Bi hài đằng sau chuyện mừng “Tân tổng thống” Biden

Tác giả: Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

Một kỳ bầu cử lạ kỳ, kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ và cả thế giới.

Hàng triệu triệu con người, từ bình dân cho tới lãnh đạo có tầm ảnh hưởng hàng đầu toàn cầu nín thở dõi theo, tốn bao lời, bao thời gian bàn tán, vắt óc suy nghĩ; báo chí tốn bao giấy mực.

Gần kết cục, khắp nơi đã nổ bùng! Nhưng …

Biden và “thú cưng”

Ngay sau đó, cũng triệu triệu con người dõi mắt ngóng chờ gần tháng trời một người đàn bà xưa nay chẳng ai quan tâm, biết tới, nhưng lúc này lại trở thành nhân vật quan trọng chẳng kém mấy hai vị được báo chí cho là “tổng thống mãn nhiệm” và “tổng thống đắc cử”.

Bà tên là Emily Murphy, lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp Hoa Kỳ (GSA). Bởi không có sự phê duyệt người “đắc cử” tổng thống của bà, thì bao nhiêu lời chúc tụng, bao nhiêu bài viết mừng vui tung hô cũng chỉ như chuyện hớ hênh trong chính trị quốc tế, hay hiện tượng phe phái chính trị can thiệp vào giới truyền thông, tỏ ra chẳng hiểu gì/coi thường pháp luật, về nghi thức ngoại giao tối thiểu.

Thế rồi lại thêm “vỡ òa cảm xúc” khi báo chí toàn thế giới đăng tin về bức thư của bà gửi cho ông Joe Biden.

Oái oăm lại cũng có một cảm xúc đặc biệt khác, khó tả, bị kìm nén, che đậy, hoặc thậm chí được tô điểm để cho nó … bình thường.

Cảm xúc đó nằm trong toàn bộ nội dung bức thư mà ít báo đăng lại đầy đủ, và chắc cũng ít ai nhận ra tâm điểm cảm xúc đó chính là hai hình tượng vô cùng trái ngược, BIDEN và THÚ CƯNG. Tại sao?

“Tổng thống đắc cử”, “tân tổng thống” – danh xưng báo chí Mỹ tuyên hô cho ông Biden, bao vị lãnh đạo đáng kính của nhiều cường quốc trên thế giới nhắc tới trong lời chúc tụng. Ấy thế mà trong toàn bộ bức thư của “bà chủ” GSA lại không có một chút gì ám chỉ, huống hồ là công nhận và gọi cho đúng mấy chữ đầy oai vệ đó. Chỉ có “ông Biden thân mến” thôi. Thật chưa từng có, và cũng chưa từng … “phạm thượng”, thách thức đến vậy.

“Thú cưng” – một con vật vô danh, không rõ giống loài, đang sống trong gia đình mà cũng vinh dự được “bà chủ” GSA nhắc tới trong bức thư trọng đại nhất thế giới đó. Quả là một hiện tượng chưa từng có và cũng chưa từng … xúc phạm đến vậy đối với ông Biden, trêu ngươi với cả ba nhánh quyền lực cho tới thứ “quyền lực thứ tư” của nước Mỹ đang nức nở hoan ca. Quá lời chăng? Không!

“Xúc phạm” bởi vì không chỉ đưa “thú cưng” vào bức thư hứa hẹn đầy tính long trọng, “bà chủ” GSA lại còn như lên án (kết hợp thành cả một đơn tố cáo dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng) rằng giữa đất nước tự do, văn minh nhất thế giới, trong một gia đình quan trọng như vậy, mà đến thứ “hạ cấp” nhất, thấp cổ bé họng nhất đó mà cũng bị “đe dọa” (giết/ăn thịt/làm nhục?) chỉ vì … người “quyền lực nhất thế giới” chưa được … xướng danh.

Từng có bài báo bàn tới nhiệm kỳ của ông Biden, nếu như đắc cử, đã cảnh báo đầy lo ngại rằng ông sẽ trở thành một “tổng thống vịt què” (không có thực quyền), thì có lẽ bức thư nói trên còn là dấu hiệu thêm cho một tương lai u ám, một triều đại còn què quặt gấp nhiều lần.

