Người đào thoát Bắc Hàn gửi tiền về nước: li kì hơn phim gián điệp

Ngày 30/1, BBC Tiếng Việt đăng tải phóng sự “Người đào thoát Bắc Hàn gửi tiền về nước: ly kỳ hơn phim gián điệp”.

BBC dẫn lời ông Hwang Ji-sung, một môi giới người Hàn Quốc đã giúp những người đào tẩu khỏi Bắc Hàn gửi tiền về quê trong hơn một thập kỷ qua, cho biết: “Nó giống như phim gián điệp vậy và mọi người đều phải đặt cược mạng sống của mình”.

BBC cho biết, hiện nay, với việc cả hai miền Bắc – Nam Triều đều truy quét mạnh tay, việc chuyển kiều hối từ miền Nam sang miền Bắc đang ngày càng trở nên rủi ro hơn.

Theo BBC, từ năm 2020, nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-Un đã tăng cường trấn áp các nhà môi giới, để ngăn dòng tiền và “hệ ý thức và văn hóa phản động” từ Hàn Quốc.

BBC dẫn lời bà Joo Soo-yeon, vợ ông Hwang, cũng là một người môi giới, đánh giá: “Số người làm môi giới ở Bắc Hàn đã sụt giảm hơn 70% so với vài năm trước”.

Đồng thời, BBC cho biết, Hàn Quốc cũng cấm các hình thức chuyển tiền như vậy, dù trong quá khứ, chính quyền hầu như nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, hiện tại, Hàn Quốc muốn việc chuyển tiền đến Bắc Hàn phải được thực hiện thông qua “ngân hàng hợp pháp”.

Nhưng, theo lời ông Hwang, không có tổ chức nào có thể nhận tiền ở Bắc Hàn một cách hợp pháp, vì về mặt kỹ thuật, hai miền Bắc Nam vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Quy trình chuyển tiền từ Nam Hàn sang Bắc Hàn được BBC mô tả:

Điện thoại nhập lậu từ Trung Quốc cho phép những người đào tẩu ở miền Nam liên lạc với gia đình họ ở miền Bắc. Các nhà môi giới ở Bắc Hàn là những người thực hiện cuộc gọi. Họ phải đi quãng đường dài, đến các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, và truy cập lậu vào mạng viễn thông Trung Quốc. Thậm chí, họ phải leo lên núi để sắp xếp các cuộc gọi như vậy.

Các cuộc trò chuyện phải diễn ra nhanh gọn để tránh bị Bộ An ninh theo dõi.

Sau khi thống nhất số tiền chuyển và khoản hoa hồng cho môi giới, người đào tẩu ở miền Nam sẽ gửi tiền vào tài khoản Trung Quốc, thông qua các nhà môi giới ở Hàn Quốc. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Trung Quốc cũng đang giám sát chặt chẽ dòng ngoại tệ.

Tiền kiều hối từ Nam Hàn đôi khi được ngụy trang dưới dạng giao dịch giữa các công ty thương mại Trung Quốc và Bắc Hàn. Sau đó, một số người chuyển phát ở Bắc Hàn sẽ giao tiền tới tay các gia đình. Sau khi giao tiền, môi giới sẽ nhận được 50% tiền hoa hồng.

Tất cả những người môi giới ở Nam – Bắc Hàn, và cả Trung Quốc, đều sử dụng bí danh và dùng các ký tự mã hoá để liên lạc, trao đổi thông tin.

Môi giới ở Bắc Hàn, nếu bị bắt, sẽ phải đối mặt với mức án 15 năm tù. Nếu bị nghi là gián điệp thì sẽ bị chuyển đến những trại giam chính trị hà khắc, khét tiếng, nơi người ta tin rằng, hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng.

Ông Hwang kể, thậm chí có những gia đình từ chối nhận tiền, vì họ sợ có thể là cái bẫy do an ninh giăng ra.

Bà Joo cho biết:

“Một số người đào tẩu đã bỏ cha mẹ, con cái ở lại. Họ chỉ đơn giản muốn đảm bảo rằng gia đình họ ở Bắc Hàn sẽ sống sót để một ngày nào đó có thể đoàn tụ.”

Bà nói rằng, một triệu won đủ để nuôi một gia đình ba người trong một năm ở miền Bắc.

BBC dẫn lời luật sư Park Won-yeon, người đã hỗ trợ pháp lý cho những người đào tẩu, tin rằng, sự hăng hái quá độ có thể là một yếu tố khiến Nam Hàn truy quét những người môi giới chuyển tiền.

Ông Hwang tin rằng, số tiền gửi từ những người đào tẩu không chỉ là tiền, và:

“Đó là cách duy nhất để lật đổ Bắc Hàn mà không cần chiến đấu. Cùng với tiền, nó còn đi kèm tin tức miền Nam thịnh vượng và giàu có… Đó là điều mà Kim Jong-Un lo sợ”.

BBC dẫn lời ông Kim, một người Bắc Hàn đào thoát, tin rằng, những người như ông sẽ không ngừng gửi tiền về cho người thân ở quê nhà, dù chính quyền cả hai bên đều muốn ngăn cản họ. Ông nói rằng, mình sẽ tự đến Trung Quốc để chuyển tiền nếu cần thiết.

Ông đang tiết kiệm hết mức có thể để có thể gửi 4 triệu won cho vợ và hai con trai ở miền Bắc mỗi năm.

 

Quang Minh – thoibao.de

30.1.2024

Kasse animation 7.8.2023