“Thầy ông nội” và ba đệ tử bị cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ

Link Video: https://youtu.be/H2ouIOCw0lM

Ông Lê Tùng Vân (thường được gọi là Thầy ông nội) và ba đệ tử là Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Hoàn Nguyên và Lê Thanh Trùng Dương chỉ bị khởi tố với tội danh duy nhất là “lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”.

Mạng báo Vietnamnet cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bắt tạm giam ba người sống ở Tịnh thất Bồng Lai, riêng ông Lê Tùng Vân năm nay 90 tuổi được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Báo Nhà nước không cho biết thêm những hành vi mà bốn người này đã làm, tuy nhiên đây là điều luật thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để buộc tội những nhà hoạt động đòi tự do tôn giáo, nhân quyền.

Như RFA đã thông tin, hôm 4/1/2022 cơ quan công an tiến hành khám xét căn hộ tu tại gia của bà Cao Thị Cúc ở Long An thường gọi là Tịnh thất Bồng lai, sau được đổi tên là Thiền am bên bờ vũ trụ.

Ngay sau đó, các tờ báo nhà nước đồng loạt dẫn các nguồn tin giấu tên từ cơ quan điều tra nói ông Lê Tùng Vân bị khởi tố về ba tội danh trong đó có tội loạn luân” và tội ” lợi dụng tôn giáo để trục lợi“.

Fanpage Sin Dubai có gần 200 ngàn người theo dõi đưa một trang văn bản không có mộc giáp lai, không có chữ ký nhưng lại cho là rò rỉ từ cơ quan điều tra cáo buộc “Thầy ông nội” là cha của nhiều đứa trẻ trong Tịnh thất bồng lai.

Ảnh: Bốn người trong Tịnh thất Bồng lai bị khởi tố (từ trái qua): ông Lê Tùng Vân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhận xét về vụ việc qua tin nhắn với Đài Á châu tự Do như sau:

Cách làm này dẫn đến việc tạo nên một đám đông rộng lớn ủng hộ việc trừng phạt những người ở Tịnh thất Bồng Lai ở trong một tâm trạng ghét bỏ, và lợi dụng những điều đó – chính quyền có thể hành sự những điều bất minh và vô pháp trong việc kết án những người này, tạo tiền lệ về một xã hội không còn an toàn trong khung luật pháp và cỗ vũ những kiểu hành động rừng rú.”

Sự việc này làm người ta nhớ đến các vụ án của những người bất đồng chính kiến trước kia như vụ Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt hồi năm 2010 ở trong phòng khách sạn với một người phụ nữ, và có hai bao cao su đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đổi tội danh từ “quan hệ bất chính” sang cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Một người khác là blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải bị xử phạt 30 tháng tù giam về tội “trốn thuế” hồi năm 2008, nhưng sau khi hết thời hạn tạm giam lại bị tiếp tục khởi tố tội danh khác là “tuyên truyền chống nhà nước” với 12 năm tù giam bị tuyên tại phiên tòa hồi năm 2012.

Chuyện gì đã xảy ra tại Tịnh thất Bồng lai?

Hôm 24 tháng 10 năm 2019, ông Võ Văn Thắng và vợ cùng hàng chục người khác xông vào cơ sở tu tại gia của bà Cao Thị Cúc để tìm con là Võ Thị Diễm My (20 tuổi) được cho là đang ở đây để tu tập.

Một phụ nữ đi theo nhóm là bà Châu Vinh Hóa dùng miếng gạch men ném vào mặt của ông Lê Thanh Nhị Nguyên, một người đang tu tại gia ở đây gây thương tích 13%.

Không lâu sau đó, cô Võ Thị Diễm My quay lại Tịnh thất Bồng lai, được xuống tóc và sống cùng với những người trong hộ bà Cao Thị Cúc.