“Quyền lực thứ tư”

Từ hơn hai thế kỷ trước, vị tổng thống thứ ba của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ Thomas Jefferson đã từng có câu nói để đời:

Nếu bắt tôi phải quyết định chọn giữa một chính phủ không có báo chí hay báo chí mà không có chính phủ, thì tôi sẽ không do dự lấy một phút khi quyết định lựa chọn điều thứ hai”.

Câu nói thể hiện tự tôn trọng, nhìn ra sức mạnh đến thế nào đối với giới truyền thông cho một nước Mỹ tự do dân chủ.

Họ vẫn được mệnh danh là “quyền lực thứ tư”, nay đang chứng tỏ điều đó một cách ghê gớm. Tiếc rằng, đằng sau nó là những dấu hỏi lớn rằng bất cứ thứ quyền lực nào cũng có thể bị thao túng, tha hóa.

Cao điểm của hiện tượng đó là khi Thống đốc New York, một nhân vật đối địch với TT Trump, mà cũng phải lên tiếng chỉ trích báo chí Mỹ quá đáng với ông; rằng họ đã dùng những “giọng điệu tồi tệ”, là “sự thiếu tôn trọng chưa từng có” với Donald Trump.

Đằng sau lời chỉ trích của vị thống đốc, của bao lời chúc tụng vội vàng lẫn muộn màng, và lý do có bức thư kỳ lạ “Biden-thú cưng” là cả một trận chiến không cân sức giữa … không phải một, hai nhánh quyền lực mà là chỉ ông Trump thôi, với “quyền lực thứ tư”, đã kéo dài suốt 4 năm qua. Nói cho rõ hơn, lực lượng đó là giới báo chí thiên tả chiếm thế áp đảo ở Mỹ, chưa kể Âu châu, và khắp toàn cầu.

Trump đã “một mình chống lại … Media” (không hẳn “Mafia”).

Chính thứ “quyền lực thứ tư” đó đã đặt cả thế giới này vào câu chuyện kỳ lạ có tên “bầu cử Mỹ 2020”.

Có điều, Trump cũng như đám đông quần chúng ủng hộ ông từ lâu đã có thứ “quyền lực thứ năm” – mạng xã hội để cự địch lại.

Luật pháp và kiện tụng

Chuyện trớ trêu bởi báo chí đóng vai trò chính đã dẫn dắt thiên hạ vào câu chuyện bi hài chưa từng có, khi cả tháng chúc tụng rồi, mà “tân tổng thống” vẫn chưa được luật pháp nước Mỹ công nhận, vẫn phải hồi hộp lo trước hàng loạt vụ kiện tụng, tố cáo “gian lận bầu cử”, thậm chí còn sợ sớm trở thành … “tổng thống ‘đắc cử’ rồi thất cử”.

Cho tới lúc bài này được đăng lên, vẫn còn đó năm bảy “cửa ải” mà “ tân tổng thống” Joe Biden sẽ phải vượt qua.

Đó là: không đủ số bang tuyên bố hoàn tất kiểm phiếu, bầu ra cử tri đoàn của mình đúng thời gian luật định; không được đa số tuyệt đối cử tri đoàn bầu; Tối cao pháp viện Hoa Kỳ bác kết quả bầu cử, … và cuối cùng là bị “phế truất” sau khi “đắc cử” (không biết sẽ vào ngày, tháng, năm nào sau đó) vì phát hiện “gian lận bầu cử” hoặc phạm pháp (ví như trong việc điều tra suốt một năm qua về quan hệ làm ăn của con trai là Hunter Biden tại Trung Quốc, Ukraina mà báo chí Mỹ, Âu dường như “coi nhẹ”, hiếm đưa thông tin).

Chẳng phải là điều lạ, khi mà TT Trump đã từng phải ký sắc lệnh thành lập cơ quan điều tra nghi vấn gian lận của chính cuộc bầu cử đã đưa mình lên trước đó nửa năm.

