Lệnh giới nghiêm bao trùm thế giới, nguy cơ suy thoái toàn cầu

https://www.youtube.com/watch?v=J8CkyhAYFpQ

Những ngày gần đây, lần lượt các quốc gia trên thế giới tiến hành ‘đóng cửa’ biên giới, một số quốc gia còn quyết liệt thực hiện lệnh giới nghiêm để ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. 12 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nguy cơ suy thoái kinh tế lại đang cận kề hơn bao giờ hết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/3 kêu gọi người Mỹ dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập nhóm trên 10 người nhằm kiềm chế sự gia tăng các ca nhiễm cúm viêm phổi Vũ Hán tại nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/3 có bài phát biểu trong đó ông và kêu gọi người dân cần tránh xa các hoạt động đông người để ngăn chặn sự lây lan của cúm viêm phổi Vũ Hán.
Tổng thống đề nghị dân chúng nên tránh di chuyển không cần thiết và không tới quán rượu, nhà hàng, tiệm ăn hay phòng tập thể dục.
Cùng trong cuộc họp, ông Trump đã cảnh báo kinh tế Mỹ có thể bị suy giảm vì viêm phổi Vũ Hán. Trong khi thị trường chứng khoán đang chao đảo vì dịch bệnh, ông Trump khuyến cáo rằng suy thoái kinh tế là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổng thống cho biết ông đang tập trung xử lý cuộc khủng hoảng y tế và rằng kinh tế sẽ khá lên một khi cuộc khủng hoảng y tế được giải quyết.
Sau đó, ông đăng nhiều bài viết lên Twitter đảm bảo rằng hàng hóa sẽ được đáp úng đầy đủ trên toàn quốc và kêu gọi người dân mua sắm có ý thức. Bên cạnh đó, ông cũng thông báo sẽ ủng hộ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà ông gọi đích danh là “cúm Trung Quốc”.
Ông Trump cho rằng sẽ qua đỉnh điểm của dịch bệnh trước tháng 7 hay tháng 8 hoặc sau đó. Ông nói lệnh giới nghiêm toàn quốc chưa được cân nhắc trong lúc này.
Tại phòng họp báo ở Nhà Trắng, giới báo chí ngồi cách nhau một chỗ ngồi để thực hiện các biện pháp giữ khoảng cách xã hội.

Trong khi đó, các nước Tây Âu có thái độ quyết liệt hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối qua, thứ Hai, 16/3, đã trực tiếp ban hành lệnh cách ly trên toàn lãnh thổ có hiệu lực kể từ 12h trưa hôm nay thứ Ba ngày 17/3.

Tối qua ngày 16/3 vào lúc 20h giờ địa phương, phát biểu trực tiếp trên truyền hình cả nước lần thứ hai trong vòng 4 ngày, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm toàn quốc. Bắt đầu từ 12h trưa hôm nay ngày 17/3, toàn nước Pháp sẽ giảm thiểu tối đa mọi hoạt động xã hội trong vòng 15 ngày, mọi di chuyển ngoài đường đều sẽ phải cần có giấy chứng nhận.
Khoảng 100.000 cảnh sát sẽ được huy động tại các điểm gác cố định và lưu động. Người đi bộ lẫn xe ô tô sẽ cần giải trình với giấy chứng nhận khi được kiểm tra.
Trong bài phát biểu dài 21 phút được truyền hình trực tiếp, Tổng thống đã sử dụng từ « chiến tranh » đến 6 lần và kêu gọi kêu gọi mỗi công dân hãy tự giác thực hiện bằng trách nhiệm và nghĩa vụ.
Tổng Thống kêu gọi mọi người trong thời khắc khó khăn này hãy tìm lại giá trị đích thực của cuộc sống: chăm sóc gia đình, gọi điện hỏi thăm người thân, bạn bè, đọc sách… tránh tự mình hoảng loạn bởi các tin đồn vì Chính phủ sẽ luôn cập nhật mọi thông tin một cách minh bạch nhất.
Tổng thống cũng khẳng định “Trên lãnh thổ hình lục lăng này, không một người Pháp nào bị bỏ rơi” vì 300 tỉ euros sẽ được Chính Phủ duyệt chi, gấp 10 lần con số đưa ra trước đây là 30 tỷ, được dự trù để trả lương cho những nhân viên công hay tư phải nghỉ việc trong thời gian cách ly ; giúp đỡ, bồi thường hay miễn thuế cho các cơ sở doanh thương, xí nghiệp, thương gia nạn nhân của cúm Vũ Hán. Mục đích là để không một cơ sở nào phải đóng cửa, để kinh tế hoạt động bình thường nhanh chóng trở lại, khi hết dịch.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt mà 70 năm Cộng hòa Liên bang chưa từng làm để kiềm chế cúm Vũ Hán lây lan

