Bất ổn thể chế dẫn đến khủng hoảng bất động sản

Link Video: https://youtu.be/O3FT5Dq-cXA

Ngày 15/5, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư Việt Nam. Bài viết có tựa đề “Thời kỳ hoàng kim tăng trưởng của lĩnh vực địa ốc đã kết thúc do “bất ổn thể chế”.”

Theo tác giả, khủng hoảng bất động sản xảy ra khi đang có bất ổn thể chế và những bất ngờ ngoài tầm “toàn trị” của Đảng Cộng sản. Trong khi chế độ lung lay trước quốc nạn tham nhũng nghiêm trọng, tha hoá quyền lực mang tính hệ thống, người dân mất phương hướng và xã hội rối loạn, … thì đại dịch COVID-19 cùng với chiến lược Zero – COVID, đã khiến nền kinh tế tê liệt, trong đó lĩnh vực bất động sản bị “đóng băng”.

Chính sách phong tỏa do Covid đã được bãi bỏ vào nửa cuối của năm 2021, nhưng hậu quả để lại là nặng nề, và cho đến nay, thị trường bất động sản không thể phục hồi được. Chính phủ đang lo ngại, cuộc khủng hoảng địa ốc sẽ kéo dài đà sụt giảm tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Tác giả phân tích, cùng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, được coi là trụ cột “ngoại” chiếm trên 20% tổng sản phẩm quốc nội GDP, lĩnh vực bất động sản là trụ cột tăng trưởng “nội” có tầm quan trọng. Bất động sản cùng với một số ngành “ăn theo” chiếm khoảng 15% GDP, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, tăng thu nhập của một bộ phận dân cư, làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn, du lịch và cơ sở hạ tầng khác… Ngoài ra, nó còn là động lực mạnh mẽ chuyển đổi sang thị trường.

Sau thời kỳ Đổi mới từ năm 1986, rồi thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, đã đánh dấu bước chuyển về chất sang thị trường. Nhiều doanh nghiệp và đại gia triệu phú xuất hiện, mà trong đó, phần lớn đã giàu lên nhờ kinh doanh hoặc có liên quan đến bất động sản. Nhận định quan trọng cho giai đoạn hoàng kim tăng trưởng bất động sản này là quyền tự do được mở rộng, kích thích sáng tạo và sự thịnh vượng sẽ theo sau.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển là những biểu hiện mặt trái của thị trường, trong đó có vô số kiểu trục lợi, có thể gây ra nguy cơ tha hoá quyền lực. Đối với chế độ toàn trị của Đảng Cộng sản, nguy cơ đe doạ sự độc tôn lãnh đạo ngày càng lớn, trong đó sự tha hoá quyền lực hiện hữu và ngày càng nghiêm trọng.

Hình: Bài trên RFA

Tầng lớp quan lại “suy thoái”, gia đình và thân hữu trở nên giàu lên nhanh, không chính đáng vì tha hoá quyền lực, phơi bày sự bất công của “chế độ đặc quyền, đặc lợi” vốn là đặc trưng của chế độ tập quyền. “Tự diễn biến” trong nội bộ đã hình thành phe phái, phá vỡ sự thống nhất lãnh đạo độc Đảng, bị “lấn át” bởi quyền hành pháp khi nó mang lại lợi ích cho đa số uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, người ta nói đến sự điều hành bởi “Chính phủ kiến tạo”, đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình kinh tế địa ốc đang đối diện với thách thức “mới”, liên quan đến khủng hoảng trái phiếu bất động sản. Nguồn tiền từ hệ thống tài chính, ngân hàng và người dân, nhà đầu tư đã bị hút vào vòng xoáy “hố đen” bất động sản, gây rối loạn nền kinh tế trong bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp, biến động nhanh. Khủng hoảng địa ốc, khởi phát, tích tụ và bùng nổ, có liên quan đến bất ổn thể chế trầm trọng kéo dài.

Từ Đại hội 13 năm 2021, Đảng tăng cường củng cố tổ chức, đẩy mạnh chống tham nhũng, thanh trừng nội bộ. Sự thanh lọc nhân sự được tiến hành thận trọng, đặt “hồng” – phẩm chất trung thành với Đảng, với lý tưởng Cộng sản, lên trên “chuyên” – tiêu chuẩn kỹ trị.

Bất ổn thể chế khiến cho cả nền kinh tế và mỗi người dân phải trả giá đắt, khi tăng trưởng sụt giảm, cảnh báo về thời kỳ hoàng kim tăng trưởng nói chung và của lĩnh vực địa ốc nói riêng đang kết thúc.

Tác giả kết luận, bài học lớn nhất từ “bất ổn” là kiểm soát quyền lực, nhưng đáng tiếc, giải pháp lại chỉ là quyền lực tuyệt đối. Giờ đây, sức ép đảm bảo tính chính danh cho Đảng Cộng sản sẽ lớn hơn là thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực củng cố quyền lực Đảng – Nhà nước, hòng kiểm soát “bất ổn”, lại đang khiến bộ máy điều hành trì trệ, cản trở cải cách chuyển đổi thị trường, hạn chế tự do, triệt tiêu động lực tăng trưởng… Liệu quyền lực tuyệt đối có cứu được khủng hoảng tăng trưởng, khi các hoạt động kinh tế và hành vi con người đang chịu đựng và phụ thuộc ngày càng lớn vào nó.


Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nhà hoạt động Nguỵ Thị Khanh được thả tự do trước thời hạn.

>>> VinFast niêm yết cửa sau tại Mỹ, bắt tay với con trai vua song bài Macao

>>> Việt Nam cấm bán đồng hai đô la Úc có hình cờ vàng

>>> Mỹ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam

Biển Đông căng thẳng khi tàu Trung Quốc và Việt Nam đối đầu


Kasse animation 7.8.2023