Đại dịch Covid-19 và bài học “chuyển bại thành thắng” của Thủ tướng Chính?

Một trong những thảm họa của người Việt Nam trong những năm gần đây, có lẽ là đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tổng số người tử vong do dịch Covid-19 lên tới con số 43.178 người. Đó là chưa kể tới hàng triệu người lao động mất việc làm do chính sách phong tỏa cực đoan.

Điều đáng nói là, cách thức điều hành chống dịch vô trách nhiệm và thiếu khoa học của Chính phủ, đã phát sinh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi của các tổ chức cá nhân trong bộ máy nhà nước.

Vậy mà, báo Chính phủ ngày 29/10 giật title: “Thủ tướng: Tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam một lần nữa được khẳng định”. Bài báo cho biết, sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trực tuyến với các địa phương.

>>> (Hình 01: Thủ tướng: Tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam một lần nữa được khẳng định)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch, một lần nữa khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực.”

Phát ngôn này cho thấy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố, Việt Nam đã chống dịch Covid.19 thành công.

Dư luận xã hội bất ngờ với tuyên bố của Thủ tướng Chính, và thấy rằng, tuyên bố này hoàn toàn đi ngược với thực tế và kết quả về chống dịch Covid-19 vừa qua.

Trên thực tế, trong hơn năm tháng cao điểm của đại dịch, tính từ tháng 4 đến hết tháng 9/2021, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện việc phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, để phòng chống dịch Covid-19.

Từ việc truy vết, rồi đưa những người phơi nhiễm virus Covid-19 đi cách ly và điều trị tập trung, là một chính sách sai lầm tai hại nhất. Bởi vì, tại sao đã là cách ly lại còn tập trung?

Nghĩa là, đưa những người nhiễm và không nhiễm virus vào ở tập trung, khiến cho xảy ra tình trạng lây chéo, và số người nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng. Điều này đã làm cho hệ thống y tế bị quá tải, người bệnh không được chăm sóc chu đáo, từ đó dẫn tới tình trạng tử vong tăng cao.

Đó là chưa kể tới việc toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh bình thường ở các bệnh viện, đối với các bệnh không liên quan đến Covid-19, hoàn toàn bị tê liệt, không thể hoạt động.

Chưa kể tới việc, từ đầu tháng 5/2021, Chính phủ đưa ra các quyết định “giãn cách xã hội”, mà thực chất là phong tỏa từng khu vực hoặc toàn bộ. Điều đó đã khiến tất cả các cửa hàng, các chợ truyền thống buộc phải đóng cửa. Trong nhiều tuần, các gia đình ở khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ) không được phép đi mua thực phẩm và cũng không được nhận tiếp tế. Sau đó, mỗi hộ gia đình chỉ được phép ra đường 1-2 lần/ tuần để mua thực phẩm trong các siêu thị.

Chính sách cực đoan và sai lầm đó đã khiến cho người dân hết sức lao đao, trong điều kiện nguồn thu nhập quá mức hạn hẹp, do không có việc làm. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết quý 3/2021, có hơn 28,2 triệu người bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm thu nhập… do tác động của dịch Covid-19.

Mất việc làm và không được hỗ trợ kịp thời, dẫn tới hệ quả là hàng triệu người lao động phải vượt vòng “phong tỏa”, tháo chạy khỏi các thành phố lớn, đổ về quê. Vẫn theo Tổng cục Thống kê, thời điểm tháng 9/2021, đã có khoảng 1,3 triệu lao động ở phía Nam phải về quê, vì cuộc sống ở thành phố và các khu công nghiệp quá khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, phải kể tới việc các quan chức nhà nước đã lợi dụng dịch bệnh để “móc túi” dân, thông qua những vụ án như chuyến bay giải cứu, hay chính sách “xét nghiệm thần tốc trên diện rộng” để tiêu thụ kit test giả của Công ty Việt Á.

Trong vụ Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an công bố, đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, và cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Nhà báo Nguyễn Thông, trong status “Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp”, đăng trên trang Facebook cá nhân, cho rằng:

“Những người Cộng sản vô thần và duy ý chí chỉ tin vào chính họ. Với họ, chỉ có đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nếu thất bại, họ có cách (nhất là bằng tuyên truyền) chuyển bại thành thắng, họ là chỉ nhấn mạnh, ca ngợi, tung hô thành công, đồng thời lờ đi, ỉm đi những thất bại.

Ngày trước, khi họ nói “thành công tốt đẹp”, thì dân tin, còn nay nhân dân hiểu rằng, bên trong cái thành công tốt đẹp luôn chứa đầy ung nhọt, có thể vỡ ra bất cứ lúc nào.”

Cho nên, công luận thấy rằng, chẳng có gì là bất ngờ, khi Thủ tướng Chính khẳng định, con số số 43.178 người người tử vong trong Đại dịch Covid-19 là một thành công./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023