Cảnh báo: Ngọc Trinh bị bắt liên quan đến chủ trương bóp nghẹt dư luận mới của Bộ Công an?

Việc Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam người mẫu nổi tiếng Ngọc Trinh hôm 19/10, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”, đã gây xôn xao cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số lý do bắt Ngọc Trinh, song cáo buộc Ngọc Trinh đã tổ chức quay clip, rồi đăng lên các tài khoản mạng xã hội của cá nhân có số lượng người theo dõi lớn, dường như là trọng tâm. Công an cho rằng, điều đó gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng, là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Trong lúc đó, phản ứng của phần lớn dư luận cho rằng, hành động của Ngọc Trinh là đáng phê phán, nhưng ở góc độ pháp lý, thì việc khởi tố và bắt tạm giam là có vấn đề.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng viết trên trang Facebook cá nhân rằng, “… một điều chắc chắn, việc khởi tố hành vi gây rối trật tự công cộng, chỉ dựa duy nhất vào hành động trong clip mang tính biểu diễn câu view, và bắt tạm giam cô ấy là chưa đảm bảo tính đúng đắn của pháp luật.”

Giới luật sư Việt Nam trong và ngoài nước đều thấy rằng, những hành vi của Ngọc Trinh như nằm trên xe, thả tay lái xe… mục đích chỉ để quay clip câu view… “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” đến mức độ nào mà để cơ quan công an khởi tố?

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng biên tập báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh – đã viết trên trang cá nhân rằng, “Nhiều người bất ngờ vì không nghĩ rằng tội Gây rối Trật tự công cộng có thể được áp dụng cho cả hành vi trên mạng xã hội. Và họ bất ngờ vì nghĩ Ngọc Trinh chỉ vi phạm giao thông, đã bị phạt rồi là xong. Ngọc Trinh, chắc cũng bất ngờ”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh thì đưa ra nhận xét, “Ngọc Trinh bị khởi tố tội “Gây rối trật tự công cộng”. Trong đó, nơi “công cộng” là trên không gian mạng. Điều này chưa từng có tiền lệ trên thế giới và là sự nới rộng khái niệm “công cộng” một cách tùy tiện của tư pháp Việt Nam.”

Công luận thấy rằng, tuy công an bắt Ngọc Trinh với tội danh là gây rối trật tự công cộng, cho dù hành vi của cô là ít nghiêm trọng, nhưng rõ ràng, chính quyền lo ngại ảnh hưởng xấu của cô khi có một lượng fan hâm mộ tới hơn 3 triệu người.

Theo thống kê của cơ quan điều tra cho thấy, mức độ lan tỏa của người mẫu Ngọc Trinh nằm ngoài sự tưởng tượng. Cụ thể:

“5 video của Trinh trên Tik Tok Ngoc Trinh, nhận 478.000 like; 4.881 comment; 9.848 lượt 8 lưu và 5.787 lượt share. Trên Facebook cá nhân: 5.900 lượt tương tác, 438 lượt bình luật. Trên Fanpage Facebook NGỌC TRINH, riêng đoạn video ngã xe cũng có tới 2,7 triệu like.”

Đó có lẽ là lý do khiến VietNamnet định hướng dư luận:

“Hiện tại tài khoản mạng xã hội của Ngọc Trinh trên các nền tảng đã đạt tới hàng triệu người theo dõi.

Video của cô vì thế mà có sức lan tỏa mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, nhất là trên nền tảng có nhiều người dùng là trẻ em như Tik Tok.”

Ngọc Trinh trước khi bị bắt, từng gắn liền với loạt thị phi và theo đuổi phong cách gợi cảm. Dư luận cho rằng, việc tạo các sự kiện gây sốc của Ngọc Trinh cũng chỉ nhằm quảng cáo cho sự nghiệp kinh doanh kiếm tiền bằng vốn tự có mà thôi, chứ hoàn toàn không động chạm gì tới chính quyền.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Miếng, với trường hợp cô Ngọc Trinh, chỉ đăng video trên mạng mà bị kết tội “gây rối trật tự công cộng”, thì đây là cách của Nhà nước với mục đích bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, một biến tấu của Điều 331 hay Điều 117.

Khi bị quốc tế lên án quá thì họ bắt đầu chuyển hướng qua tội “gây rối trật tự công cộng” trên không gian mạng và vụ Ngọc Trinh là vụ đầu tiên. Điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy là, bất cứ ai ở Việt Nam đưa một clip nào đó lên mạng xã hội, dù chẳng đụng chạm đến ai, vẫn có thể bị chụp cho cái mũ “gây rối trật tự công cộng trên mạng”. Đó là sự chuyển hướng của công an trong việc bóp nghẹt tiếng nói người dân trên các trang mạng xã hội./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023