Việt Nam áp thuế mới, lợi bất cập hại

Doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo dừng đầu tư tại Việt Nam nếu không được bù khoản thuế mới

Ngày 7/3, VOA Tiếng Việt dẫn nguồn từ một hãng tin quốc tế cho hay, “Doanh nghiệp nước ngoài cảnh báo dừng đầu tư tại Việt Nam nếu không được bù khoản thuế mới”.

Theo đó, các công ty đa quốc gia lớn của nước ngoài cho biết, họ có thể dừng các kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam, trong trường hợp không có trợ cấp để giúp bù đắp chi phí của khoản thuế bổ sung mới.

VOA nhận xét, Việt Nam được xem là một trong những nơi hưởng lợi nhiều nhất từ tình trạng các công ty chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc, nhằm giảm thiểu tác động của căng thẳng Trung – Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc tăng thuế cùng với các vấn đề về cung cấp điện, các rào cản pháp lý và tăng lương, có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

VOA cho biết, năm nay, Việt Nam đã áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn, một sáng kiến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế chủ trì. Theo đó, các biện pháp khuyến khích giảm thuế suất xuống chỉ còn 5% sẽ không còn nữa, có nghĩa là, một số công ty đa quốc gia sẽ phải nộp thuế bổ sung, để đáp ứng mức thuế suất 15%.

Hãng tin quốc tế cho hay, một số công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam tôn trọng các cam kết về mức thuế thấp mà họ đã đưa ra để thu hút đầu tư, đồng thời nói thêm rằng, đầu tư mới sẽ khó khăn nếu không có biện pháp bù đắp khoản thuế bổ sung.

VOA cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết trợ cấp mới trong nửa đầu năm ngoái, nhưng lại chậm đưa ra bất kỳ khoản trợ cấp nào.

Vào tháng 12/2023, Việt Nam ban hành dự thảo nghị định, nêu rõ các khoản trợ cấp và các điều kiện mới để được trợ cấp, chẳng hạn như được phân loại là công ty công nghệ cao. Nhưng nhiều khía cạnh quan trọng vẫn chưa được xác định, chẳng hạn như quy mô của quỹ trợ cấp mới, và không có thời gian biểu rõ ràng để phê duyệt các phương thức này.

Theo hãng tin quốc tế, đại diện của các công ty đa quốc gia hôm thứ Ba (5/3) đã nêu lên mối lo ngại với các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về quy mô, phạm vi và khả năng tiếp cận các ưu đãi theo kế hoạch.

Một đại diện của Tập đoàn Lego, Công ty đang đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, đã đặt câu hỏi, liệu các công ty không được xếp vào loại công nghệ cao như Lego, có đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào được nêu trong dự thảo nghị định hay không. Các quan chức Việt Nam trả lời là không.

Người đại diện của công ty Amkor Technology của Hoa Kỳ, công ty đang xây dựng một nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD tại Việt Nam để lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn, cho biết họ đã phải vật lộn để được phân loại là một công ty công nghệ cao.

Theo VOA, thông qua thuế bổ sung, Chính phủ Việt Nam ước tính, doanh thu thuế bổ sung hàng năm là 14,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 591 triệu USD) từ 122 công ty nước ngoài, và cho biết, họ có ý định sử dụng số tiền thu được này để cung cấp tiền mặt cho các công ty đầu tư.

Tuy nhiên, các quan chức Việt Nam nói rằng, khoản trợ cấp mới sẽ không được bù trực tiếp cho gánh nặng thuế gia tăng, theo quy định của sáng kiến Thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, mối liên hệ trực tiếp sẽ vi phạm thỏa thuận quốc tế đằng sau sáng kiến này, và có thể dẫn đến việc chuyển doanh thu bổ sung sang nước sở tại của các công ty đa quốc gia, mặc dù các biện pháp thực thi hiện vẫn chưa rõ ràng.

Đối với một số công ty, các khoản trợ cấp mới có thể chi trả một phần lớn, nếu không phải là tất cả, chi phí thuế bổ sung, các chuyên gia am tường các cuộc thảo luận về vấn đề trợ cấp cho biết.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023