Chánh án Nguyễn Hòa Bình và chủ trương “Tử hình sạch đám kêu oan, thì sẽ không còn án oan”?

Mạng xã hội vừa đưa tin, ông Lưu Bình Nhưỡng – cựu Đại biểu Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội – vào sáng 27/9 đã tiếp bố mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng tại trụ sở tiếp dân của Quốc hội, ngay sau khi tử tù oan Lê Văn Mạnh bất ngờ bị thi hành án, sau hơn 18 năm nằm xà lim án tử chờ giải oan.

Tương tự như vụ án Hồ Duy Hải, căn cứ vào hồ sơ vụ án, có thể khẳng định, tử tù Lê Văn Mạnh đã bị kết án oan. Lê Văn Mạnh bị kết tội hiếp dâm, giết người, mà không có bất kỳ một chứng cứ trực tiếp nào để kết tội. Công an tỉnh Thanh Hóa đã ép cung, dùng tù hình sự giam chung đánh đập, buộc Mạnh viết thư thú tội gửi cho gia đình. Lá thư ấy là chứng cứ duy nhất để buộc tội và kết án tử hình Mạnh.

Truyền thông nhà nước từng nhiều lần khẳng định: “… sau bốn phiên tòa sơ và phúc thẩm, ngày 23/4/2007, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm, cho rằng “cơ quan điều tra mắc nhiều thiếu sót, mâu thuẫn và chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội giết người, hiếp dâm trẻ em”.

Thực hiện kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ngày 4/6/2007, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên Giám đốc thẩm. Kết quả, Quyết định Giám đốc thẩm đã bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc và vạch ra những sai trái, mâu thuẫn trong Hồ sơ án vụ án của tử tù Lê Văn Mạnh. Và đã quyết định:

 “Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 756/2006/HSPT ngày 26-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 61/2006/HSST ngày 13-3-2006 của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa…”

Thế nhưng, dù bị trả hồ sơ để điều tra lại, Tòa sơ thẩm tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh, trong phiên tòa ngày 29/8/2008.

Rồi qua ba lần xét xử, Tòa án Tối cao vẫn giữ y án tử đối với Mạnh trong phiên xử ngày 25/11/2008.

Được biết, năm 2015, Tòa án Thanh Hóa cũng đã từng ra quyết định thi hành án đối với tử tù Lê Văn Mạnh. Quyết định này đã tạo ra làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ. Nhiều luật sư nổi tiếng đã ký đơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cơ quan liên quan, kiến nghị hoãn thi hành án với tử tù Lê Văn Mạnh, với lý do để “tránh hàm oan người vô tội”. Đồng thời các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng lên tiếng, kêu gọi nhà nước Việt Nam hoãn xử tử Lê Văn Mạnh. Cuối cùng Tòa án Thanh Hóa đã quyết định tạm hoãn thi hành án. Và kể từ đó đến nay, Tòa Tối cao và các cơ quan liên ngành cũng nhiều lần xem xét lại hồ sơ vụ án.

Chiều 13/9/2022, trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án Tối cao năm 2022, Chánh án Nguyễn Hòa Bình có nêu trường hợp kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh ở Thanh Hóa. Theo Chánh án Bình, đây là vụ án phức tạp, vì vậy, Tòa án Tối cao sẽ tiếp tục xác minh để báo cáo lãnh đạo liên ngành theo quy định.

Vậy mà, từ đó đến nay không hề có thông tin nào về kết quả xác minh để báo cáo, như lời Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Đột nhiên, ngày 18/9, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh nhận thông báo của Tòa án Thanh Hóa về việc thi hành án.

Câu hỏi đặt ra, vì sao, ai đã cố tình vội vã giết Lê Văn Mạnh, và giết để làm gì? Chánh án Tòa án Tối cao Nguyễn Hòa Bình có vai trò gì trong vụ “vội vã” thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh?

Luật sư Đặng Đình Mạnh còn đưa ra nhận định rằng: “Tôi đã từng nghe “Tử hình sạch đám kêu oan, thì sẽ không còn án oan nữa!”, cứ nghĩ nó chỉ là một câu đùa quá trớn. Hóa ra, nó là chủ trương của Tòa án Tối cao”.

Trước đó, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn đã trích dẫn từ thông báo của Tòa án Thanh Hóa gửi cho gia đình Lê Văn Mạnh, theo đó “thi hành án đối với Mạnh là thể theo yêu cầu của Vụ I, Tòa án Nhân dân Tối cao tại công văn ngày 11/8/2023”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, “Trong hệ thống thứ bậc của bộ máy quyền lực ở Việt Nam, chúng ta biết rằng, Vụ I không thể gửi công văn này nếu không có sự chỉ đạo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình”.

Nguyễn Hòa Bình từng nổi tiếng vì tổ chức “Hội đồng dao thớt”, với 17 thẩm phán tối cao, Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, với kết luận vô trách nhiệm “y án tử hình”, vì “hồ sơ có vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.

Điều công luận lo lắng là, sự chỉ đạo của Chánh án Bình hôm nay, không chỉ giết riêng tử tù Lê Văn Mạnh, và nếu không ngăn chặn, kẻ thủ ác sẽ tiếp tục giết oan Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và bao nhiêu người khác nữa./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023