Vì sao cựu Điều tra viên Hoàng Văn Hưng bất ngờ nhận tội, nộp lại 18,8 tỉ lừa chạy án?

Theo dự kiến ban đầu, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án chuyến bay giải cứu, sẽ diễn ra ngày 20/12. Nhưng ngày 13/12, truyền thông nhà nước đưa tin, Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã ra thông báo, dời ngày xét kháng cáo của 21 người trong vụ án chuyến bay giải cứu, từ 20/12 sang 25/12, vì “các lý do khách quan”.

Phiên xét xử phúc thẩm 21 bị án dự kiến kéo dài trong 4 ngày, có khoảng 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa. Trong số 21 người kháng cáo, có 2 bị cáo kêu oan là Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng 5, nguyên Điều tra viên chính giai đoạn đầu của vụ “chuyên án chuyến bay giải cứu”, thuộc Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an – đã bị án sơ thẩm phạt tù chung thân; và bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa), bị án sơ thẩm 18 năm tù.

19 người còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, và 33 người không kháng cáo, các cựu quan chức này đều bị kết tội “Nhận hối lộ”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như trong suốt quá trình điều tra, theo Hội đồng xét xử, Hoàng Văn Hưng luôn khai không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc. Tại tòa, Hoàng Văn Hưng – với kinh nghiệm trong nghiệp vụ điều tra – đã nhiều lần đề nghị cũng như thách thức cơ quan tố tụng. Hưng yêu cầu cơ quan tố tụng đưa ra chứng cứ, chứng minh việc Hưng nhận tiền từ Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, để chạy án cho 2 vợ chồng Tổng Giám đốc và Phó tổng Giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh.

Vì lẽ đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã bị Hội đồng Xét xử cáo buộc là “ngoan cố”, không thành khẩn khai báo, nên đã bị tuyên phạt với mức án chung thân, vượt mức mà Viện Kiểm sát đề nghị. Trước đó, Viện Kiểm sát cho rằng, Hưng không thành khẩn khai báo, không chịu trả lại số tiền hưởng lợi bất chính, nên đề nghị mức án từ 19 – 20 năm tù.

Xin nhắc lại, vào chiều 21/7, trong phần lời nói sau cùng, trước khi tòa chuyển sang phần nghị án, bị cáo Hoàng Văn Hưng vẫn khẳng định mình vô tội, và còn nói rằng, “tin tưởng Hội đồng Xét xử sẽ có phân tích thấu đáo, khách quan, để đưa ra phán quyết chính xác nhất, đúng quy định pháp luật nhất cho bị cáo”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng nhiều lần khẳng định, bản thân bị cáo chỉ nhận chiếc cặp đựng bốn chai rượu, chứ hoàn toàn không có tiền nong gì trong đó. Đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát đưa chứng cứ trong cặp có chứa 450.000 đô la như kết luận của Hội đồng Xét xử. Chưa hết, bị cáo Hưng còn đề nghị khởi tố bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, tội vu khống. Bị cáo Hưng còn cho rằng, Viện Kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố đối với ông ta khi không có chứng cứ, và bản thân ông không có bất cứ lời khai nào.

Trong khi đó, Viện Kiểm sát kiên quyết cho rằng, cơ quan công tố đã đủ căn cứ để xác định bị cáo Hưng phạm tội, nhưng không thành khẩn khai báo, không chịu trả lại số tiền hưởng lợi bất chính, và đề nghị mức án từ 19 đến 20 năm tù.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam nhận định rằng, ở Việt Nam, hiện có rất nhiều người bị kết tội, phải chịu tù đày, dù chứng cứ phạm tội không có, hoặc rất yếu, không đủ sức thuyết phục.

Đó là lý do, sau phiên xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, công luận và giới luật gia đã đặt câu hỏi, “Kịch bản nào khi Hội đồng Xét xử không có đầy đủ chứng cứ để kết tội cựu Điều tra viên Hoàng Văn Hưng?”

Bất ngờ, báo Tuổi Trẻ ngày 23/12 đưa tin, “Cựu Điều tra viên Hoàng Văn Hưng bất ngờ nhận tội, nộp lại 18,8 tỉ lừa chạy án”.

Theo đó, ngày 23/12, Luật sư của bị cáo Hoàng Văn Hưng cho biết, bị cáo Hưng vừa có đơn gửi tòa xin nhận tội, đồng thời đã tác động, nhờ người thân, bạn bè nộp thay 18,8 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời, bị cáo Hoàng Văn Hưng cũng có đơn xin được xét xử vắng mặt.

Theo giới quan sát, đây là diễn biến bất ngờ. Điều đó cũng có nghĩa là, các bên liên quan đã đạt được thỏa thuận có lợi nhất cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, đồng thời cũng là cứu vãn danh dự, uy tín cho cơ quan tư pháp và ngành công an.

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhiều lần tham gia bào chữa trong các vụ án xét xử những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đã đánh giá, trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng là một thách thức thú vị đối với hoạt động pháp đình Việt Nam hiện nay.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, “Với niềm tin nội tâm, tôi khó nghĩ rằng, ông Hoàng Văn Hưng vô tội. Thế nhưng, pháp đình không thể xét xử, buộc tội một người, với niềm tin nội tâm, mà phải có bằng chứng cứ rõ ràng, xác đáng, được thu thập hợp pháp. Nếu phải suy đoán, thì chỉ có một sự suy đoán được luật pháp chấp nhận, là suy đoán vô tội.”

Xin nhắc lại, theo giới chuyên gia nhận định, quan niệm chung của luật pháp thế giới là thà để lọt tội phạm còn hơn bắt nhầm, bắt oan; cần phải có chứng cứ rõ ràng mới được phép kết tội. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, tức là, họ sẵn sàng “bắt lầm còn hơn bỏ sót và trọng cung hơn trọng chứng”./.

Trà My – Thoibao.de

24.12.2023

Kasse animation 7.8.2023