Bầy kền kền “trói tay” Trương Mỹ Lan, “xẻ thịt” Vạn Thịnh Phát!

Bầy kền kền “bó” Trương Mỹ Lan “xẻo tiền” Vạn Thịnh Phát!

Tại phiên tòa chiều ngày 13/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, ở phần liên quan đến việc định giá tài sản Ngân hàng SCB, tại thời điểm ngày 30/9/2022, bà Trương Mỹ Lan không đồng tình với kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân.

Sau khi khởi tố vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB đã bị đưa vào diện kiểm soát đặt biệt, nên việc Ngân hàng SCB thuê Công ty Hoàng Quân giám định tài sản là việc đáng ngờ và không khách quan.

Được biết, Hoàng Quân Group là một Tập đoàn đa ngành nghề, trong đó có thẩm định giá.

Ở Việt Nam, khái niệm “độc lập” của các định chế là điều xa xỉ. Ví dụ, công đoàn độc lập là thứ mà Đảng Cộng sản thù ghét nhất, và quyết không cho những nhóm này xuất hiện và hoạt động.

Tư pháp độc lập thì lại càng không, bởi Đảng cần một nền tư pháp chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Khi mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, đều chịu sự cai trị của Đảng, thì không bao giờ có tính độc lập. Bởi bản chất của chế độ này là vậy.

Ở khía cạnh kinh tế, Việt Nam vẫn khó có thể tìm được một công ty kiểm toán, các đơn vị giám định độc lập. Có thể, họ hô hào về tính độc lập, tự chủ, nhưng hầu hết lại làm theo mệnh lệnh. Đặc biệt, khi chính quyền là bên thuê những đơn vị thẩm định, giám định, hoặc kiểm toán, thì những đơn vị này lại càng không dám “độc lập”.

Còn nhớ, vụ án Mobifone mua AVG. Để đẩy giá AVG của Phạm Nhật Vũ lên cao để rút tiền ngân sách, chia chác nhau, các bên đã thuê 4 công ty giám định tài sản, gồm: Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam – VCBS; Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hãng Kiểm toán AASC; Công ty Hà Nội Valu và Công ty AMAX.

Bốn công ty giám định này cho ra kết quả rất khác biệt, trong đó, AMAX định giá thấp nhất. Sau đó, các bên mua bán căn cứ vào kết quả của AMAX để thương lượng (thực chất là diễn vở kịch thương lượng). AMAX định giá AVG 16.000 tỷ đồng, và 2 bên thỏa thuận mua/ bán với giá gần 9.000 tỷ đồng. Thực chất, giá trị thật của AVG chỉ khoảng 2.000 tỷ, nhưng các bên cùng nhau dựng lên vở kịch giám định này để rút tiền nhà nước chia nhau.

Công ty AMAX được thành lập với vốn điều lệ 3,8 tỷ đồng, vậy mà, lại định giá doanh nghiệp khác đến 16.000 tỷ đồng.

Vụ án này, ông Tô Lâm cũng có dính líu, nhưng vai trò của ông đã chìm xuồng.

 

Ngược lại, trong trường hợp định giá tài sản của Vạn Thịnh Phát, bầy kền kền đã dìm giá trị tài sản xuống thấp hơn giá thị trường, để chiếm đoạt tài sản của Vạn Thịnh Phát. Ở đất nước này, khi doanh nghiệp làm giám định theo lời mời của nhà nước, thì liệu họ có dám làm giám định “độc lập” hay không? Nếu họ “dám”, thì rất có thể, họ sẽ không còn đất sống. Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng, Công ty Hoàng Quân đóng vai trò tương tự AMAX, tức là, họ chỉ “diễn” vai giám định.

Hiện tại, bà Trương Mỹ Lan là người bị trói tay trói chân, bà không có quyền đòi hỏi hay chọn một công ty giám định “dám” bảo vệ lợi ích cho bà. Bà đang là bị cáo, nên phía tố tụng làm gì, có dựng vở kịch gì đi chăng nữa, thì bà cũng chỉ có thể chấp nhận.

Bà Trương Mỹ Lan là một tội phạm kinh tế, đó là sự thật. Tuy nhiên, bà vẫn cần được công lý bảo vệ cho quyền lợi của bà, còn những việc bà làm sai, thì bà phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Cần đúng sai phân minh.

Việc thuê các công ty để giám định tài sản của Vạn Thịnh Phát, là kẽ hở rất lớn để những kẻ nhân danh luật pháp trục lợi. Chuyện định giá đất để đền bù cho dân, là tiêu cực từ rất nhiều năm qua, gây ra bao nhiêu cảnh oan khuất khắp nơi ở đất nước này.

Vậy, một Trương Mỹ Lan với khối bất động sản, tài sản khổng lồ, có giá trị nhiều tỷ đô la, thì đám kền kền sẽ tha được sao?

Khi có cơ hội, chúng không bao giờ tha bất kỳ một ai.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023