Quyền lực tướng Tô Lâm tới đâu? Đạp gãy 3 tầng luật, đến Phó Thủ tướng cũng phải sợ! (Bài 2)

Cũng như bao lâu nay, khi người dân đấu với chính quyền thì họ chỉ có thể bám víu vào luật, bởi ngoài luật thì dân không còn điểm tựa nào khác. Trong khi đó, nhà nước lại vin vào quyền lực và bất chấp pháp luật. Như vậy là, người dân bám vào thứ mà nhà nước đang chà đạp để đòi quyền lợi, cho nên, hầu như kết quả cuối cùng là người dân luôn thua.

Hồi năm 2017, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – nói rằng “chúng ta sai chúng ta xin lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Đây là câu nói thể hiện bản chất của chế độ, chế độ này chỉ xem luật pháp là công cụ để trị dân, chứ không xem là khuôn khổ buộc cả dân và nhà nước cùng tuân thủ.

Người xưa có câu “thượng bất chính hạ tất loạn”, một khi thượng tầng chính trị bất chính, thì bên dưới làm sao có kỷ cương? Hãy xem cách ứng xử của ông Nguyễn Phú Trọng với quyền lực thì sẽ thấy rõ, ông dùng luật như công cụ làm lợi cho ông, dù đấy là Đảng luật. Chính ông đặt ra giới hạn tuổi, rồi cũng chính ông nghĩ ra “suất đặc biệt” để bản thân không bị dính vào quy định về giới hạn tuổi và cả giới hạn nhiệm kỳ mà các đồng chí của ông đã đặt ra trước đó.

Đặt ra luật đó rồi chà đạp lên, thì bên dưới làm sao có được tinh thần thượng tôn pháp luật?

Trong quyết định mở rộng trụ sở tại 44 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, của Bộ Công an, ông Tô Lâm đã chà đạp lên 3 tầng luật. Thứ nhất, ông chà đạp lên Hiến pháp, thứ nhì, ông chà đạp lên luật pháp, và thứ ba ông chà đạp lên Quyết định của Thủ tướng.

Tại Khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:  “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Việc thu đồi đất kiểu đánh úp, khiến dân trở tay không kịp, là cách làm không minh bạch. Đồng thời, việc mở rộng trụ sở 44 Yết Kiêu là không cần thiết, bởi Bộ Công an đang có trụ sở rất lớn ở số 47 Phạm Văn Đồng, mới đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Theo Khoản 5, Điều 8, Luật Thủ đô có quy định như sau: “Việc lập và thực hiện quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc công khai, đồng bộ, ổn định, lâu dài”. Điều luật này quy định tương tự Khoản 3, Điều 54, Hiến pháp, nên khi ông Tô Lâm cho chà đạp lên Hiến pháp, cũng có nghĩa là ông đã chà đạp lên Luật Thủ đô.

Còn theo Điểm a, Khoản 5, Điều 1, của Quyết định số 1259/QĐ – TTg do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 26/7/2011, có quy định như sau: “Sắp xếp, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang và giữ quỹ đất hiện trạng khu vực an ninh quốc phòng theo quy hoạch chuyên ngành an ninh quốc phòng”.

Việc cho Bộ Công an mở rộng trụ sở 44 Yết Kiêu là không giữ quỹ đất hiện trạng khu vực an ninh quốc phòng, theo quy hoạch chuyên ngành an ninh quốc phòng.

Thông thường, nếu Hiến pháp, luật pháp và các văn bản dưới luật đá nhau, thì khi thực hiện chính sách, người ta có thể lợi dụng kẽ hở mà chui qua khe cửa hẹp. Tuy nhiên, với trường hợp thu hồi đất của dân để mở rộng trụ sở 44 Yết Kiêu của Bộ Công an, thì cả 3 tầng luật này đều chặn lại, không có khe hở nào để lách qua. Vậy mà, Bộ Công an lại ngang nhiên đạp đổ cả 3 tầng luật, quyết tấn công vào những khu đất mà người dân đang yên ổn làm ăn sinh sống bấy lâu nay.

Ngày 9/5, ông Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 35/QĐ, phê duyệt quyết định đầu tư dự án này. Đây là văn bản được ký với mục đích làm vừa lòng Tô Lâm là chính, bởi về hình thức, văn bản này cực kỳ cẩu thả (lỗi đánh máy thiếu chữ). Trong phần Trích lục Quyết định không nêu chỉ giới, mốc giới thu hồi đất, không có chữ ký của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cũng không có dấu của Chính phủ.

Tô Lâm quả là đáng sợ, đạp gãy 3 tầng luật và khiến cho Trần Hồng Hà phải ký một văn bản trái luật, để ủng hộ hành động cướp đất dân của Bộ Công an.

Ý Nhi – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023