“Nghệ sĩ Nhân dân”, một danh hiệu… thối nhưng khối người mua?

Gần đây, mạng xã hội truyền nhau một status của nghệ sĩ Xuân Hinh từ một năm trước, với nội dung như sau:

“Thôi từ nay cháu đừng nhắc cái danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đó nữa cháu nhé. Bởi vì lần đầu tiên bác nộp hồ sơ để xét thì được ngay. Xong có một thằng nó đến nó bảo bác là có một cái thư nặc danh, chắc là nó bịa ra thôi, anh chạy một chút đi cho xong chuyện. Bác bảo, bác chỉ chạy chức bộ trưởng thôi, chứ chạy danh hão làm gì. Thế là nó về nó họp lại, bỏ phiếu lại, bác bị đưa xuống vì thiếu một phiếu.”

“Cháu ạ, cái hội đồng đó nó là cái hội đồng chuột. Hội đồng của một nhóm mua bán và bỏ phiếu cho nhau, chứ nhân dân nào công nhận. Bởi vì nó xét bác được rồi nó lại đưa xuống. Hội đồng đó như một kiến trúc sư thuê kết cấu về xây một cái ngôi nhà, một cái bàn thờ rất đẹp, xong có một con mẹ đồng nát đi qua góp ý, thế là nó về nó đập cả bàn thờ nhà nó, để nó xây cái khác.

Nói cho cùng, bác đẻ ra chúng nó, ba cái đầu nghệ thuật nó trình gì mà xét bác. Bây giờ thì chợ chiều cá ươn rồi, trời làm một trận lăng nhăng, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông. Thôi con đừng nhắc đến cái đó với bác nữa nhé.”

Status này đăng đã lâu, tuy nhiên vấn đề thì còn mãi. Cái gọi là “Nghệ sĩ Nhân dân” là được mua bán, chứ chẳng phải là danh hiệu cao quý gì cả. Chẳng có nhân dân nào bầu chọn. Người có lòng tự trọng, không ai lại cần nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân theo cách như thế. Ngày nay, chức danh này chỉ dành cho những kẻ háo danh.

Theo quy định của Chính phủ, nghệ sĩ nào muốn được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, trước hết phải là Nghệ sĩ Ưu tú, và phải đạt một trong các điều kiện: có ít nhất hai giải vàng cấp quốc gia (trong đó có một giải vàng là của cá nhân); có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc. Nếu thiếu giải thưởng theo quy định, nhưng được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sau khi đã hội đủ các điều kiện trên, người nghệ sĩ này cần nộp hồ sơ đăng ký xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong hồ sơ thì phải có bảng kê khai thành tích. Nói chung là, muốn được danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, thì phải xin. Và điều này khiến vấn đề trở nên “bốc mùi”.

Việc bắt người muốn có danh hiệu thì phải xin, là cách mà chính quyền Cộng sản chọn lọc ra, ai là người háo danh. Và khi người háo danh muốn mua danh, thì đấy là “cầu” thực sự. Lúc đó, nhóm xét duyệt danh hiệu sẽ ra giá, bởi chỉ có những kẻ háo danh mới chịu chi tiền cho những thứ danh hão ấy. Những người có lòng tự trọng, như nghệ sĩ Xuân Hinh, thì họ thà không có danh hiệu còn hơn. Cầm tấm bằng phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” nhưng thực chất là phải mua, thì họ cảm thấy nhục nhã.

Đợt phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” vừa qua, có ca sĩ Thanh Lam và diễn viên hài Xuân Bắc. Việc giọng ca Thanh Lam có được nhân dân yêu mến hay không, thì là điều còn phải xem xét lại. Bởi báo chí lăng xê cô ca sĩ này là một Diva, tuy nhiên, không phải ai cũng thừa nhận tài năng của cô này.

Còn nghệ sĩ hài Xuân Bắc, ông này từng chửi khán giả là “ăn cháo đá bát”, khi bị chê chương trình Táo Quân, trong đó, ông Bắc có tham gia đóng một vai diễn trong nhiều năm qua.

Chắc chắn, không nhân dân nào lại đi bầu chọn danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho người chửi mình là “ăn cháo đá bát”. Chỉ có nhóm xét duyệt dựa vào tiền, mới phong tặng con người này thành “Nghệ sĩ Nhân dân”.

“Nghệ sĩ nhân dân” chỉ là danh hão. Một thứ danh xưng do chính quyền đặt ra, và họ trao theo tiêu chí của họ, chứ không theo tiêu chí của nhân dân. Cộng sản là kẻ chuyên tiếm danh, trong đó, từ “nhân dân” bị họ lạm dụng nhiều nhất.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023