Củi thực hiện chiến thuật biển người, Tổng Trọng đầu hàng?

Trong chăn mới biết chăn có rận, có là người Cộng sản tham gia vào các nhóm lợi ích đấu đá lẫn nhau, mới hiểu được mục đích của người Cộng sản. Chính ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn là Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu “kỷ luật hết lấy ai để làm việc”. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Phú Trọng lại cho rằng, không lo thiếu người làm việc, vì vậy mà ông tiếp tục đốt lò mạnh hơn.

Ngành đăng kiểm cạn người làm

Vụ án Cục Đăng kiểm là minh chứng cho lời nói của ông Nguyễn Sinh Hùng. Hiện nay, ngành đăng kiểm khủng hoảng nhân sự nghiêm trọng. Rất nhiều xe xếp hàng trong nhiều ngày, mà không thể nào đăng kiểm được.

Trong khi đó, các vụ án khác như vụ Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu… đã làm cho cả bộ máy nhà nước tê liệt, quan chức không dám làm việc vì sợ sai. Điều này kéo theo nhiều chính sách không thể triển khai, vì xảy ra tình trạng trên bảo dưới không nghe.

Sự thật thì việc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là lấy đi vài hạt cát trong sa mạc mà thôi. Dù muốn hay không, ông Trọng vẫn không thể nào đốt được hết củi. Cho nên, phần còn lại cũng cứ tham nhũng như không có chuyện gì xảy ra. Bởi tham nhũng của thời nay không phải là việc của cá nhân, mà là việc của tổ chức, tổ chức đó là nhóm lợi ích. Trong nhóm lợi ích đấy, người ta bao che cho nhau từ Trung ương đến địa phương.

Vụ án Công ty Thăng Long và Thiếu tướng Phạm Bá Hiền mới đây là hình ảnh về tham nhũng có hệ thống. Ông Phạm Bá Hiền ban đầu thành lập công ty để làm ăn, rồi sau đó liên kết với Bộ Quốc phòng, và cuối cùng sáp nhập doanh nghiệp này vào Bộ Quốc Phòng. Khi đã trở thành một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng, người của Bộ Quốc phòng nếu phạm tội, sẽ do tòa án quân sự xét xử, chứ không phải là tòa án dân sự xét xử như các vụ án thông thường.

Ông Nguyễn Phú Trọng không đánh giá đúng thực tế

Bộ Quốc phòng là một lãnh địa riêng. Trước đây, con trai cựu Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là Đại tá Phùng Quang Hải làm Giám đốc Công ty 319 thuộc Bộ Quốc phòng. Những sai phạm của Phùng Quang Hải không ai dám đụng vào, bởi Hải được Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bảo kê.

Sau khi ông Phùng Quang Thanh xuống, đến lượt ông Ngô Xuân Lịch lên, và giờ đến ông Phan Văn Giang, thì Bộ Quốc phòng vẫn thế. Đây vẫn là lãnh địa của những doanh nghiệp làm ăn bất minh, vì loại doanh nghiệp này có lợi thế là chỉ bị tòa án quân sự xử lý.

Ông Nguyễn Phú Trọng nói là chống tham nhũng không có vùng cấm, nhưng thực chất hệ thống này tạo ra rất nhiều vùng cấm. Trong các vùng cấm đó, tham nhũng mọc lên như nấm sau mưa, mà không ai có thể dọn được những đống rác đấy.

Việc chống tham nhũng của ông Trọng có làm cho nhiều người run sợ, tuy nhiên, đấy chỉ là những người yếu thế trong bộ máy chính quyền. Họ không có chỗ ẩn nấp an toàn, nên họ sợ gió. Còn những người như Tô Long, con trai ông Tô Lâm, thì sợ gì ai? Công việc kinh tài của nhà họ Tô vẫn được giao cho Tô Long, mà không ai dám động chạm đến những “cậu ấm” này.

Có những bộ máy tham nhũng hoạt động rất mạnh, mỗi cá nhân là một mắt xích, nên không ai có thể dừng bộ máy. Một khi đã ăn, thì phải tiếp tục ăn, không thể ra khỏi nhóm. Vì thế, dù ông Trọng có ra tay chống thế nào đi nữa, thì quân tham nhũng như biển người, lớp trước bị hạ thì lớp sau lại ào lên. Vậy nên, Đảng càng chống tham nhũng, thì tham nhũng càng trở nên dữ dội, vậy thì ông Nguyễn Phú Trọng chống bằng cách nào? Nếu ông chống hết, thì có lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam diệt vong mất.

Có thể nói, ao ước diệt sạch tham nhũng chỉ là ao ước viễn vông của ông Trọng. Sẽ không có cái lò nào có thể đốt hết được mọi cây củi. Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn đốt lò, ông sẽ đốt cho đến khi ông chỉ còn hơi thở cuối cùng. Nhưng dù ông có đốt đến khi ông hết thở, thì tham nhũng vẫn tiếp diễn, không thể có một Đảng Cộng sản trong sạch hơn sau đời ông Nguyễn Phú Trọng.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

 

Kasse animation 7.8.2023