Chưa hết! Chuyện rất liên quan và kinh ngạc không kém, không chỉ vụ “tố cáo” bị đe dọa tới cả thú cưng nói trên, mà đến các luật sư trong Chiến dịch tranh cử của TT Trump cũng lên tiếng công khai trước công luận rằng mình bị đe dọa tính mạng, khiến họ phải rút lui.

Ngược lại, những nhân viên kiểm phiếu cũng tố bị người biểu tình ủng hộ TT Trump đe dọa.

Còn “tố cáo”, hay “vu cáo” (?) gian lận bầu cử thì không kể siết. Gần tháng trời rồi, ở một xứ văn minh vậy, mà dường như mọi sự như thế ở chốn … không người.

Những vụ việc ghê gớm đó có được cơ quan luật pháp các địa phương nhanh chóng điều tra, “tân tổng thống” quan tâm hay không, hay phải chờ tới khi ông thực sự chấp chính?

Lỗ hổng lớn không chỉ trong hệ thống tư pháp, mà cả hệ thống luật liên quan bầu cử đã lộ rõ. Nó như thể bị “chính trị hóa” không thua mấy với xứ cộng sản.

Việt Nam chưa “mừng”, thì sao?

Nếu như người Việt bao năm nay, bằng nhiều cách vẫn mãi chê bai, đặt dấu hỏi về tầm hiểu biết, năng lực của giới lãnh đạo mình bao nhiêu thì giờ đây lại đang vắt óc phỏng đoán không ít rằng vì sao lãnh đạo xứ này vẫn chưa gửi lời chúc tụng tới “Tổng thống đắc cử” Joe Biden.

Phải chăng họ, như “thông lệ”, cứ phải chờ nước “đàn anh” Trung Quốc đi trước trong một động thái không ít nhạy cảm này?

Nếu chỉ đơn giản vậy, bỏ qua đi sự khác biệt ngày càng lớn giữa hai nước/hai đảng cộng sản trong quan hệ với chính quyền Mỹ, thì câu trả lời sẽ có ngay trong ít ngày tới, sau khi Chủ tịch họ Tập đã lên tiếng chúc mừng. Còn nếu vẫn “chưa”, thậm chí cho tới đầu tháng 1/2021 thì rõ là một hiện tượng thật đáng bàn và không kém phần thú vị.

Bồi thêm cho câu hỏi không dễ trả lời là việc liên tiếp hai cuộc đón rước đầy ẩn ý hai nhân vật quyền lực hàng đầu, chỉ sau Tổng thống “thất cử” Donald Trump, là Ngoại  trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia Robert C. O‘Brien.

Gái quê nạ dòng có quá liều lĩnh không, khi sắp phải tái giá với gã trọc phú làng bên, nhưng vẫn công khai đi lại với người tình cũ công tử thị thành?

Nếu phải giành lời khen cho giới chức Việt Nam trong vụ này thì có ít nhất tới bốn điều.

Thứ nhất, họ hiểu và coi trong luật pháp Hoa Kỳ.

Thứ hai, họ tỏ ra tinh tế và chín chắn về chính trị cho riêng thân phận quốc gia mình.

Thứ ba, họ có tầm viễn kiến, biết rằng “cuộc chiến” trong nội bộ nước Mỹ sẽ còn dài lâu, triều đại Biden (nếu có) cũng không thể không theo hướng có lợi cho Việt Nam gần như 4 năm qua. Tiếp sau đó (2024), rất có thể là một chính thể “có Trump” hoặc “không có mà như có Trump”, sẽ có lợi hơn nữa cho Việt Nam.

Và thứ tư, họ hiểu được lòng dân riêng trong câu chuyện này, ủng hộ TT Trump đồng thời căm thù Trung cộng tới mức nào, vậy chẳng mất gì, cũng cần tranh chủ dân thêm chút ít.

Dân trí và tri trí

Vượt lên trên cả các cuộc đấu khẩu, bàn luận về kỳ bầu cử cùng những lời chúc tụng, là khắp nơi từ nước Mỹ, Âu châu … cho tới Việt Nam, dường như còn có một cuộc “đối đầu”, “quật khởi” không dễ nhận ra về tri thức, nhãn quan chính trị và địa vị xã hội giữa giới bình dân với tầng lớp tinh hoa, “thượng lưu”.

