Việt Nam kiểm soát chặt chẽ truyền thông xã hội, kết án nặng những người bày tỏ quan điểm trái chiều trên mạng xã hội

Ngày 30/12, trên trang VOA Tiếng Việt có bài viết: “Reuters: Việt Nam nằm trong số các chế độ kiểm soát chặt chẽ truyền thông xã hội nhất thế giới”.

Nội dung bài báo cho hay, Việt Nam luôn duy trì một tình trạng siết chặt kiểm soát internet, đến mức trở thành một trong những chế độ kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới về truyền thông, ngôn luận trên mạng xã hội.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã bắt bớ hàng chục nhà báo và blogger với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Bài báo trên trang VOA Tiếng Việt

Hãng tin Reuters trích lời nhận xét của các nhóm nhân quyền quốc tế, cho rằng, Việt Nam ngày càng gia tăng áp dụng các điều luật hà khắc cho các nội dung đăng tải trực tuyến, trong lúc tăng cường kiểm soát internet. Ông Phil Robertson – Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Reuters rằng: “Chính phủ Việt Nam từ lâu đã kiểm soát các phương tiện truyền thông truyền thống trong nước. Giờ đây họ đang cố gắng kiểm soát không gian trực tuyến”.

Ông Robertson cho biết, Việt Nam đã thông qua một loạt luật để đạt được mục đích kiểm soát trực tuyến. Họ đang triển khai bộ máy nhà nước để theo dõi người dân trên không gian mạng xã hội, đồng thời ép buộc các nền tảng trực tuyến phải kiểm duyệt và xóa nhiều nội dung, kiểm soát truy cập internet…

Trong vài năm gần đây, với tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền”, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ những người chia sẻ thông tin đi ngược với ý muốn của chính quyền, những người nói “sai sự thật” theo đánh giá của chính quyền.

Blogger Bùi Quang Thuận

Blogger Bùi Văn Thuận, người có nickname là “Cha già dân tộc”, người đã lên tiếng chỉ trích nhà nước về mô hình “bộ đội đi chợ giúp”, vào thời điểm mà chính quyền giao cho quân đội đảm nhận việc cung ứng thực phẩm cho người dân, bởi vì dân bị phong tỏa do đại dịch. Sau đó, ông Thuận bị bắt và bị kết án 8 năm tù giam, 5 năm quản chế.

Mới đây, ngày 26/12, Tòa án tỉnh An Giang đã kết án Facebooker Nguyễn Như Phương – một cựu du học sinh Nhật – 5 năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa”. Lý do là vì anh Phương đã đăng tải một file âm thanh được cho là ghi âm cuộc nói chuyện của Đại tá Đinh Văn Nơi, lúc đó là Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Nội dung cuộc nói chuyện cho thấy, ông Nơi đã từ chối đưa lực lượng công an đàn áp người dân về quê trốn phong tỏa vì dịch.

Đầu năm 2022, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã soạn thảo một bản kiến nghị, yêu cầu bãi bỏ 3 điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là điều 109, 117 và 331. Điều 109 là “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”; Điều 117 là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa”; Điều 331 là “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước”.

Facebooker Nguyễn Như Phương phản đối luật An ninh mạng

Những người ký bản kiến nghị cho rằng, họ bức xúc khi thấy số người bị bắt vì những điều luật mơ hồ này ngày một tăng lên và với mức án ngày một nặng hơn.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhận xét: “Những người đã thông qua điều luật 117 mới có tội vì họ vi hiến. Đây là sự đảo lộn, tức tội nhân thì đi phán quyết người vô tội”.

Bản kiến nghị này được gửi đến Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, chính quyền nên xem xét sự tồn tại của các điều luật này để bảo đảm sự hội nhập, tương thích giữa luật Việt Nam và những tiêu chuẩn luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, luật sư Mạnh cho rằng, bản kiến nghị này không mấy khả quan.

Luật sư Lê Quốc Quân thì phân tích, Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 nối tiếp Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 nhưng phát triển ở mức cao hơn, bao trùm hơn. Điều 88 chỉ nói về hành vi tuyên truyền, còn điều 117 thì bao gồm “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền”. Ông Quân cho rằng, điều luật mơ hồ này rất nguy hiểm cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận được quy định tại Điều 25 Hiến pháp 2013. Dù cũng đồng tình là kiến nghị không khả quan, nhưng ông Quân vẫn ký vì cho rằng, 3 điều luật trên rất phi lý, và độc ác, nó đẩy người dân trở thành “thế lực thù địch”.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023