Vụ xe công rước “cô chiêu”: Chánh thanh tra sở 4T Hà Tĩnh là ai mà lạm quyền?

Bản chất của một nhà nước lạm quyền là hành động không theo luật pháp, mà theo ý muốn lãnh đạo. Từ đó, kẻ có chức thì tự cho mình quyền muốn làm gì cũng được. Bởi bộ máy nhà nước và luật pháp chỉ là công cụ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, đã dùng xe công, bật còi hụ, để đón con gái tại sân bay Vinh, đây là việc làm sai luật rõ ràng. Lẽ ra, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cần phải xử lý bà quan chức này. Nhưng ngược lại, chính quyền Hà Tĩnh lại cho Sở Thông tin và Truyền thông ra tay, nhằm bao che cho sự sai trái của bà Hà.

Ngày 6/2, Chánh Thanh tra Sở 4T Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt nhà báo Vũ Đình Thắng 4 triệu đồng. Ông Thắng 37 tuổi, là phóng viên Tạp chí Công nghiệp Môi trường. Nguyên nhân xử phạt, theo quyết định, là nhà báo Thắng “hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ”. Đây là một nguyên nhân mơ hồ, không rõ ràng. Nguyên nhân thực sự đằng sau là nhà báo này đã gọi điện cho Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, để xác minh việc bà này làm loạn ở Sân bay Vinh vào chiều tối 2/2.

Điều đáng nói là, báo Hà Tĩnh đăng tin nhà báo Vũ Đình Thắng bị phạt, nhưng lại giấu tên người phạt là ông Chánh Thanh tra Sở 4T Hà Tĩnh. Vậy, ông này là ai mà báo chí phải giấu tên? Nếu làm đúng thì việc gì phải che dấu?

Theo thông tin chúng tôi có được, Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh là ông Phạm Văn Báu. Chánh Thanh tra ra quyết định phạt, tương đương với việc Sở ra quyết định. Tuy nhiên, ông Đậu Tùng Lâm – Giám đốc Sở, và hai Phó Giám đốc là Dương Văn Tuấn và Dương Kim Nga, lại né tránh việc ký vào quyết định xử phạt này.

Vụ dùng xe công đón con là sai, nhưng không nghiêm trọng. Chỉ cần bà Nguyễn Thị Lệ Hà lên tiếng thừa nhận và xin lỗi là được. Cũng như, ngày 8/1/2019, ông Trần Tuấn Anh, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công thương, đã gửi thư xin lỗi về việc điều xe công đón vợ tại sân bay.

Vấn đề đáng nói là, chính quyền Hà Tĩnh lại bao che cho quan chức một cách trắng trợn, bất chấp sai trái. Câu hỏi đặt ra là, bộ máy chính quyền tỉnh Hà Tĩnh được lập ra để quản lý nhà nước theo pháp luật, hay là để bao che cho nhau làm bậy?

Bao năm qua, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dựng “lò”, “đốt” hàng loạt quan tham làm sai. Tuy nhiên, ông “đốt” thế nào mà mãi bộ máy nhà nước này không thể trong sạch được? Bất chấp “lò” cháy rực lửa, quan chức vẫn trắng trợn dùng quyền lực nhà nước để bao che cho nhau.

Trong bộ máy chính quyền Cộng sản Việt Nam, hễ có công thì tranh nhau giành lấy, còn khi làm sai thì họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Việc ra quyết định xử phạt phóng viên Vũ Đình Thắng là việc làm bao che cho kẻ làm sai, chắc chắn sẽ bị công luận phản đối, nên các quan lớn né tránh. Những quan chức cấp trên đã đẩy trách nhiệm này cho ông Chánh Thanh tra Sở. Thậm chí, báo Hà Tĩnh cũng không dám đưa tên ông Chánh Thanh tra này lên mặt báo, chỉ thông báo chức danh.

Kể ra, bà Nguyễn Thị Lệ Hà có quyền lực ngầm rất lớn. Chỉ là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, mà có thể giật dây Chánh Thanh tra Sở 4T của tỉnh, xử phạt phóng viên đã dám “mạo phạm” đến bà. Bà này và những kẻ bao che cho bà là những thanh củi, đáng để ông Trọng cho điều tra và tống vào “lò”, để làm sạch bộ máy chính quyền Hà Tĩnh. Không biết, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ xử lý vụ việc này ra sao?

Vụ ông Trần Tuấn Anh cho xe công đón “vợ yêu” và vụ bà Nguyễn Thị Lệ Hà cho xe công đón “cô chiêu”, về hình thức thì giống nhau, tuy nhiên, cũng có phần khác. Đấy là, vụ sau lạm quyền hơn vụ trước. Dù sao, ông Trần Tuấn Anh cũng nhận lỗi, còn bà Nguyễn Thị Lệ Hà lại dùng bộ máy chính quyền tỉnh để trả thù phóng viên.

Sau bao năm nhóm lửa đốt lò, chính quyền đã không sạch hơn, mà còn bẩn hơn trước.

Trà My – Thoibao.de

9.2.2024

Kasse animation 7.8.2023