Vụ Vạn Thịnh Phát: Hệ thống mafia đang lộng hành trong bộ máy nhà nước như thế nào?

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hệ thống mafia đang lộng hành trong bộ máy nhà nước như thế nào?

Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và các đồng phạm, ra xét xử, dự kiến kéo dài từ ngày 5/3 đến ngày 29/4.

Báo Tuổi Trẻ ngày 22/2 đưa tin, “Di lý bà Trương Mỹ Lan vào thành phố Hồ Chí Minh để xét xử”.

Báo Tuổi Trẻ cho hay, lực lượng công an đã hoàn tất việc di lý bị cáo Trương Mỹ Lan và nhiều bị cáo khác trong cùng vụ án, từ nhiều cơ quan tạm giữ, tạm giam, về Sài Gòn để chuẩn bị tham gia phiên tòa sẽ mở ngày 5/3 tới.

Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã bị tạm giam ở nhiều cơ quan tạm giữ, tạm giam, của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và nhiều đơn vị công an ở các tỉnh phía Bắc.

Điều đó cho thấy, việc các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam đã phải đối phó với bàn tay của các thế lực “hắc ám”, liên quan đến những cái chết bí ẩn trong vụ án này, là điều có thật.

Được biết, trong số 86 bị cáo chuẩn bị ra vành móng ngựa trong vụ án này, ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan, có 45 bị cáo là cựu lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, và cơ quan thanh tra giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Đáng chú ý, bị cáo Trương Mỹ Lan và 12 đồng phạm, bị Viện Kiểm sát Tối cao truy tố ở khung hình phạt cao nhất đến tử hình, chung thân, hay 20 năm tù, với cáo buộc tham ô tài sản.

Đặc biệt, trong số này có bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng 2, thuộc Ngân hàng Nhà nước, bị truy tố do “nhận hối lộ” lên đến 5.2 triệu USD của Ngân hàng SCB.

Ngày 19/2, báo Tuổi Trẻ cho biết, Tòa án thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo, kêu gọi 5 bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đã bỏ trốn, ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước. Trong số này, có bị cáo Đinh Văn Thành nằm trong danh sách 13 bị cáo có thể bị tuyên án tử hình.

Được biết, 5 nhân vật kể trên đã xuất cảnh ra nước ngoài, trước khi có lệnh khởi tố bắt giam. Hiện nay, Bộ Công an không thể xác định họ đang ở đâu, nên đã ra lệnh truy nã và sẽ xét xử vắng mặt.

Cũng liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, BBC Việt Ngữ có bài viết, “Đại án Vạn Thịnh Phát: những cái chết bí ẩn và những bị can “lọt lưới”’. Theo bài viết này, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, có 3 nhân vật bất ngờ qua đời, và có 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB bỏ trốn.

Điều đó khiến người ta liên tưởng tới phát biểu của ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, về hiện tượng “quả trứng” mafia Việt Nam, trong một bài phỏng vấn của VietnamNet vào ngày 13/10/2012.

Ông Lê Kiên Thành đã nhận định, “Với kinh nghiệm của nước Nga, sự nguy hiểm chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, và sau đó, nó làm sụp đổ mọi thứ, sụp đổ đến tận gốc rễ”. Theo đó, những mafia phát sinh từ tầng lớp dưới đáy xã hội, nhưng lại có nhiều quyền lực ngầm trong bộ máy nhà nước.

Điều đó có liên quan gì tới những cái chết bí ẩn của một số lãnh đạo “chủ chốt” của Tập đoàn Vạn Thịnh phát và Ngân hàng SCB?

Đầu tiên, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, “bị đột quỵ”, trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt chỉ 2 – 3 tiếng đồng hồ, vào ngày 7/10/2023. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, Công ty Chứng khoán Tân Việt nằm trong nhóm “định chế tài chính”, thuộc hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Tiếp đến là bà Nguyễn Phương Hồng, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, bị bắt cùng lúc với bà Trương Mỹ Lan trong ngày 7/10/2023, nhưng bất ngờ qua đời trong trại tạm giam 3 ngày sau đó.

Sau cùng là ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Sài Gòn Peninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cũng đột ngột qua đời một cách bí ẩn vào ngày 14/10/2022, một tuần sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt giam.

Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định, ông Nguyễn Ngọc Dương đã chỉ đạo cấp dưới tìm người đứng tên các khoản vay tại Ngân hàng SCB, đứng tên đại diện pháp luật của các công ty “ma”; mở tài khoản nhận tiền, rút tiền mặt, phục vụ cho các mục đích của bà Trương Mỹ Lan.

Giáo sư Zachary Abuza khi phân tích về vụ án Vạn Thịnh Phát, đã đánh giá, “đây là một thất bại nặng nề của việc giám sát, kiểm tra trong công tác chống tham nhũng”. Và vì sao, ông Lê Thanh Hải – một người được cho là có mối quan hệ rất chặt chẽ với bà Trương Mỹ Lan, người có những biểu hiện mafia rất rõ rệt, đến nay vẫn hoàn toàn bình an vô sự?

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023