Cũng trong hôm qua ngày 16/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tổ chức họp báo để làm rõ và giải thích các biện pháp quyết liệt được Chính phủ liên bang và các bang ở Đức áp dụng nhằm kiềm chế sự lây lan ác liệt của cúm viêm phổi Vũ Hán.
Thủ tướng Merkel giải thích về các biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế các “tiếp xúc xã hội“, khống chế sự lây lan của cúm. Theo đó, Chính phủ liên bang và các bang đã quyết định đóng tất cả các trường học và nhà trẻ, các viện bảo tàng, quán bar, trung tâm hội chợ và giải trí… trên toàn nước Đức. Song sẽ vẫn duy trì hoạt động của các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, trạm xăng, bưu điện… và các cơ sở bán buôn.
Công dân Đức cũng bị cấm đi nghỉ phép trong nước hoặc ra nước ngoài. Các nhà hàng, khách sạn cũng bị hạn chế và phải đáp ứng các quy định về dịch tễ, trong đó các nhà hàng phải giữ khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 1,5 mét và được mở cửa sớm nhất từ 6 giờ sáng, đóng cửa muộn nhất vào 18 giờ.
Về việc hỗ trợ nền kinh tế, Thủ tướng Merkel tái khẳng định sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước đó Đức cũng tiến hành đóng cửa biên giới với 5 quốc gia láng giềng trong không gian tự do đi lại Schengen.

Anh cũng đã thay đổi lập trường trước đó về biện pháp ‘miễn dịch cộng đồng’. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua ngày 16/3 đã phát biểu họp báo công bố hàng loạt quy định hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của cúm Vũ Hán.

Nếu như trước đây, Thủ tướng Boris Johnson chủ trương để cho cúm Vũ Hán phát triển, khi quá nửa dân số bị nhiễm, cộng đồng sẽ có sức đề kháng tự nhiên chống cúm và sẽ tránh được tai hoạ khi cùng một loại cúm tái xuất hiện. Nhưng trước viễn cảnh phải trả một giá quá nặng về tính mạng công dân, nhà lãnh đạo Anh đã ban hành những quy định mới để ngăn chặn dịch bệnh.
Các biện pháp được chính phủ Anh đưa ra bao gồm ngừng tụ tập đông người, tránh tới các câu lạc bộ. Chỉ dùng y tế nhà nước khi thật cần thiết.
Thủ tướng Boris Johnson khuyến cáo mọi người dân tại Anh nên tránh “du lịch không cần thiết” và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyến khích người dân làm việc tại nhà nếu có thể. Thai phụ, người trên 70 tuổi và mắc bệnh mãn tính nên cân nhắc lời khuyên này. Những người nằm trong nhóm có rủi ro được đề nghị ở nhà trong 12 tuần. Nếu sống một mình mà có biểu hiện nhiễm virus, tự cách ly 7 ngày, không nên ra khỏi nhà dù chỉ để mua thức ăn, nhu yếu phẩm. Nếu sống chung trong nhà, chỉ cần một người có biểu hiện, toàn bộ gia đình phải ở trong nhà 14 ngày.

Trong khi tình hình dịch bệnh tiếp tục lan  rộng tại các nước phương Tây, còn theo thông tin từ chính phủ Việt Nam, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn luôn được kiểm soát tốt, số ca nhiễm bệnh vẫn là rất thấp và chưa có trường hợp nào tử vong tính đến thời điểm này, công dân Việt Nam đang sinh sống tại phương Tây nhất là các du học sinh đã đổ xô về nước tránh dịch. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lúng túng trong cách xử lý khi liên tục có những thay đổi quy định.

