Tương lai của Tô Chủ tịch sẽ ra sao trong cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14?

Việc cựu Bộ trưởng Tô Lâm bị buộc phải rời bỏ ghế Bộ trưởng Công an, để ngồi vào ghế Chủ tịch nước – một vị trí có tiếng nhưng không có thực quyền, trong “Tứ trụ”, theo một số nhà phân tích quốc tế, nhiều khả năng có thể giúp chính trị Việt Nam trở lại ổn định hơn.

Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, đã có những sự đảo chiều, theo giới quan sát, có nhiều chỉ dấu cho thấy, chính trường Việt Nam sẽ còn nhiều biến động, và mọi chuyện vẫn tiếp tục hỗn loạn, cho đến khi tên của ứng viên kế nhiệm Tổng Trọng chính thức được công bố.

Một số truyền thông quốc tế đánh giá cao về khả năng kế nhiệm của Chủ tịch nước Tô Lâm, đối với chức Tổng Bí thư, nếu ông Trọng chịu rút lui. Nhưng họ cũng cho rằng, Tô Lâm sẽ không còn dễ dàng như trước, và ông sẽ còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, đến từ một số đông các đối thủ chính trị, vốn không hài lòng về ông.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, từ Viện Nghiên cứu ISEAS, có trụ sở ở Singapore, trong một bài bình luận trên trang Fulcrum, cho rằng:

“Đại tướng Tô Lâm là một “ứng viên nổi bật” cho vị trí người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng tiếc rằng, Việt Nam đến nay chưa có vị Tổng Bí thư nào xuất thân từ ngành công an.”

Hơn nữa, vẫn theo Tiến sĩ Hiệp, ông Tô Lâm cũng có một số vụ bê bối, mà các đối thủ và các phe cánh khác có thể dễ dàng khoét sâu vào, nhất là lực lượng quân đội.

Trong khi đó, ngày 22/5, Giáo sư Zachary Abuza từ Hoa Kỳ nhận xét, sau khi rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì ông Tô Lâm đã suy giảm quyền lực đáng kể, và khó có thể hạ được Thủ tướng Phạm Minh Chính – một đối thủ nặng ký. Quan trọng hơn, chiếc ghế tân Bộ trưởng Bộ Công an, đến nay vẫn chưa được quyết định một cách rõ ràng.

Theo một số nhà quan sát, việc Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ định nắm quyền điều hành Bộ Công an, cũng chứa nhiều ẩn ý. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ là em trai của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang – một cựu đối thủ của ông Tô Lâm trong Bộ Công an trước đây.

Vốn dĩ, ông Quang là một nhân vật không được lòng Tổng Trọng. Tuy nhiên, để kiềm chế và làm đối trọng với Tô Lâm, ông Tỏ vẫn được ông Trọng “ưu ái” cho ngồi vào vị trí Thứ trưởng Thường trực, một cách đầy ẩn ý.

Đó là lý do vì sao, nhiều nhà quan sát chính trị trong nước và quốc tế đánh giá rằng, sắp tới, chính trường Việt Nam còn nhiều biến động, gay cấn hơn trước đây.

Trong bài bình luận “Chính trường Việt Nam sẽ còn nhiều biến động ở “trận chung kết”, trao đổi với đài Á Châu Tự do (RFA), Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, từ Hoa kỳ, cho rằng, nếu so sánh cuộc đua lên vị trí thượng đỉnh – chiếc ghế Tổng Bí thư, như một giải đấu, thì đã qua vòng bán kết, và đang dần tiến vào “trận chung kết”.

Lúc này, vấn đề đang thu hút sự chú ý, đó là, ai sẽ là tân Bộ trưởng Bộ Công an?

Nếu Bộ trưởng Công an là “đàn em” của Tô Lâm, thì ông vẫn sẽ nắm giữ được Bộ Công an trong tay. Cộng với quyền lực của Chủ tịch nước, với vai trò “thống lĩnh các lực lượng vũ trang”, thì ông Lâm sẽ vận dụng chính lời của Tổng Trọng về “trách nhiệm của người đứng đầu”, để mau chóng đẩy ông Trọng ra đi, trước cuối năm 2024.

Bởi ông Tô Lâm không muốn “đêm dài lắm mộng”. Chắc chắn, một khi ông Trọng còn nắm giữ vị trí quyền lực nhất trong Đảng, thì ông sẽ không bao giờ muốn giới thiệu ông Tô Lâm làm người kế nhiệm mình.

Kết quả, tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, Bộ trưởng Tô Lâm đã không thành công khi đề cử 2 nhân vật thân cận của mình, là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc. Bởi Tô Lâm có quá nhiều kẻ thù trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là các lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Vì thế, nếu tính toán hay đánh giá sai, dù chỉ “một ly”, thì có một khả năng rất cao, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ bị các “đồng chí” của ông thẳng tay gạt ra khỏi cuộc đua tại Đại hội 14. Ông Chữ khẳng định:

Chỉ riêng cái Công ty Xuân Cầu của anh em nhà Tô Lâm, cũng đủ để người ta đẩy ông ấy xuống mồ rồi.”

Trong khi đó, việc bầu bổ sung 4 uỷ viên Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 9, có thêm 1 tướng quân đội được kéo vào, để cân bằng với thế lực bên công an. Do đó, trong trường hợp phải sử dụng đến cái gọi là “biểu quyết” tập thể, thì khả năng cao ông Tô Lâm sẽ thua, và đương nhiên, ông sẽ phải ra đi.

 

Trà My – Thoibao.de