VinFast, mạng xã hội Việt Nam và “giao tiếp vũ phu”

Ngày 30/1, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận “VinFast, mạng xã hội Việt Nam và “giao tiếp bạo lực”’ của tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung.

Tác giả đề cập đến Donut Media – một kênh được ưa thích của giới chơi xe Hoa Kỳ với gần 9 triệu lượt người đăng ký.

Cách đây 5 tháng, kênh này đăng tải một video có tên gọi “Chúng tôi chạy thử chiếc xe bị review tệ nhất nước Mỹ”, đạt hơn 5 triệu lượt view. Chiếc xe đó, chính là VinFast VF8 – dòng xe cao cấp mà hãng này mang đến Bắc Mỹ.

Và video này có thể nói là một nhát dao chí mạng vào hình ảnh VinFast nói chung, đối với dân chơi xe Hoa Kỳ.

Tác giả dẫn một số mô tả của video này, như hệ thống cảm biến, hệ thống treo, khung gầm, phuộc, chân ga, chức năng hỗ trợ lái… tất cả đều rất tệ.

Tác giả cho biết, với những chỉ trích này, VinFast Bắc Mỹ đã có một động thái không thể chuyên nghiệp hơn:

Họ dành 6 tháng để mày mò sửa lỗi, và sau khi sửa xong, họ nhắn tin cho Donut Media, đề nghị rằng: “Chúng tôi đã sửa các lỗi mà các anh phát hiện. Các anh có thể review nó lại lần nữa không?

Donut Media chiều lòng công ty. Họ review lại chiếc VF8, và công nhận rằng, chiếc xe đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nếu không nói là đã trở thành một chiếc xe “chấp nhận được”. Tuy nhiên, anh chàng host vẫn không chấp nhận lắm cảm giác lái, các tiện ích và mức giá đi kèm 53 nghìn Mỹ kim. Anh vẫn cho rằng, đây vẫn nên là một chiếc EV gia đình giá rẻ ở mức 35 nghìn Mỹ kim.

Tác giả bình luận, dù gì đi chăng nữa, đây là một tin tương đối tốt cho VinFast Bắc Mỹ, tác giả chúc mừng họ. Song, cũng có thể nói là, một thái độ không thể tìm thấy ở Việt Nam của hãng.

Nếu chưa kể những lần cơ quan công an, tòa án được sử dụng như một “ông kẹ”, thường trực phủ bóng lên các bình luận chỉ trích, phê bình nhắm tới VinFast nói riêng và toàn bộ Tập đoàn nói chung; cá nhân tác giả cũng là một đối tượng của thói quen giao tiếp “không khoan nhượng” của Vin ở Việt Nam.Dù tác giả viết về nhiều thứ trên đời, với những chủ đề có thể nói là nhạy cảm hơn về mặt pháp lý lẫn chính trị, thứ duy nhất khiến tác giả bị réo tên ở một trang thông tin điện tử chủ yếu dùng để chỉ trích, đấu tố giới hoạt động, xã hội dân sự ở Việt Nam, lại là vì một bài viết về… VinFast.

Bài viết về VinFast này chủ yếu chỉ nói về chủ nghĩa dân tộc sản xuất/ chủ nghĩa dân tộc dựa trên sản xuất xe hơi, và vì sao tác giả thất vọng về các quyết định của VinFast dưới góc độ chính sách, cũng như phương pháp họ vận dụng chủ nghĩa dân tộc vào sản phẩm của họ.

Tác giả phân tích, ở một mặt, sự nhạy cảm của những người quản trị VinFast thật ra là có thể hiểu được.

Mạng xã hội Việt Nam, cho đến thời điểm này, chỉ giao tiếp với nhau bằng các biện pháp bạo lực.Bóc phốt, drama, ăn theo drama để chửi bới một bên, sau khi có thông tin mới thì chửi bới bên còn lại. Chửi như một phần của sáng tạo nội dung… đã là đời sống thường nhật tại Việt Nam.

Phản ứng tự vệ đôi khi là cần thiết, bởi không phải ai cũng có thể im lặng trước tất cả những tấn công ác ý có chủ đích.

Tuy nhiên, tác giả nhận xét, thái độ khác biệt một trời một vực giữa cách VinFast đối xử với các Youtubers người Mỹ, với một video hàng triệu views gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chén cơm manh áo của họ, tại một thị trường khốc liệt như ở Hoa Kỳ, và cách đối xử với một vài nhà quan sát nhỏ ở Việt Nam, có tệp người đọc chỉ gói gọn ở mức vài trăm, vài ngàn… đặt ra câu hỏi, liệu rằng, thói quen giao tiếp của VinFast tại Việt Nam có phải là một sản phẩm cơ chế và các đặc quyền lịch sử hay không.

 

Minh Vũ – thoibao.de

30.1.2024

Kasse animation 7.8.2023