Khoảng ngày 12/12/2019, Công an huyện Đức Hòa mời cô Diễm My lên để giải quyết đơn tìm con của ông Võ Ngọc Thắng, tuy nhiên sau đó cơ quan này bàn giao cô My cho gia đình.

Khi biết thông tin này, ông Lê Tùng Vân và những đệ tử đã ở trụ sở công an quay phim, nói công an bắt cóc người và đòi chính quyền giao lại cô Diễm My đã đăng ký tạm trú tại đây.

Video này sau đó đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, không lâu sau đó cô My lấy được điện thoại quay lại video nói mình bị công an bắt cóc và bị bố mẹ ruột giam cầm và cho uống thuốc.

Ảnh: báo SGGP đưa tin ông Cù Huy Hà Vũ quan hệ bất chính, nhưng ngay sau đó nhà cầm quyền lại cáo buộc ông Vũ là “Tuyên truyền chống Nhà nước”

Chỉ khoảng 12 ngày sau trở về nhà, cô Võ Thị Diễm My từ tầng ba nhảy xuống mái nhà bên cạnh và nhảy xuống đường để bỏ trốn khỏi nhà, nhưng bị gia đình tìm ra không lâu sau đó.

Một lần nữa, không biết bằng cách nào cô này tiếp tục trốn ra khỏi nhà và cho biết đang ở một nơi nào đó không xác định, tiếp tục đăng tải clip tố cáo gia đình, cụ thể là cha ruột xâm hại cô khi bị nhốt trong nhà.

Hiện gia đình cô My vẫn tiếp tục tìm kiếm cô này và cho rằng con gái mình có những biểu hiện không bình thường.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 9/12/2021, bà Châu Vĩnh Hóa – người ném gạch men vào một tu sĩ tại gia ở Tịnh thất Bồng lai bị tuyên y án sơ thẩm là hai năm tù, nhưng được cho hưởng án treo và bồi thường 17 triệu đồng cho bị hại.

Anh Lê Thanh Minh Tú, một trẻ mồ côi được nuôi dạy ở Tịnh Thất Bồng Lai từ năm 1988, hiện sống và làm việc ở Sài Gòn, vào tối ngày 4/1 có nhận định về thông tin vừa nêu:

Chính quyền Long An đưa thông tin khi có công an xuống làm việc, mà vì sao lại có cô Mai, chú Thắng ở đó… Hai người này không hề có liên quan (cáo buộc của chính quyền), mà lại có hai nhân vật này khi có công an xuống? Khám xét thì không biết có lệnh hay không; thứ hai chưa có thông tin gì mà có nhiều báo hôm nay viết là ‘trục lợi về tôn giáo’, ‘trục lợi các bé’… và một số tội khác. Mà trong khi chính quyền chưa có thông tin chính xác mà báo chí lại lên trước, thì không biết có đúng không hay lại là báo chí bẩn… nói không đúng sự thật khi công an chưa đưa thông tin mà chỉ nghe phỏng đoán, làm dư luận rất hoang mang.”

Như lời anh Lê Thanh Minh Tú nhắc đến cô Mai, ông Thắng, đây là hai người vào tháng 10 năm 2019 đã dẫn hàng chục người từ TPHCM đến Tịnh Thất Bồng Lai với lý do tìm người con ruột là cô Võ Diễm My, 22 tuổi. Người này được nói trước đó xin xuất gia đi tu ở Tịnh Thất Bồng Lai nhưng bị cha mẹ ngăn cấm.

Lúc bấy giờ, trong nhóm người do ông Thắng- bà Mai dẫn đầu, có bà Châu Vinh Hóa khi xô xát đã ném miếng gạch men vào mặt ông Nhị Nguyên, một người ở Tịnh thất, gây thương tích 13%. Bà Hóa sau đó bị tuyên phạt hai năm tù với cáo buộc ‘cố ý gây thương tích và buộc bồi thường số tiền gần chín triệu đồng.