Bao nhiêu năm rồi, dễ cũng tới ba thập kỷ, người dân Mỹ có được cảm giác bình an khi tưởng như mối họa cộng sản toàn trị đã chấm dứt. Họ tự hào về mô hình xã hội dân chủ tư bản của mình là ưu thắng nhất cho nhân loại mãi mãi.

Rồi họ dần nhận ra, mình đang chịu một ách “cai trị” vô hình, bị “dắt mũi” bởi thế lực chính trị đen tối, câu kết với giới tài phiệt muốn khuynh loát chính trường, giới trí thức hàn lâm cao ngạo hám quyền lực, giới truyền thông (đã quá quen địa vị tột đỉnh, đồng thời là công cụ của giới chủ), và cả giới văn hóa giải trí tối mắt vì tiền …

Trong mắt họ, tất thảy các thế lực đó đã ngấm ngầm định hình một trật tự xã hội, cũng tự do dân chủ, phồn vinh đấy, nhưng bất bình đẳng, ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn cả vật chất lẫn tinh thần.

Nguy hiểm hơn, họ cho là cái trật tự chính trị xã hội đó đang dần làm suy yếu nước Mỹ, bị bạn bè, đối tác lợi dụng quá mức, đặc biệt kẻ thù nguy hiểm nhất-Trung cộng xảo trá luồn lách, trà trộn, trộm cướp, mua chuộc để vươn lên chiếm vị trí số một chẳng còn bao lâu nữa.

Hai con quái vật đang sống cộng sinh với nhau – Trung cộng và giới “thượng đẳng” từ lâu hưởng lợi từ nó. Một đã quá rõ hình hài, một vừa như vô hình, vừa có vẻ hiền lành, tử tế.

Uẩn ức tích tụ từ lâu không được hóa giải, lại thêm hai nhiệm kỳ Obama, nó dần đến cao trào để rồi có một Donald Trump quái dị xuất hiện đúng lúc.

Cuộc “đối đầu”, “quật khởi” này đã làm bộc lộ, giúp tăng tiến thêm cho “dân trí” và “tri trí”.

Đại chúng bình dân chứng tỏ rõ mình không ngô ngọng để mãi bị giới “thượng lưu”, tinh hoa mũ cao áo dài xỏ mũi dẫn dắt. Họ được khích lệ, được thêm cơ hội cọ sát, thử thách nhiều hơn trong cuộc khai dân trí. Họ được mạng xã hội vừa như  phương tiện để mở miệng, lại vừa trang bị thêm kiến thức nhiều mặt, để thành “quyền lực thứ năm”.

Phần nhờ vậy mà dẫu có cả một “chiến dịch” khổng lồ của đảng Dân chủ, cùng “quyền lực thứ tư” v.v.. trong suốt 4 năm, nhưng Donald Trump vẫn giành được số phiếu bầu không tưởng vừa qua, nhiều thứ hai trong lịch sử.

Trong con mắt tiện dân, giới trí thức hàn lâm đầy kiêu ngạo, đạo đức giả bị sốc nặng, lộ rõ tầm tri thức chính trị của mình cũng chẳng ưu thắng gì nhiều, bởi đã lộ rõ những sai lầm nghiêm trọng bao năm, và thậm chí còn không thiếu những toan tính không đẹp đẽ. “Quyền lực thứ tư” o bế, làm cái “loa” cho họ, nhưng ngược lại, “quyền lực thứ năm” như mưa bão trời cho làm tan chảy lớp son phấn trí tuệ trên những khuôn mặt đẹp đẽ đó.

Có điều, thứ “quyền lực trí não” của giới tinh hoa đôi khi cũng tựa ma túy, họ không chịu nổi khi bị tước mất danh, bị coi thường, hạ bệ. Thế là lại sa thêm vào vũng lầy ngụy biện, xảo ngôn hòng che đậy khiếm khuyết của mình. Họ phải được/tự cải hóa.

Hà Nội, 30/11/2020

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)