Tô Đại bắt người mẫu Ngọc Trinh ngồi oan 3 tháng ai là người trả nợ?

Phiên tòa xét xử người mẫu Ngọc Trinh là tâm điểm của dư luận của ngày 2/2.

Truyền thông nhà nước đã công bố từ trước, theo dự kiến, ngày 2/2, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa Trần Thị Ngọc Trinh (tức người mẫu Ngọc Trinh) ra xét xử sơ thẩm.

Trước phiên xử, trên mạng xã hội, đa số hy vọng, phiên tòa sẽ xét xử vụ án đúng với diễn biến của sự việc, không tuyên án quá nặng tay, để người mẫu Ngọc Trinh được về nhà đón Tết cùng gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, “với lỗi của Ngọc Trinh, bị giam hơn ba tháng qua cũng đã quá đủ, để Ngọc Trinh rút ra một bài học nhớ đời”.

Đầu giờ chiều ngày 2/2, báo Tuổi Trẻ đưa tin “Tuyên phạt Ngọc Trinh 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo”.

Bản tin cho biết, Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh, 35 tuổi, 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “gây rối trật tự công cộng”. Được biết, trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án cho Ngọc Trinh từ 6 – 9 tháng tù.

Việc người mẫu Ngọc Trinh bị án tù treo 1 năm vì hành vi “gây rối trật tự công cộng”, được một số người đánh giá là phù hợp và đáp ứng mong muốn của dư luận.

Khi Ngọc Trinh bị khởi tố và bắt giam, giới chuyên gia cho rằng, việc xử lý để răn đe là điều cần thiết, nhưng nên dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, bằng tiền hay lao động công ích v.v… là đủ.

Theo quy định của pháp luật, thời gian tạm giam của các bị can, bị cáo, sẽ được trừ vào thời gian thi hành án. Đó là lý do, giới chuyên gia cho rằng, quyết định bắt tạm giam đối với người mẫu Ngọc Trinh của Công an thành phố Hồ Chí Minh, là sử dụng biện pháp ngăn chặn quá mức, là điều không cần thiết và có biểu hiện lạm quyền.

Trên mạng xã hội thời điểm đó, có nhiều người thắc mắc, vì sao, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ngọc Trinh lại bị truy tố ở khung hình phạt có thể cao nhất đến 7 năm tù, nhẹ nhất cũng là 2 năm tù? Người ta so sánh với trường hợp của cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, cựu Chủ tịch Hà Nội – ông Chu Ngọc Anh – người bị Hội đồng Xét xử trong vụ đại án Việt Á, tuyên phạt bản án 3 năm tù giam. Nghĩa là, mức án của ông cựu Bộ trưởng tương đương với mức án thấp nhất trong khung hình phạt mà Ngọc Trinh bị truy tố.

Nhà báo Khải Đơn trong bài viết “Ngọc Trinh, các bộ trưởng tham nhũng và “tội ác” phơi bày bằng hình ảnh xấu trên báo chí”, đăng trên BBC tiếng Việt, đã nhận xét rằng:

“Ông Chu Ngọc Anh đã phạm tội gì? – Ông làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ. Ông biết đề tài nghiên cứu kit test là sở hữu nhà nước, nhưng rất nhanh chóng đã ký các quyết định giao Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu với Học viện Quân y.

Trong phiên tòa, ông Chu Ngọc Anh nói, ông vô ý nhận chiếc va li đựng 200.000 USD từ Công ty Việt Á về, và “quên mất”, nay bị bắt thì đem trả lại 4 tỷ đồng. Có lẽ vì ông “quên” và kịp trả lại tiền, ông chỉ nhận 3 năm tù giam, cực kỳ nhẹ so với những gì ông đã gây ra.”

Công luận cho rằng, ai cũng biết, bị cáo Chu Ngọc Anh đã bị truy tố về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ngoài ra, bị cáo Chu Ngọc Anh bị Bộ Công an khởi tố bị can và khám xét nơi ở, với lý do đã nhận 200.000 USD từ Phan Quốc Việt, ông chủ của Công ty Việt Á, ngay tại phòng làm việc.

Nếu so sánh hành vi phạm tội “đua xe” của người mẫu Ngọc Trinh, với các hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, thì tội nào nặng hơn? Đó là chưa kể tới hành vi nhận hối lộ 200 ngàn Mỹ kim của ông Chu Ngọc Anh.

Công luận đặt câu hỏi: “Hành vi nào nguy hiểm hơn? Và tại sao lại có mức án gần bằng nhau?”

Theo quy định của luật pháp Việt Nam hiện hành, hành vi nhận 200.000 Mỹ kim, tưởng đương với gần 5 tỷ VND, sẽ phải nhận bản án từ 20 năm tù đến chung thân.

Rõ ràng, những so sánh trong việc truy tố, bắt giam Ngọc Trinh, với hành vi phạm tội của ông Chu Ngọc Anh, đã cho thấy, có sự áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp Việt Nam.

Xin nhắc lại, nếu áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong điều tra, xét xử các vụ án, có nghĩa là, “hai vụ việc giống nhau được xử lý bằng các tiêu chuẩn khác nhau”.

Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 sửa đổi, đã hiến định rõ ràng: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”

Đồng thời, luật pháp Việt Nam luôn khẳng định, con người sinh ra có thể khác nhau về nhiều mặt, kể cả địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc chịu trách nhiệm pháp lý.

Vụ án của người mẫu Ngọc Trinh là một trong muôn vàn những bản án bất công, ở một quốc gia có nền tư pháp thiếu vắng công lý, nổi tiếng với những bản án bỏ túi, như ở Việt Nam./.

Trà My – Thoibao.de

2.2.2024

Kasse animation 7.8.2023