị nội bộ trong Đại hội Đảng toàn quốc kế tiếp vào đầu năm 2026”. Quan trọng hơn, điều này càng gia tăng sự e ngại của các nhà đầu tư.

Theo giới phân tích, việc ai sẽ ngồi vào chiếc “ghế nóng” Chủ tịch nước mà ông Thưởng để lại, có ý nghĩa lớn, đặc biệt trong cuộc đua giành ghế Tổng Bí thư thay thế cho ông Trọng đang diễn ra rất quyết liệt hiện nay. Các ứng cử viên đủ điều kiện để thay thế ông Thưởng gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ Trưởng Tô Lâm và bà Trương Thị Mai được cho là những ứng viên có đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chưa có tiền lệ phụ nữ giữ chức Chủ tịch nước, và điều này có thể trở thành trở ngại đối với bà Mai. Hơn nữa, bà Mai cũng dính đến những cáo buộc liên quan tham nhũng xảy ra ở tỉnh Lâm Đồng.

Fabooker Hoàng Dũng đã đặt câu hỏi trên trang Facebook cá nhân, rằng: “Liệu Bí thư Lâm Đồng Trần Đức Quận có khai với anh Tô Lâm chuyện xây nhà, mua nhà cho Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai không?”

Do vậy, khả năng cao là ông Tô Lâm sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước, điều này cho phép ông tìm kiếm một xuất “ngoại lệ”, khi ông đã quá tuổi để ở lại Đại hội 14. Dù rằng, ghế Bộ trưởng Bộ Công an hiện tại của Tô Lâm là chiếc ghế “siêu quyền lực”.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là, ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Công an thay cho Tô Lâm? Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, hay Phan Đình Trạc sẽ là nút thắt của vấn đề.

Nguồn thạo tin từ Hà Nội tiết lộ cho thoibao.de biết, hiện nay, Tô Lâm không còn dấu diếm tham vọng trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, theo mô hình chính trị của Trung Quốc như Tập Cận Bình. Điều này, năm 2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã áp dụng.

Xin nhắc lại, Bộ trưởng Công an Tô Lâm có mối quan hệ đặc biệt và được Ban lãnh đạo Bắc Kinh hết sức ủng hộ. Tới đây, nếu ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thì chính trị Việt Nam sẽ bị cột chặt vào Trung Quốc, và tương lai Việt Nam sẽ ra sao thì ai cũng rõ./.

Vì sao Tô Đại có tham vọng “Tổng BT kiêm CT Nước” theo mô hình của họ Tập?

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023