Ảnh: nhóm người đến đập phá ở Tịnh Thất Bồng lai được camera ghi lại

Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An khi khám xét Tịnh Thất Bồng Lai hôm 4/1 cho biết vẫn đang xác định nội dung khởi tố, chưa có kết luận. Tuy nhiên báo Nhà nước vẫn đồng loạt cho rằng tịnh thất Bồng Lai bị cáo buộc lợi dụng tôn giáo, nuôi trẻ em để trục lợi.

Anh Lê Thanh Minh Tú cho biết thực tế những gì anh chứng kiến khi được nuôi dạy ở Tịnh Thất Bồng Lai:

Em là trẻ mồ côi ở đó (Tịnh Thất Bồng Lai) từ hồi năm 1988, tới năm 2019, vì công việc nên em phải ra Sài Gòn ở trọ để gần công ty. Em được tồn tại nhờ sự nuôi nấng của các Thầy, các Cô trong đó… các Thầy cho ăn, cho học, muốn học đến đâu là các Thầy cho đến đó… Thầy không có cấm cản học để đi lao động, Thầy không ép… Thầy muốn mình học, được tự do, không ép mình theo một nghề nghiệp nào, hay làm một công việc nào… Thầy nói ‘con muốn làm gì tùy con, miễn không vi phạm đạo đức xã hội, không làm gì sai thì con cứ làm’… Em theo gương Thầy và được học đến bây giờ.”

Tịnh Thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, là cơ sở do bà Cao Thị Cúc xây dựng. Báo nhà nước cho rằng, bà Cúc ban đầu làm nhà riêng để ở, sau vận chuyển các tượng Phật, đồ thờ cúng vào để biến nơi này thành cơ sở thờ tự.

Sở Nội vụ tỉnh Long An trước đó cũng cho rằng hộ bà Cúc không phải là cơ sở tự viện Phật giáo, những người ở đây đều không phải là tu sĩ Phật giáo theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cũng cho rằng, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Tịnh Thất Bồng Lai không phải là nơi hợp pháp.

Ảnh: bà Nguyễn Phương Hằng trước đó thường livestream tố cáo Tịnh Thất Bồng Lai và thách thức ông Lê Tùng Vân tự mình đi giám định ADN với cáo buộc ông phạm tội loạn luân. Sau đó báo chí đồng loạt đăng nhiều tin bài cho rằng Tịnh Thất Bồng Lai hoạt động trái Pháp luật

Mặc dù bà Cúc khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo, nhưng ông Trọng vẫn khẳng định vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Tuy nhiên, ông Thích Nhật Từ, một quan chức trong Giáo hội PGVN vào năm 2017 từng nhận định ông Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên ở Tịnh Thất Bồng Lai không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc.

Theo ông Từ, khu Bồng Lai Viên chỉ là một tịnh thất, không có bảng hiệu chùa, nên không có đăng ký từ viện với Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An.

Cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thượng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai. Ông Từ còn nói rằng những cáo buộc về Tịnh Thất Bồng Lai của Giáo hội PGVN tỉnh Long An là ‘vội vã’.

Việc lấy nhà làm chùa hoặc địa điểm tụ họp hoạt động tôn giáo là nhu cầu thực tế của người dân. Tuy nhiên, những quy định quản lý về tôn giáo hiện nay của Chính phủ Việt Nam bị cho đã cản trở việc này.

Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo của Chính phủ Việt Nam qui định cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo… đều phải được chính quyền địa phương cho phép thành lập. Ngoài ra, người dân nếu muốn lấy nhà làm chùa thì còn cần thêm sự đồng ý của tổ chức Phật giáo được công nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam trở thành ‘nhà tù’ lớn thứ 3 thế giới đối với tự do báo chí

>>> Việt Á vẫn chưa thể ‘knock out’ được tính chính danh của chế độ

>>> Vụ Việt Á: Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ

Chặn cửa khẩu Việt-Trung: Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu ‘răn đe’ tới Hà Nội’


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023