Lượng người Việt Nam nhất là các du học sinh phương Tây đổ về nước tránh dịch.

Ngày 14/3/2020, Đại diện Vietnam Airlines thông báo, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch cúm Vũ Hán, từ ngày 15/3, các chuyến bay của hãng từ London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) về Việt Nam sẽ không chuyên chở hành khách. Các chuyến bay khởi hành từ Việt Nam đi châu Âu vẫn được hãng phục vụ bình thường để hành khách châu Âu trở về nước.
Tuy nhiên, ngay hôm sau, ngày 15/3/2020, Vietnam Airlines thông báo sẽ tiếp tục vận chuyển hành khách từ châu Âu về Việt Nam thay vì dừng như thông báo hôm 14/3. Hãng sẽ vận chuyển hành khách đảm bảo đầy đủ điều kiện xuất, nhập cảnh và sức khoẻ trở về Việt Nam trên các chuyến bay khởi hành từ London (Anh), Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức).
Riêng trong ngày 15/3, lượng người Việt Nam từ châu Âu đổ về nước rất cao, số lượng người cần kiểm tra, kiểm dịch y tế, đi từ hay đi qua vùng dịch về tại sân bay Nội Bài tăng hơn 3 lần so với hôm trước.
Cho đến chiều 15/3, lực lượng y tế tại sân bay đã lấy 683 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cúm Vũ Hán cho các hành khách, gấp đôi so với dự tính ban đầu. Việc lấy mẫu diễn ra tới 12 giờ đêm cùng ngày.
Như chia sẻ của một du khách phương Tây có tên Gavin Wheeldon đến Việt Nam ngày 14/3 thì « mọi thứ ở sân bay thực sự điên loạn ». Lực lượng chức năng đã lúng túng trước số lượng quá đông người nhập cảnh vào Việt Nam những ngày qua.

Liệu về nước tránh dịch có thực sự an toàn? Đây là câu hỏi được đặt ra trong suốt thời gian qua. Hãy cùng nhìn lại những gì đã xảy ra trong vài ngày qua để trả lời cho câu hỏi này.

Hành khách làm thủ tục tại Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, khẳng định việc di chuyển từ nơi ở, nơi cư trú đến các sân bay trung chuyển đều không an toàn và rất dễ mắc cúm Vũ Hán.
Hơn nữa, việc quá cảnh tại sân bay các nước thứ 3 cũng có thể làm các công dân có nguy cơ mắc dịch bệnh này. Đơn cử, một Việt kiều Mỹ về TP HCM đã mắc cúm Vũ Hán khi quá cảnh ở sân bay Vũ Hán (Trung Quốc) chưa đầy 2 giờ đồng hồ vào ngày 15/1/2020; hoặc bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận mắc cúm Vũ Hán khi quá cảnh từ sân bay Doha (Qatar) về Việt Nam ngày 2/3/2020.
Một nguy cơ nữa là khi ngồi trên máy bay 15-24 giờ đồng hồ trong không gian khép kín. Nếu trên máy bay có người mang cúm Vũ Hán thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao. Điển hình là chuyến bay mang số hiệu VN0054 xuất phát từ London (Anh) và hạ cánh tại Hà Nội vào ngày 2/3 có đến 14 hành khách đã bị nhiễm cúm Vũ Hán, hay cũng chuyến bay số hiệu VN0054 về Việt Nam ngày 9/3 cũng đã có 3 người mắc bệnh.
Tối qua 16/3, Bộ Y tế đã đưa ra thông báo khẩn đề nghị tất cả hành khách trên 7 chuyến bay cụ thể liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ do đã xác định trong chuyến bay có người nhiễm cúm Vũ Hán.

Đúng như Tổng thống Macron nhận định: “Nước Pháp đối đầu với chiến tranh mặc dù không phải đánh lại bất kỳ quân đội hay quốc gia nào, mà kẻ thù ở đây, vô hình, không nắm bắt được và ngày càng lớn mạnh.” Không chỉ nước Pháp mà toàn cầu đang phải chống cự lại kẻ thù vô hình đó – cúm Vũ Hán đến từ Trung Quốc.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023