Chính quyền địa phương có trách nhiệm gì trong vụ hai vợ chồng ở Trà Vinh “gán con”?

Ngày 25/1, RFA Tiếng Việt có bài “Chính quyền địa phương có trách nhiệm gì trong vụ 2 vợ chồng ở Trà Vinh “bán con”?”

RFA đề cập đến bản án tổng cộng 23 năm tù của vợ chồng trẻ Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn và Thạch Thị Kim Nhung vì “bán con”.

Bản án được dư luận xã hội bàn tán nhiều, vì nếu cả hai vợ chồng đi tù, ai sẽ nuôi những đứa con còn quá nhỏ của họ ở ngoài? Nhiều người cho rằng, bản án của tòa không có tính nhân văn trước số phận của những đứa trẻ, một khi cha mẹ chúng vào tù.

RFA dẫn lời chị Thạch Thị Kim Nhung nói:

“Đứa lớn nhất mới 5 tuổi, một đứa gần 4 tuổi, một đứa gần 3 tuổi, đứa nhỏ nhất mới mười mấy tháng. Tòa họ nói đã xem xét con nhỏ, nhưng vẫn đưa ra mức án đó. Em thấy nó không đúng với việc em đã làm. Chồng em bị bắt từ năm ngoái, bị tạm giam từ hồi đó đến giờ. Em thì được ở ngoài. Người ta nói vì em còn con nhỏ. Giờ đi tù thì không biết mấy đứa nhỏ học hành, ăn uống ra sao nữa. Cha mẹ em không lo được cho tụi nó vì cha mẹ cũng già rồi.”

“Họ cho ông bà ngoại nuôi dưỡng 3 đứa bé. Chỉ có mình ông ngoại đi bán vé số. Có bữa bán hết, có bữa bán không hết. Có ngày được 150 ngàn, có ngày được 180 ngàn đồng.”

Mẹ chị Nhung – bà Chane Tha thì nói với RFA rằng, bà buồn lắm và bấn loạn tinh thần, không biết làm sao để nuôi ba đứa cháu ngoại của mình khi cha mẹ nó vào tù.

RFA dẫn ý kiến của Luật sư Ngô Anh Tuấn, cho rằng:

“Chồng bị tuyên 13 năm, vợ 10 năm thì chắc vợ có vai trò thứ yếu. Như thế có thể xử người thứ yếu dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, vì hậu quả đã khắc phục được rồi.

Trường hợp này tòa hoàn toàn có thể áp dụng nhiều tình tiết để xử theo khoản 2, điều 54. Áp dụng dưới mức thấp nhất khung hình phạt, rất thấp, rồi sau đó cho hưởng án treo. Tôi nghĩ đến phiên phúc thẩm, với áp lực dư luận thì có thể người ta sẽ xem xét.”

Theo Luật sư Tuấn, chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra xem người dân sống như thế nào để có các chính sách hỗ trợ, “Nhưng lúc này thì chắc là họ sẽ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thôi”.

RFA tiếp tục dẫn quan điểm của Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói:

“Tôi cũng không hiểu hoàn cảnh gia đình như thế nào mà đến mức phải bán con. Giả sử họ thuộc diện nghèo thì địa phương nào cũng có chương trình xóa đói giảm nghèo hỗ trợ. Ngoài ra còn có các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội công dân… người ta cũng có trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ.”

“Như vậy, họ được nhiều hình thức hỗ trợ khác nữa. Tất nhiên, hỗ trợ hộ nghèo thì nó cũng ít lắm, chỉ gọi là thôi, nhưng cũng tránh mức đói khổ. Để thoát ra cảnh quá nghèo thì hỗ trợ được”.

RFA dẫn câu hỏi của bác sĩ Võ Xuân Sơn trong bài viết “Xung quanh câu chuyện bán con bị xử tù 23 năm”, được đăng trên mạng báo Tiếng Dân, rằng: “Nếu hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, hội bảo vệ quyền trẻ em… và bao nhiêu các hội khác, có hoạt động thực sự, thì cặp vợ chồng kia có dừng lại ở 1 hoặc 2 con, để nuôi dạy cho tốt không?”

Chị Thạch Thị Kim Nhung cho biết:

“Cách đây một, hai năm, bên xã có xuống hỏi, khảo sát hoàn cảnh. Họ hỏi về công việc, về thu nhập. Xong họ nói họ sẽ hỗ trợ, nhưng chẳng thấy họ hỗ trợ gì hết. Gia đình không rành nên em cũng không biết phải xin như thế nào để được hỗ trợ nữa. Cách đây mấy ngày, bên xã có xuống đưa mẹ em hai triệu, nói là để phụ giúp gia đình lo cho mấy đứa nhỏ.”

Xuân Hưng – thoibao.de

26.1.2024

Kasse animation 7.8.2023